Ký ức về bài tập lạ lùng từ "HLV ngoại giỏi nhất" và thất bại ê chề của U23 Việt Nam

Linh Đan |

Bóng đá Việt Nam từng sử dụng nhiều HLV ngoại. Có người thành công và tất nhiên cũng có người thất bại. Mà chính việc thất bại cũng có muôn hình muôn vẻ khác nhau.

"HLV NGOẠI GIỎI NHẤT MÀ VIỆT NAM TỪNG CÓ ĐƯỢC"

Đầu tháng 3 năm 2011, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước quyết định chia tay ĐT Việt Nam khi vẫn còn đến 2 năm hợp đồng của HLV Calisto.

Lý do được ông thầy người Bồ Đào Nha đưa ra là không chịu nổi áp lực dư luận sau thất bại tại AFF Cup 2010 (ĐT Việt Nam bị loại ở bán kết). Tuy nhiên một nguyên nhân khác cũng được báo chí đề cập tới, đó là việc Muangthong United khi đó gửi đến lời đề nghị tương đối hấp dẫn để mời thầy "Tô" sang Thái Lan làm việc.

VFF sau nỗ lực níu giữ bất thành cũng đành đồng ý để ông Calisto ra đi. Một cuộc tìm kiếm HLV mới cho ĐTQG và U23 Việt Nam bắt đầu.

Ký ức về bài tập lạ lùng từ HLV ngoại giỏi nhất và thất bại ê chề của U23 Việt Nam - Ảnh 1.

HLV Falko Goetz đến Việt Nam với bản lý lịch đẹp.

Sau thời gian cân đo đong đếm, đến đầu tháng 6 năm ấy, VFF chính thức tổ chức buổi lễ ký kết hợp đồng với HLV người Đức Falko Goetz. Sở hữu bản lý lịch khá đẹp như từng vô địch UEFA Cup 1988 cùng Bayer Leverkusen khi còn làm cầu thủ, hay dẫn dắt Hertha Berlin thi đấu tại Bundesliga từ năm 2004 đến 2007, HLV Falko Goetz được đặt kỳ vọng lớn vào việc sẽ thành công tại Việt Nam.

Thậm chí, một quan chức VFF còn không ngần ngại khẳng định Falko Goetz là thầy ngoại xuất sắc nhất mà chúng ta có được từ trước tới nay. Thế nhưng rút cuộc những gì diễn ra sau đó lại không đẹp như mong đợi.

NHỮNG BÀI TẬP LẠ LÙNG

Trên thực tế, HLV Falko Goetz không phải không có những dấu ấn riêng của mình. Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2014 khu vực châu Á, ĐT Việt Nam dưới bàn tay của ông đã có chiến thắng ấn tượng 2-1 trước Qatar (Việt Nam vẫn bị loại vì thua với tổng tỉ số 2-4 sau hai lượt trận).

Tuy nhiên ở mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2011 của bóng đá Việt NamSEA Games 26 thì mọi việc diễn ra có thể gói gọn trong một từ duy nhất: thảm họa.

Ký ức về bài tập lạ lùng từ HLV ngoại giỏi nhất và thất bại ê chề của U23 Việt Nam - Ảnh 2.

Có 4 tháng cùng U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games, nhưng những gì được người trong cuộc tiết lộ sau khi đội tuyển thất bại khiến cho người hâm mộ không khỏi "ngã ngửa".

Việc áp dụng sơ đồ 4-4-2 có thể xuất phát từ ý đồ chiến thuật mà HLV Falko Goetz tính toán, nhưng chuyện ông gần như bỏ ngoài tai lời khuyên của các trợ lý người Việt rõ ràng là điều có vấn đề. Bởi dù tài năng đến đâu nhưng chắc chắn một người mới đến như ông chưa thể hiểu hết các cầu thủ Việt Nam bằng những trợ lý của mình được.

Đơn cử như trường hợp của Trọng Hoàng, lúc ấy chơi tốt khi được đá tự do hoặc dạt biên, tuy nhiên ông Goezt lại "đóng đinh" vị trí của cầu thủ này là tiền vệ trung tâm, bỏ qua góp ý của các trợ lý. Điều này cũng giống với lối chơi chung của toàn đội khi thường cứng nhắc, thiếu linh hoạt.

Ký ức về bài tập lạ lùng từ HLV ngoại giỏi nhất và thất bại ê chề của U23 Việt Nam - Ảnh 3.

Cách làm việc của ông Goetz khiến chính người trong cuộc cũng cảm thấy khó hiểu.

Một vấn đề nữa nằm ở cách vị HLV người Đức triển khai các bài tập. Việc di chuyển, tạt bóng và dứt điểm ở trên sân tập được cho thực hiện tự do, phía tấn công hoàn toàn không phải chịu sự truy cản nào. Cứ như ông Goetz đang dậy cho các cầu thủ Việt Nam bài học vỡ lòng về bóng đá vậy. Và tất nhiên, các trợ lý có thắc mắc thì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ vị HLV trưởng.

Một yếu tố nữa khiến HLV Falko Goetz bị chê trách là việc ông thiết quân luật với đội tuyển một cách nghiêm khắc quá mức. Toàn đội bị cấm trại 24/24 và ông Goetz tỏ ra rất nghiêm khắc với vấn đề này.

Theo chia sẻ của một trợ lý HLV, khi sang Indonesia dự SEA Games, cứ ăn tối xong là toàn bộ các cầu thủ U23 Việt Nam bị bắt phải lên phòng, thay vì có thể tận dụng 2-3 tiếng buổi tối để trò chuyện, thư giãn cùng nhau.

Cách quản lý cầu thủ cứng nhắc như vậy đem tới hiệu quả ra sao thì cứ nhìn lối đá của U23 Việt Nam ở giải đấu chắc hẳn cũng có câu trả lời.

Ký ức về bài tập lạ lùng từ HLV ngoại giỏi nhất và thất bại ê chề của U23 Việt Nam - Ảnh 4.

U23 Việt Nam thất bại ê chề tại SEA Games 26.

VÀ ĐẾN NHỮNG PHÁT NGÔN "GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG"

Nói "gậy ông đập lưng ông" là bởi từ lúc đến Việt Nam cho tới khi đội U23 thất bại muối mặt, không giành nổi tấm huy chương ở SEA Games, HLV Falko Goetz có không ít phát ngôn tiền hậu bất nhất.

Còn nhớ trong ngày ra mắt, khi báo chí đặt câu hỏi rằng làm sẽ làm thế nào để khắc phục điểm yếu về thể hình, thể lực của cầu thủ Việt, ông Goetz khiến cả hội trường vỗ tay rào rào bằng câu trả lời: "Mọi người thử nhớ lại xem Messi có cao to không mà tại sao cậu ấy vẫn trở thành cầu thủ lớn?".

Ấy thế mà đến khi U23 Việt Nam chơi thiếu thuyết phục ở vòng bảng, rồi lần lượt thua Indonesia ở bán kết rồi phơi áo trước Myanmar trong trận tranh hạng ba, lý do được ông thầy người Đức nhắc đến lại có việc thể hình, thể lực của chúng ta thua kém đối thủ.

Ký ức về bài tập lạ lùng từ HLV ngoại giỏi nhất và thất bại ê chề của U23 Việt Nam - Ảnh 5.

HLV Falko Goetz có những phát ngôn theo kiểu "tiền hậu bất nhất".

Chưa hết. Trước khi lên đường sang Indonesia, ông Goetz tự tin phát biểu rằng U23 Việt Nam đã chuẩn bị tốt cho SEA Games và không phải bận tâm nhiều đến việc có ít thông tin về đối thủ.

Màn trình diễn ổn ở VFF Cup (thắng U23 Myanmar 5-0, hòa U23 Uzbekistan và U23 Malaysia cùng tỉ số 1-1) có lẽ khiến vị HLV trưởng của U23 Việt Nam cảm thấy tự tin. Tiếc thay, sự tự tin này lại chẳng giúp chúng ta có chiến thắng. Thậm chí U23 Việt Nam khi gặp lại U23 Myanmar ở trận tranh hạng ba đã bị đối thủ này cho phơi áo đến 1-4.

Ông Goetz sau đó nói rằng U23 Việt Nam thất bại vì ông không biết về sức mạnh thật sự của đối thủ, rằng ở các giải đấu sau ông cần biết rõ đối thủ là ai và họ đá theo cách nào. Hóa ra đến lúc thua trận, ông mới rút ra bài học tưởng như là cơ bản mà người Việt vẫn gọi là "biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng".

Ký ức về bài tập lạ lùng từ HLV ngoại giỏi nhất và thất bại ê chề của U23 Việt Nam - Ảnh 6.

Ông Goetz không giỏi trong việc kiểm soát cảm xúc của mình.

Ngoài những điều trên, HLV Falko Goetz còn khiến dư luận không khỏi khó hiểu với những lần mất kiểm soát của mình khi bỏ việc quan sát trận đấu để đi cãi nhau với trợ lý HLV đối phương, chắp tay vái lạy các trợ lý của chính mình, hay chỉ đạo, hò hét đến bấn loạn khiến cầu thủ phát hoảng.

Việc ông Goetz phải ra đi có lẽ là kết quả không thể tránh khỏi, dù cách người ta cho ông nghỉ sau đó cũng gây ra những ồn ào nhất định.

Sau vụ HLV Letard vào năm 2002, lại thêm một lần nữa những người làm bóng đá Việt Nam bị hớ vì một ứng viên có "hồ sơ đẹp". Nhưng tất nhiên, bóng đá nếu có thể đoán trước được tất cả thì đã không phải là bóng đá.

Mách nước cho đồng hương cách đánh bại Việt Nam

Tại AFF Cup 2012, HLV Michael Weiss của Philippines đã chia sẻ rằng ông được đồng hương người Đức Falko Goetz tiết lộ cho nhiều thông tin về ĐT Việt Nam, điểm yếu điểm mạnh của các cầu thủ.

Không rõ ông Michael Weiss đã áp dụng bao nhiều phần trăm những gợi ý của Falko Goetz, chỉ biết rằng ở giải đấu năm đó, Philippines đánh bại Việt Nam với tỉ số 1-0 ở vòng bảng, qua đó góp phần tiễn thầy trò HLV Phan Thanh Hùng về nước sớm.

Bài viết nằm trong loạt bài SỬ THI BÓNG ĐÁ VIỆT. Xem thêm tại đây!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại