Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành "hướng dẫn viên" cho tour du lịch Việt Nam

Pa Dun |

Kong: Skull island sẽ mang bạn tới một tour du lịch Việt Nam trong khoảng gần 2 tiếng đồng hồ với nhiều cung bậc khác nhau.

Ngay từ khi Kong mới chỉ nằm trên bàn giấy, nhà phát hành đã dành cho bộ phim này một chiến dịch PR rầm rộ, nhất là với thị trường Việt Nam. Cũng không có gì khó hiểu, bởi Kong: Skull island là "siêu phẩm Hollywood đầu tiên được quay tại Việt Nam".

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Chắc rằng ai từng xem phim về quái thú King Kong thuở bé hẳn có nhiều ký ức và kỷ niệm về hình ảnh vua Khỉ xù xì, hung hãn và đầy dũng mãnh. Thời gian qua đi, Hollywood lại miệt mài mang tới một thế giới quái vật với những câu chuyện kỳ bí, những màn trình diễn đặc sắc hơn.

Có lẽ vì thế, bất kỳ một tác phẩm nào về King Kong cũng nhận được sự kỳ vọng vô cùng lớn.

Và lần này, Kong: Skull Island cũng vậy. Bộ phim với kinh phí lên tới 190 triệu USD ra mắt trong sự kỳ vọng, chờ đợi, háo hức không chỉ của khán giả Việt mà cả trên khắp thế giới.

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 2.

Kong: Skull Island mở đầu bằng nước phim mờ mờ xanh xanh của thời điểm năm 1944 với cuộc đụng độ giữa hai chàng phi công trẻ và Kong - vua khỉ của vùng đảo xa xôi.

Điều đó đồng nghĩa với việc, mới chỉ vài khung hình, đạo diễn đã cho nhân vật "gây thương nhớ" trình làng khá sớm. Nhiều ý kiến cho rằng việc đi tắt đón đầu này giúp mạch phim đi thẳng trực tiếp vào câu chuyện mà không quanh quẩn.

Nhưng những ý kiến đó nhanh chóng lọt thỏm giữa vô vàn lời nhận xét cho rằng đạo diễn hơi vội, vội đến mức khiến khán giả chưng hửng. Họ muốn sự tò mò và chờ đợi của mình nó trở nên ý nghĩa và tròn vị hơn.

Tạm biệt bối cảnh năm 1944, bộ phim quay lại bối cảnh thực tại là năm 1973, khi người Mỹ vừa tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam.

Giữa muôn vàn bối rối, người Mỹ vẫn "hồn nhiên" cho phép hai nhà khoa học có chút điên rồ dẫn theo một đoàn thám hiểm có phẫn hỗn tạp tới một "hòn đảo hoang" - tất nhiên là trong suy nghĩ của họ.

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 3.

Còn thực chất, hòn đảo đó có kha khá người, cơ man là quái vật và vô vàn câu chuyện khủng khiếp đang chờ đợi họ.

Sự xuất hiện vội vã của Kong có lẽ là điểm trừ trong cách xử lý của đạo diễn trẻ nhưng xin phải dành lời khen cho tạo hình của vị vua của đảo Đầu lâu.

Nhờ kỹ xảo motion capture (kỹ xảo tiên tiến nhất tại Hollywood ghi lại chuyển động của vật thể và con người rồi đưa qua máy tính xử lý) khiến King Kong hiện ra hoàn hảo, to lớn và dũng mãnh.

Cảnh quay được đầu tư và nhận nhiều lời khen trong Kong có lẽ là phân đoạn chiến đấu giữa Kong và quái thú Thằn Lằn xương sọ. Người xem sẽ phải choáng ngợp trước trận chiến hoành tráng giữa hai con quái thú khổng lồ mà ở đó bom đạn hay mọi vũ khí của con người cũng trở nên yếu đuối.

Những cử động linh hoạt, những hình ảnh đánh đấm tinh tế giúp trận chiến trong Kong trở nên đẹp mắt, hoàn hảo và tinh tế đến phút cuối cùng.

Có vẻ nhà làm phim không hề ngại ngùng che dấu ý định muốn xây dựng một vũ trụ quái vật giống như những gì Marvel làm được với dàn siêu anh hùng mang thương hiệu của mình.

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 4.

Tạm quên đi kịch bản và diễn xuất của diễn viên, những cảnh quay đẹp đến mê mẩn chính là điều 90% người tới rạp xem Kong phải thừa nhận.

Không phải quá lời khi nói, Kong đã thỏa mãn những người khó tính nhất ở phần nhìn. Với gam màu ngả vàng giống trong một cuốn phim kodak cũ, Kong: Skull island kích thích nỗi nhớ của người xem về một miền xa xôi nào đó trong ký ức.

Phải thừa nhận một điều rằng lâu rồi mới có một bộ phim nước ngoài mà ở đó bối cảnh Việt Nam lại xuất hiện nhiều như vậy chứ chưa nói gì đến phim Hollywood.

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 5.

Ngay từ đầu phim, đạo diễn Jordan đã không hề dấu diếm ý định "chiêu đãi" khán giả Việt Nam bằng cách giới thiệu một loạt hình ảnh non nước Ninh Bình, Hạ Long từ trên cao nhìn xuống.

Một trong những phân cảnh đẹp nhất trong phim chắc hẳn là cảnh đoàn thám hiểm vượt qua cơn bão để đến được Đảo Đầu Lâu.

Khi xem đến phân cảnh này thì chắc hẳn không chỉ các diễn viên ngỡ ngàng vì cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long mà rất nhiều khán giả ngồi dưới rạp cũng phải trầm trồ tự hào về một nơi tuyệt vời như vậy.

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 6.

Những cú quay đúp với nhiều góc quay khác nhau đã mang đến cho người xem một cái nhìn toàn diện để từ đó cảm nhận được sự hùng vĩ, bí ẩn và vô vàn điều chưa biết ở vùng đất mang tên Đảo Đầu Lâu.

Rời xa những cảnh quay bao la bát ngát ở Hạ Long, người ta lại tiếp tục trải nghiệm tour du lịch với những cánh đồng cỏ xanh bát ngát, nhưng rừng cây chằng chịt và những đoạn đầm lầy bí ẩn.

Có lẽ thêm một chút nữa người viết sẽ sa đà vào văn tả cảnh thay vì "review". Để biết Việt Nam đẹp thế nào trong phim Hollywood thì một vài lời tả cảnh có lẽ là không hết.

Nhưng...

Đạo diễn Jordan lại thêm một lần nữa thể hiện rằng dù sao mình cũng đang là "người mới" trong vũ trụ điện ảnh Hollywood. À tất nhiên, khái niệm người mới này không hề có gì đó miệt thị. Bởi người mới, sẽ có những điều mới, sẽ sáng tạo, sẽ táo bạo và sẽ làm nên những điều tuyệt vời.

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 7.

Nhưng "người mới" cũng đồng nghĩa với việc thiếu kinh nghiệm và non trẻ. Điều này thể hiện một cách rõ ràng nhất ở việc Jordan "chế biến món ăn".

Chàng đạo diễn trẻ có trong tay rất nhiều nguyên liệu ngon, từ cảnh đẹp ở Vịnh Hạ Long, sự bí ẩn của đầm Vân Long, hùng vĩ của Quảng Bình hay nét mùa hè đặc trưng ở Hawaii nhưng lại hơi vụng về trong cách chế biến.

Có lẽ bộ phận biên tập hậu kỳ đang khá lúng túng để kết hợp chúng lại với nhau. Chính vì thế, người ta có thể nhìn thấy những cảnh quay tuyệt vời nhưng khi cố ghép chúng lại thì nhiều phần cảnh lại thấy không ăn nhập.

Tôi không biết phải đổ lỗi cho kỹ thuật điện ảnh hay người biên tập hay đạo diễn nữa.

Nhưng thôi.

Dù sao, nhờ Kong chúng ta đã có một tour du lịch ngắn Việt Nam qua màn ảnh nhỏ cùng chàng hướng dẫn viên du lịch với kích thước khổng lồ.

Và chắc chắn sau khi Kong được chiếu trên toàn cầu rất nhiều du khách sẽ tới Việt Nam với hi vọng được một lần trải nghiệm tour du lịch của "chàng Kong".

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 8.

Nếu như đã về phần nhìn, phần nghe bao nhiêu thì Kong: Skull island lại gây thất vọng bấy nhiêu về phần nội dung.

Nếu nói rằng Kong: Skull Island đơn thuần chỉ là một bộ phim về quái thú đánh nhau và hoàn toàn không có gì khác, không có cốt truyện, không có tuyến nhân vật thì có lẽ cũng không thấy quá lời.

Điều buồn cười nhất chính là điểm sáng của Kong lại nằm ở phần credit cuối phim và ngoại cảnh.

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 9.

Điểm tôi "giá như" nhiều nhất có lẽ là ở tuyến nhân vật. Đầu phim đoàn thám hiểm được hộ tống bằng một đội lính mà ngay ngày mai thôi họ đã được nhận giấy về nước. Sau cảnh xuất hiện hoành tráng vượt qua cơn giông, cả tá nhân vật tôi chưa kịp nhớ mặt đã bị Kong quăng đi đâu mất trên chiếc máy bay cháy dở.

Tom Hiddleston có thể vẫn khiến các cô nàng say đắm bởi nụ cười của mình nhưng lại không khiến các mọt phim cảm thấy hài lòng về diễn xuất trong Kong.

Ngoài phân cảnh xuất hiện "lộng lẫy" như soái ca trong phân đoạn đeo mặt nạn chống độc, cầm thanh kiếm chém từng con Thằn lằn xương sọ trong lớp khói xanh mờ ảo thì Tom cứ mờ mờ nhạt nhạt như màu phim cổ của thập niên 90. Người ta chẳng tìm thấy hình ảnh người dẫn đường dũng mảnh mà đáng lý Tom phải được thể hiện trong Kong.

Kong: Skull island - Khi vua Kong trở thành hướng dẫn viên cho tour du lịch Việt Nam - Ảnh 10.

Còn Brie Larson, ngoài cảnh đứng trên đỉnh núi cầm súng bắn "đoàng" vào Thằn lằn xương sọ trông rất bảnh thì các cảnh khác của cô cũng không có gì đặc biệt.

Thậm chí tôi còn nghe được ai đó lỡ thốt lên sau khi xem phim rằng, có lẽ không có Brie Larson thì Kong cũng chẳng có gì thay đổi.

À còn Cảnh Điềm, gương mặt Châu Á của Kong thì sau 2 tiếng tôi chẳng hiểu rốt cuộc vai trò của cô ấy trong phim là gì.

Điểm sáng trong tuyến nhân vật ở Kong có lẽ là vai Preston Packard của Samuel L. Jackson. Không nhiều chiều sâu nội tâm, cũng không nhiều xung đột nhưng Samue L. Jackson đã vào vai vị chỉ huy đầy mâu thuẫn, cố chấp, bảo thủ, hiếu chiến nhưng không bao giờ bỏ rơi đồng đội.

Mặc dù càng về sau, vai trò của Packard càng trở nên nhạt nhòa hơn điển hình là cái chết có phẫn "lãng xẹt" nhưng phải thừa nhận rằng đây là tuyến nhân vật có phần rõ ràng nhất phim.

Bên cạnh Samuel L.Jackson thì còn một cái tên nữa xứng đáng được nhận lời khen trong Kong, đó là John C. Reilly trong vai người lính già bị bỏ lại bên làng thổ dân.

Rất nhiều người đã lo lắng sự hài hước của anh ấy sẽ làm hỏng không khí trong phim nhưng cuối cùng thì nhân vật của anh ta lại hay ho nhất.

Có lẽ vì thế, nhiều người cảm thấy tiếc cho sự xuất hiện của Tom và Brie Larson trong Kong khi tài năng của hai người gần như bị phung phí.

Nhưng thôi.

Nếu xét trên góc độ giải trí, "Kong: Skull Island" đã hoàn thành nhiệm vụ của mình khi mang tới cho khán giả hai tiếng đồng hồ với đong đầy cảm xúc dù chưa tròn vị.

Và với tôi, một bộ phim đẹp mắt, ngập tràn cảnh sắc Việt cùng với dàn âm thanh rộn ràng, bắt tai và nụ cười tan chảy của Tom là đủ để thứ tha cho mọi điều "giá như".

Kong: Skull Island

(Tựa Việt: Kong: Đảo đầu lâu)

Đạo diễn: Jordan Vogt-Roberts

Diễn viên: Tom Hiddleston, Samuel L. Jackson, Brie Larson

Thể loại: Phiêu lưu, Giả tưởng

Thời lượng: 118 phút

Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 10/3.

Đánh giá 7/10

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại