Lộ diện 11 ‘phú nhị đại’ Trung Quốc: Đều chưa qua 40 tuổi nhưng chuẩn bị được ‘trao ngai vàng’, khối tài sản thừa kế gây choáng lên tới 120 tỷ USD

Bạch Linh |

Những người thừa kế được mệnh danh là “phú nhị đại” này chuẩn bị thừa kế khối tài sản khổng lồ lên tới 120 tỷ USD.

Lộ diện 11 ‘phú nhị đại’ Trung Quốc: Đều chưa qua 40 tuổi nhưng chuẩn bị được ‘trao ngai vàng’, khối tài sản thừa kế gây choáng lên tới 120 tỷ USD - Ảnh 1.

Vlog công việc của Annie Ding khiến cô trông như một Gen Z bình thường: tự lái xe đến văn phòng, ăn bữa trưa tại căng tin và chuẩn bị tài liệu cho sếp. Tuy nhiên, không giống như những người khác, sếp của Annie Ding chính là người cha tỷ phú của cô. Annie Ding (26 tuổi) là người thừa kế đế chế đồ thể thao của cha. “Ông ấy khá bận rộn. Tôi cũng phải đặt lịch hẹn với thư ký của ông trước hai đến ba ngày”, cô chia sẻ trong một vlog gần đây trên mạng xã hội.

Theo Bloomberg Billionaires Index, cha con Annie Ding - là một trong ít nhất 11 gia đình Trung Quốc - có tổng tài sản trị giá hơn 120 tỷ USD đang rục rịch cho quá trình thừa kế những năm gần đây. Những người con trong các gia đình tỷ phú này không ai quá 40 tuổi. Nhưng họ đã đảm nhận những vai trò lớn và quan trọng tại công ty của cha mẹ, hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp từ ô tô đến dược phẩm, công nghệ sinh học và năng lượng mới.

“120 tỷ USD chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, theo Bloomberg. Sự bùng nổ tài sản của Trung Quốc bắt đầu từ hơn bốn thập kỷ trước khi nước này bắt đầu có các doanh nghiệp tư nhân. Trong khoảng thời gian đó, những người sáng lập của một số công ty lớn nhất Trung Quốc đã cùng nhau xây dựng khối tài sản trị giá 1 nghìn tỷ USD. Giờ đây, khi thế hệ đó sắp tới tuổi nghỉ hưu, một số người đã chuẩn bị cho thế hệ sau thừa kế.

Hao Gao, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu PBCSF về Doanh nghiệp Gia đình Toàn cầu của Đại học Thanh Hoa, cho biết kế hoạch kế nhiệm này diễn ra sớm hơn bình thường (sớm hơn từ 5 - 10 năm so với trước đây) nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi được suôn sẻ.

Nhiều người thừa kế trong danh sách này có chung một lộ trình: du học ở Anh hoặc Mỹ, sau đó trở về Trung Quốc để tham gia công việc kinh doanh của gia đình, đôi khi sẽ giúp cha mẹ khai thác thị trường quốc tế hoặc người tiêu dùng trẻ hơn. Ngoài ra, với tiềm năng phát triển cũng như sự tạo điều kiện của Trung Quốc, ngày càng có nhiều người siêu giàu Trung Quốc đổ xô về nước.

Dưới đây, Bloomberg đã thống kê những nhà lãnh đạo doanh nghiệp giàu có hàng đầu Trung Quốc cùng thế hệ thừa kế của họ:

1. Zhong Shu Zi - Nongfu Spring

Zhong Shu Zi sinh năm 1988, được cho là người thừa kế của Nongfu Spring - thành lập vào năm 1996 và là nhà sản xuất nước đóng chai lớn nhất Trung Quốc với doanh thu gần 5 tỷ USD vào năm ngoái. Sự kiện IPO năm 2020 của Nongfu đã giúp cha của Zhong Shu Zi trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Zhong Shu Zi học chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học California, Irvine và tốt nghiệp vào tháng 12/2011. Năm 2014, anh tham gia công việc kinh doanh của cha mình. Hiện nay anh đang hỗ trợ đưa ra lời khuyên về các kế hoạch kinh doanh và hoạt động đầu tư trên cương vị giám đốc không điều hành.

Tài sản gia đình: 62,3 tỷ USD

2. Chen Yiting - Hengli Group

Chen Yiting sinh năm 1993 là con gái của Chen Jianhua, Fan Hongwei - đồng sáng lập Tập đoàn Hengli, một trong những doanh nghiệp lọc hóa dầu tư nhân lớn nhất Trung Quốc, ngoài ra còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như dệt may, khách sạn, bất động sản, máy móc, tài chính,...

Chen Yiting hiện đứng đầu bộ phận Kinh doanh và Thương mại Quốc tế tại Hengli Petrochemical, Singapore.

Tài sản gia đình: 10,6 tỷ USD

3. Li Xingxing - Zhejiang Geely Holding Group

Li Xingxing sinh năm 1985 là người thừa kế của Zhejiang Geely Holding Group, một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc. Công ty có trụ sở tại Hàng Châu này từng thực hiện thương vụ mua lại Volvo từ hãng xe Ford với giá 1,8 tỷ USD vào năm 2010. Đây là một trong những thương vụ mua lại gây chấn động trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc thời điểm đó.

Li học kinh tế tại Đại học Essex ở Anh. Năm 2012, anh gia nhập Geely và hiện là giám đốc điều hành thương hiệu xe hơi Trung Quốc-Thụy Điển Lynk & Co.

Tài sản gia đình: 10,1 tỷ USD

4. Sun Yuan - Hansoh Pharmaceutical Group

Sun Yuan sinh năm 1987, là con gái của Zhong Huijuan - nhà sáng lập Hansoh Pharmaceutical Group, một hãng sản xuất thuốc của Trung Quốc. Công ty có trụ sở tại tỉnh Giang Tô và có doanh thu 9,4 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.

Sun YuanSun học ngành khoa học y sinh tại Đại học Cambridge, tốt nghiệp năm 2007. Cô làm nhà phân tích tại một công ty đầu tư trước khi gia nhập Hansoh vào năm 2011. Sun chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra chiến lược nghiên cứu, phát triển kinh doanh, đầu tư và khoa học, bao gồm cả việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài.

Tài sản gia đình: 8,4 tỷ USD

5. Liu Shuqi - Tongwei Group

Liu Shuqi (1989) là con gái của Liu Hanyuan, người sáng lập và chủ tịch Tập đoàn Tongwei, chuyên về nông nghiệp và năng lượng. Tập đoàn này sản xuất thức ăn cho cá, gia súc và gia cầm. Mảng năng lượng của tập đoàn cũng đơn vị sản xuất polysilicon lớn nhất thế giới.

Liu nhận bằng cử nhân của Đại học Queen Mary ở London và trở thành chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty năng lượng Tongwei Co.

Tài sản gia đình: 7,4 tỷ USD

6. Xu Yangyang - Dali Foods Group

Xu Yangyang (1983) là con gái của Xu Shihui. Gia đình cô sở hữu Dali Foods Group, nhà sản xuất đồ uống, đồ ăn nhẹ và bánh ngọt với 30 cơ sở sản xuất trên khắp Trung Quốc.

Xu Yangyang học kinh tế và thương mại quốc tế tại Đại học Hạ Môn và gia nhập Dali vào năm 2008. Cô được bổ nhiệm làm giám đốc vào năm 2014 và hiện quản lý các hoạt động thường ngày.

Tài sản gia đình: 7,3 tỷ USD

7. Jiang Anqi - Tianqi Lithium Corp

Jiang Anqi sinh năm 1987, tốt nghiệp đại học Concordia ở Canada năm 2012. Cô gia nhập Tianqi vào năm 2016 và trở thành giám đốc điều hành vào năm sau. Cô trở thành phó chủ tịch vào năm 2022 và hiện chịu trách nhiệm hỗ trợ về chiến lược và đầu tư.

Cha của Jiang là chủ tịch của Tianqi Lithium, công ty khai thác lithium và là nhà cung cấp cho các đơn vị sản xuất pin xe điện. Doanh nghiệp này báo cáo doanh thu 40,2 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Nó có các nhà máy sản xuất lithium và có hoạt động liên quan ở Trung Quốc, Chile và Tây Úc.

Tài sản gia đình: 4,3 tỷ USD

8. Ruan Zeyun - Flat Glass Group

Ruan Zeyun sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Sheffield ở Anh với bằng thạc sĩ. Cô gia nhập Flat Glass vào năm 2009. Hiện cô chịu trách nhiệm quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Cha của Ruan đã thành lập Flat Glass Group, công ty sản xuất 1/5 lượng kính năng lượng mặt trời trên thế giới. Công ty có trụ sở tại Gia Hưng cũng sản xuất kính tiêu chuẩn và báo cáo doanh thu 15,5 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.

Tài sản gia đình: 3,7 tỷ USD

9. Yu Shilun - YTO Express Group

Yu gia nhập YTO với vai trò trợ lý chủ tịch vào năm 2019 và được bổ nhiệm làm giám đốc hội đồng quản trị vào tháng 9/2022. Cha của Yu là người sáng lập YTO Express, một trong những công ty chuyển phát bưu kiện hàng đầu Trung Quốc. Kể từ khi thành lập vào năm 2000, dịch vụ chuyển phát nhanh đã mở rộng nhanh chóng, thúc đẩy sự bùng nổ thương mại điện tử của Trung Quốc. Công ty đạt doanh thu 53,5 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.

Tài sản gia đình: 3,3 tỷ USD

10. Gao Haichun - Trina Solar

Gao (1993) học kinh tế tại Đại học Brown. Cô làm việc một thời gian ngắn tại công ty tư vấn McKinsey & Co. trước khi gia nhập công ty đầu tư của Trina vào năm 2017. Cô hiện là Chủ tịch Công ty Trinapower

Cha của Gao đã thành lập Trina Solar, một trong những nhà sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới vào năm 1997. Công ty có trụ sở tại Thường Châu, chuyên sản xuất pin mặt trời, tấm silicon, thiết bị nhà máy điện và các sản phẩm liên quan. Công ty có doanh thu 85 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.

Tài sản gia đình: 3 tỷ USD

11. Ding Jiamin - Xtep International Holdings

Ding Jiamin sinh năm 1997, là người đứng đầu thương hiệu Half-Sugar. Ding gia nhập bộ phận xây dựng thương hiệu của Xtep vào năm 2019. Hai năm sau, cô lãnh đạo một nhóm thành lập Half-Sugar, một nhánh chuyên về đồ thể thao và nhắm đến người tiêu dùng nữ trẻ.

Cha của Ding bắt đầu kinh doanh đồ thể thao vào năm 1999 và thành lập thương hiệu Xtep vào năm 2002. Nhà sản xuất đồ thể thao này sở hữu các thương hiệu gồm K-Swiss, Saucony và Merrell, có hơn 6.400 cửa hàng trên khắp thế giới. Công ty đạt doanh thu gần 13 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022.

Tài sản gia đình: 1,2 tỷ USD

Theo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại