Loài động vật tuyệt chủng 11 triệu năm trước bỗng "hồi sinh" ở Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc

Nguyệt Phạm |

Loài động vật này từng được khẳng định đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm nay bất ngờ được phát hiện ở Việt Nam.

Phát hiện manh mối của loài động vật đã tuyệt chủng

Theo báo Tuổi trẻ, vào năm 2011, Ban quản lý dự án khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng và vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng kết hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế (FFI) đã tổ chức hai đợt điều tra đa dạng sinh học ở khu vực này và lân cận. Kết quả khảo sát đã thu được bốn mẫu thuộc về loài động vật đặc biệt tại khu vực hang Én. Những mẫu vật này khác hẳn những loài gặm nhấm hiện tại đã được phát hiện trên thế giới.

Loài động vật tuyệt chủng 11 triệu năm trước bỗng hồi sinh ở Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc - Ảnh 1.

Tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các nhà khoa học đã tìm thấy mẫu vật của loài động vật gặm nhấm khác hẳn với những loài từng được tìm thấy. (Ảnh: Vietnamnet)

Các nhà khoa học ban đầu cho rằng loài động vật này là loài chuột đá Aenigmanus nên đã xếp chúng vào họ (Laonestidae), thuộc giống (Laonestes) có tên gọi là Laotian Rock Rat, tức là Chuột đá Lào. Thông tin này đã khiến cả thế giới kinh ngạc, tất cả đều đổ dồn sự chú ý vào Phong Nha – Kẻ Bàng của Việt Nam.

Trong báo cáo "Xác định vị trí phân loại, vùng phân bố và đánh giá các đe dọa để bảo tồn loài Chuột đá Trường Sơn (Laonastes sp.) ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng" năm 2014 của nhóm nghiên cứu kể trên, các mẫu vật này nhanh chóng được chuyển đến Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) để phân tích.

Loài động vật tuyệt chủng 11 triệu năm trước bỗng hồi sinh ở Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc - Ảnh 3.

Loài động vật này là loại chuột đá hoàn toàn mới tuy cùng một giống Laonastes nhưng độc lập với Chuột đá Lào. (Ảnh: BioLib)

Tuy nhiên, một năm sau, nhóm nghiên cứu đã phân tích so sánh đặc điểm hình thái gồm chiều dài các bộ phận cơ thể như đuôi, thân, đầu, sọ và xương chẩm… và các xét nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu khác và đưa ra kết luận, quần thể chuột đá ở Phong Nha – Kẻ Bàng là loài mới, mặc dù đều cùng một giống Laonastes nhưng độc lập với Chuột đá Lào. Và các nhà khoa học Việt Nam cũng đã đặt tên cho loài thú huyền bí này là "Chuột đá Trường Sơn" (Annamite Rock Rat) để khẳng định sự khác biệt đó.

Đồng thời, họ cũng phát hiện ra rằng, loài chuột đá này là đại diện sống của họ thú cổ Diatomyidae được xem là đã tuyệt chủng từ kỷ Miocence, khoảng 11 triệu năm trước. Cũng từ sau khi phát hiện loài này, danh lục Thú Việt Nam nâng lên con số 322 loài.

Hiệu ứng hồi sinh hiếm gặp của loài động vật đặc biệt

Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, ông Lê Thúc Định – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng khẳng định: "Không có sự tồn tại gần như vĩnh viễn như vậy. Nhưng chuột đá Trường Sơn được xem là một hiện tượng "hiệu ứng hồi sinh" (lazarus effect) của họ Diatomyidae."

Loài động vật tuyệt chủng 11 triệu năm trước bỗng hồi sinh ở Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc - Ảnh 4.

Chuột đá Trường Sơn được xem là đại diện sống của họ thú cổ Diatomyidae được xem là đã tuyệt chủng từ khoảng 11 triệu năm trước. (Ảnh: Người Lao Động)

Hiệu ứng hồi sinh được định nghĩa là hiện tượng có liên quan đến các phát hiện hóa thạch sinh vật, nói về sự tái xuất hiện của một bậc phân loại sinh vật sau một thời gian dài bị tuyệt chủng. Việc phát hiện ra chuột đá Trường Sơn ở Phong Nha – Kẻ Bàng là một ví dụ cực kỳ điển hình về hiệu ứng hồi sinh rất hiếm gặp ở các loài thú. Hiện tượng này cũng rất cần thiết cho việc nghiên cứu quá trình tiến hóa vô cùng phức tạp của sinh giới trong hệ sinh thái rừng nhiệt đới.

Trong năm 2014 – 2016, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam "Nghiên cứu phân bố và điều kiện sinh thái cho tồn tại và phát triển của loài Chuột đá Trường Sơn (Laonestes aenigmamus) tại Minh Hóa, Quảng Bình" nhằm xác định phạm vi vùng phân bố và các điều kiện sinh thái cho sự tồn tại và phát triển của loài Chuột đá Trường Sơn ở Việt Nam.

Loài động vật tuyệt chủng 11 triệu năm trước bỗng hồi sinh ở Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc - Ảnh 6.

Việc phát hiện ra chuột đá Trường Sơn ở Phong Nha – Kẻ Bàng là một ví dụ cực kỳ điển hình về hiệu ứng hồi sinh rất hiếm gặp ở các loài động vật. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Nhóm đã xác định được vùng phân bố của chuột đá Trường Sơn rộng khoảng 10.000 ha, thuộc địa phận các xã Thượng Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa và Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hầu hết diện tích của vùng phân bố này đều thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Là phiên bản kết hợp giữa chuột và sóc - Chuột đá Trường Sơn có lông màu xám đen và chiếc đuôi màu đen khác biệt. Chuột đá Trường Sơn có chiều dài khoảng 26cm, sở hữu chiếc đầu tương đối lớn, tai tròn và mũi hình củ lạc. Nơi trú ẩn của loài động vật này là ở các hang đá tự nhiên trên các sườn núi đá vôi dốc dưới tán rừng tự nhiên với tầng thảm tươi tương đối rậm rạp, ở độ cao 250-500 m so với mặt biển.

Chuột đá Trường Sơn không nhanh nhẹn như chuột thường nên chỉ sống và tìm thức ăn quanh hang trú ngụ. Loài động vật này có bản tính rất hiền, tuy có phần hơi chậm nhưng sống sạch sẽ và khôn hơn chuột thường, hễ đánh hơi thấy mùi của con người là chúng sẽ không xuất hiện tại nơi đó nữa. Chuột đá Trường Sơn thường hoạt động ban đêm trên mặt đất, luồn lách giữa các tảng đá để trốn tránh kẻ thù, sinh sản ở các tháng khác nhau trong năm và mỗi lứa chuột cái chỉ đẻ 1-2 con.

Loài động vật tuyệt chủng 11 triệu năm trước bỗng hồi sinh ở Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc - Ảnh 8.

Chuột đá Trường Sơn khôn hơn chuột thường nhiều, chúng sinh sản ở các tháng khác nhau trong năm và mỗi lứa chuột cái chỉ đẻ 1-2 con. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Đặc biệt, chuột đá Trường Sơn thường sống và hoạt động ở 2 sinh cảnh rừng nguyên sinh hoặc ít bị tác động là rừng kín với cây lá rộng trên núi đá cácxtơ thấp và rừng kín thường xanh cây lá rộng đất thấp trong các thung lũng núi đá vôi. Chuột đá Trường Sơn ăn chủ yếu là lá, quả, hạt, rễ và củ của 29 loại thực vật. Ngoài ra, chúng cũng ăn một số loại côn trùng.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, chuột đá Trường Sơn phải chịu áp lực mạnh từ việc người dân xã Thượng Hóa thường bẫy và sử dụng chúng như một nguồn thực phẩm trong thời gian thiếu thức ăn. Ngoài ra, sự quấy nhiễu và suy thoái sinh cảnh do sự khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy của người dân địa phương cũng khiến số lượng cá thể của loài động vật này bị giảm mạnh.

Loài động vật tuyệt chủng 11 triệu năm trước bỗng hồi sinh ở Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc - Ảnh 9.

Chuột đá Trường Sơn phải chịu áp lực mạnh từ việc người dân địa phương thường bẫy và sử dụng chúng như nguồn thực phẩm khi thiếu thốn thức ăn. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Theo báo Đại Đoàn Kết, để chuột đá Trường Sơn không rơi vào tình trạng tuyệt chủng như tổ tiên trước đây, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã xây dựng nhiều biện pháp bảo tồn đồng thời tuyên truyền vận động người dân địa phương không săn bắt loài động vật này. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cũng xây dựng quy chế và cam kết bảo vệ chuột đá Trường Sơn và sinh cảnh của chúng, kèm theo các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng nâng cao đời sống.

Đặc biệt, giúp đỡ các gia đình người dân địa phương ở Thượng Hóa phát triển chăn nuôi gia súc, tạo nguồn thực phẩm thay thế và nâng cao đời sống để khuyến khích họ không săn bắt động vật rừng, không chặt phá rừng. Ngoài ra, cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra rừng để phát hiện và phá hủy các luống bẫy cài đặt trong rừng; xử phạt nghiêm những người vi phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại