"Ma trận" phí bảo hiểm cháy nổ chung cư

Hoàng Linh |

Đa phần khách tìm kiếm gói bảo hiểm cháy nổ chung cư bắt buộc theo luật định có hiệu lực từ 15/4 đều than họ như rơi vào "ma trận" bởi có quá nhiều tỷ lệ phí bảo hiểm và hạn mức bồi thường khác nhau.

Từ sau vụ cháy chung cư Carina Plaza (TP.HCM) và khi thông tin nghị định 23/2018/NĐ-CP về việc nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà… phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hiệu lực thi hành từ 15/4, người dân mới bắt đầu chú ý đến việc mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ và tài sản.

Điều này đã khiến cho thị trường bảo hiểm cháy nổ chung cư trở nên bỗng trở nên sôi động, đắt khách.

Anh Nguyễn Minh Thái (một nhân viên tư vấn bảo hiểm ở Hà Nội) cho biết, khách hàng tìm đến tư vấn bảo hiểm đều là những người khá mơ hồ về việc mua bảo hiểm cháy nổ cho chung cư và tài sản. Nhiều người nhầm tưởng bảo hiểm này sẽ do chủ đầu tư đóng toàn bộ.

Nhân viên tư vấn bảo hiểm này tiết lộ, tháng 3 này, lượng khách tìm hiểu về bảo hiểm cháy nổ của doanh nghiệp tăng gấp 2 lần so với tháng trước.

Mặc dù có dấu hiệu tăng nhiệt nhưng nhiều nhân viên bảo hiểm tại Hà Nội cho biết có tình trạng khách hàng đang nghe ngóng thị trường để đưa ra lựa chọn

Theo nhiều khách tìm kiếm gói bảo hiểm cháy nổ chung cư bắt buộc theo luật định đều cho rằng họ như rơi vào "ma trận" bởi có quá nhiều gói bảo hiểm với tỷ lệ phí và hạn mức bồi thường khác nhau.

Ma trận phí bảo hiểm cháy nổ chung cư - Ảnh 1.

Nghị định 23/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4, đồng nghĩa với việc toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Anh Nguyễn Thành Tâm (chủ một căn hộ chung cư 85m2 tại Mỹ Đình), cho biết, trường hợp rủi ro cháy nổ, các doanh nghiệp đã chào bán nhiều gói bảo hiểm với tỷ lệ phí bảo hiểm từ 0,15- 0,18% (mức phí bảo hiểm tài sản được tính trên cơ sở 1 năm).

Trên cơ sở tỷ lệ phí bảo hiểm nhân với giá trị tài sản, anh Tâm nhẩm tính, tổng phí bảo hiểm cháy nổ 1 năm cho căn hộ trị giá 1,4 tỷ đồng của mình phải đóng là từ 2,1- 2,5 triệu đồng (chưa bao gồm 10% thuế GTGT và mức trừ của từng doanh nghiệp bảo hiểm).

"Như vậy sự chênh lệch tỷ lệ phí bảo hiểm đã tạo ra sự chênh lệch tổng số tiền bảo hiểm cần đóng từ vài trăm đến cả triệu đồng", anh Thuận cho hay.

Cũng đau đầu lựa chọn các gói bảo hiểm cháy nổ chung cư và tài sản trong nhà, chị Lan Anh (chủ căn hộ chung cư tại khu Dương Nội, Hà Đông) cho biết, hầu hết các hãng bảo hiểm không có bản chào riêng cho sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, mà chỉ có một gói sản phẩm bảo hiểm nhà chung cư đi kèm với rất nhiều gói bảo hiểm rủi ro như cháy nổ, giông, bão, lụt; hay tràn nước từ các bể và thiết bị chứa nước, đường ống dẫn nước… và bảo hiểm tài sản khiến khách hàng khó chọn lựa.

"Chỉ riêng bảo hiểm tài sản, với giới hạn bồi thường đồ vật từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, mức phí bảo hiểm cần đóng đã nhảy từ 150.000 đồng đến 1,5 triệu đồng (áp dụng trong thời hạn một năm)", chị Lan Anh cho hay.

Trong khi nhiều người phải tự tìm kiếm các gói bảo hiểm cháy nổ chung cư trước thời điểm quy định của nhà nước có hiệu lực thì lại có trường hợp không hài lòng với các gói bảo hiểm đã được ban quản lý dân cư và chủ đầu tư đang lựa chọn.

Anh Nguyễn Đức Thuận (chủ nhân căn chung cư 90m2 khu đô thị An Khánh, Hoài Đức) cho hay, hiện nay, gói bảo hiểm căn hộ chung cư khu anh được ban quản lý lựa chọn và phân bổ tính ngay vào kinh phí quản lý vận hành hàng tháng.

Tuy vậy, cách này khiến các hộ gia đình không chủ động tìm được các gói bảo hiểm phù hợp và có lợi nhất. Mặc dù muốn tìm kiếm những gói bảo hiểm tài sản chung cư bên ngoài để đề phòng bất trắc nhưng anh Thuận cũng bối rối trước những mức phí "nhảy múa" của gói bảo hiểm.

"Để người dân tìm hiểu và tự nguyện mua bảo hiểm e rằng rất khó. Nhưng nếu quy về một mối là chủ đầu tư hay ban quản lý tòa nhà thì không có được gói tốt nhất cho người dân. Nếu có được sự thỏa thuận giữa cư dân và ban quản lý sẽ tốt hơn", anh Thuận nói.

Theo các chuyên gia về bảo hiểm, bảo hiểm nhà chung cư chỉ bồi thường cho phần hư hỏng của phần xây dựng (phần khung của toà nhà) mà không áp dụng cho tài sản bên trong của dân cư bên trong. 

Vì thế, trong thời gian này, người dân cần tính toán thu nhập để lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp, đó là chọn mua bảo hiểm căn hộ và tài sản hay chỉ mua bảo hiểm cho căn hộ. 

Theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP, mức phí bảo hiểm được tính như sau:

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại nghị định.

Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật. Điều này dựa trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận

Riêng đối với nhà chung cư, tỷ lệ phí bảo hiểm áp dụng là 0,14% theo Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010, chưa tính đến các yếu tố tăng giảm phí theo quy định).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại