Lấy gương bản thân, Nga cảnh báo Mỹ về tương lai Afghanistan

Minh Đức |

Nga cho rằng, ảnh hưởng của Taliban tại Afghanistan sẽ tiếp tục mở rộng mà không quân đội nước nào có thể ngăn cản.

Nga khuyến cáo, Mỹ phải cân nhắc thương lượng trực tiếp với Taliban về việc rút quân khỏi Afghanistan, hoặc đối mặt với một cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu trong suốt những năm sắp tới.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Moscow vào cuối tuần trước, đặc phái viên đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Zamir Kabulov cho biết, chính việc Mỹ từ chối nói chuyện với Taliban – lực lượng hiện đang kiểm soát 40% lãnh thổ Afghanistan, là “nguyên nhân tại sao chúng ta đang ở ngõ cụt”. Không có sự tiếp xúc như vậy, “chiến tranh và đổ máu sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa”, ông Kabulov nói.

Hồi tháng Hai, chính quyền được Mỹ ủng hộ của Tổng thống Ashraf Ghani đã đề nghị khả năng thương lượng vô điều kiện với Taliaban; tuy nhiên nhóm này đã đáp trả bằng việc tăng cường tấn công. Hôm thứ Sáu (18/5), Taliban tuyên bố sẽ bỏ qua cho lực lượng quân đội và vũ trang Afghanistan, nếu họ rời khỏi “hàng ngũ kẻ thù”.

Cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho Taliban, chính quyền Tổng thống Donald Trup đã đổ thêm quân tới Afghanistan và tiến hành một loạt các cuộc không kích. Trong khi đó, một mặt kiên quyết phủ nhận mọi liên quan, mặt khác Moscow thừa nhận, họ đang đối thoại với phong trào hồi giáo đã cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 – 2000. Sau đó, chế độ này đã bị lật đổ trong chiến dịch do Mỹ khởi xướng, nhằm phá huỷ các trại khủng bố được điều hành bởi Osama Bin Laden.

Mỹ không muốn tham gia đàm phán với Taliban

Những căng thẳng xung quanh vấn đề Afghanistan diễn ra vào thời điểm mối quan hệ giữa Nga và Mỹ ngày càng xấu đi sau các lệnh trừng phạt của Washington đối với Nga, vì cho rằng Moscow đã can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Hai cường quốc cũng “đụng độ” tại Syria khi Nga nỗ lực khôi phục lại ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Đông.

Đại diện của Taliban nói với ông Kabulov, họ sẽ không gặp mặt một chính quyền, mà họ gọi là “một con rối” – trước khi tiến hành đàm phán với Washington.

Trong khi đó, một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ từng tuyên bố hồi tháng Ba rằng, các cuộc nói chuyện với Taliban không nên có sự hiện diện của Mỹ. “Chúng tôi chắc chắn không thể thay thế cho chính phủ Afghanistan và người dân Afghan,” Alice Wells, Phó Trợ lý chính về các vấn đề Nam và Trung Á, Bộ Ngoại giao Mỹ – nói.

Cũng trong tháng đó, Tướng John Nicholson, hiện nắm trong tay 14.000 quân lính Mỹ và 6.500 quân lính NATO tại Afghanistan, đã kêu gọi Taliban chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Ghani, hoặc sẽ phải đối mặt với một chiến dịch quân sự leo thang.

“Các anh đang chứng kiến năng lực ngày càng mở rộng thực sự [của quân đội Mỹ và đồng minh]. Vì vậy, trong tâm trí Taliban, họ sẽ thấy điều gì đang xảy ra,” ông Nicholson nói. “Và những năng lực này chỉ càng tăng thêm mà thôi. Và đây thực sự có lẽ là thời điểm tốt nhất để họ thử thương lượng, bởi vì mọi thứ sẽ chỉ tồi tệ hơn cho họ”.

Tuy nhiên, theo phía Nga, tình hình trên chiến trường lại đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Những ký ức về sự rút lui của quân đội Liên xô tại Afghanistan vào năm 1989 có thể coi là một kinh nghiệm cho Mỹ lúc này.

Kinh nghiệm “nhãn tiền” của quân đội Liên Xô

“Chúng tôi đã trải qua điều tương tự khi quân đội Liên Xô có mặt tại đó, và tình huống khá giống nhau”, ông Kabulov kể lại, đồng thời đưa ra dự đoán, mức độ kiểm soát của Taliban tại quốc gia Nam Á sẽ được mở rộng. “5.000 thậm chí 50.000 quân lính nữa cũng sẽ không khiến mọi việc khá hơn được”.

Theo Bloomberg, khoảng 15.000 quân lính Hồng quân đã thiệt mạng trong khoảng thời gian 10 năm quân đội Liên Xô hiện diện tại Afghanistan.

Sự có mặt của các lực lượng nước ngoài tại Afghanistan là một phần trong các thoả thuận mà ông Ghani đã ký sau khi nhậm chức hồi năm 2014. Chúng cũng cho phép quân đội Mỹ và NATO ở lại Afghanistan cho đến cuối năm 2024 và có thể gia hạn.

Thế nhưng Moscow lại cho rằng, IS đang là một mối nguy cơ không ngừng gia tăng. Mặc dù một số thành phần của Taliban có mối quan hệ liên minh chiến thuật với các tay súng cực đoan; nhưng cả phong trào và giới lãnh đạo lực lượng này lại quyết tâm chống lại nhóm khủng bố. Điều này đồng nghĩa với việc Taliban chia sẻ lợi ích chung với Nga.

Còn nước Mỹ chỉ ra, Nga đang phóng đại sức mạnh của IS tại Afghanistan, nhằm hợp pháp hoá hành động của Taliban và đối phó với ảnh hưởng của Mỹ.

Ông Kabulov cũng tiết lộ, Nga đã từ chối yêu cầu hỗ trợ tiền để mua vũ khí từ Taliban. Ngài đặc phái viên khẳng định, mục tiêu duy nhất của Nga tại Afghanistan là “thúc đẩy dàn xếp hoà bình” và ngăn chặn sự lan rộng của IS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại