Kính gửi các cụ già, “cụ trẻ” chưa bị vợ bỏ vì lười nhác việc nhà

Hoàng Việt |

Các "cụ trẻ" ăn xong rồi mặc vợ xoay xở dọn dẹp, chăm sóc, tắm giặt, dạy con học hành. Nhiều "cụ trẻ" có khi còn hò dô nhậu nhẹt chán chê mới về.

Thưa các cụ già, "cụ trẻ" không quen giúp vợ việc nhà!

Như các cụ đã biết, mấy ngày nay dân tình xôn xao vì việc một bà cụ đã 84 tuổi nhưng vẫn quyết đâm đơn ra toà ly dị chồng - một cụ ông cũng đã gần 90 tuổi.

Lý do cụ bà đưa ra có thể sẽ khiến nhiều người shock nặng, đó là, cụ ông kể trên trong mấy chục năm làm chồng tuyệt đối không mó tay vào giúp vợ việc gì.

Thậm chí, khi vợ đau ốm cụ ông kia cũng nhất định không chịu cắm cho vợ nồi cơm, rửa bát đũa và giặt giũ quần áo giúp vợ con. Mọi việc trong nhà một tay cụ bà đảm đương gánh vác.

Cụ bà ấy đã cam chịu cảnh bất công trong chính ngôi nhà tưởng như hạnh phúc của mình đằng đẵng cả đời người.

Ai cũng nghĩ, sống đến từng ấy tuổi, thôi thì bà cụ sẽ cam chịu nốt cho cảnh già có nhau. Nhưng không, 84 tuồi, bà quyết dứt tình vì đã nhận ra, nếu ở chung một mái nhà, người ta phải san sẻ, phải yêu thương, đồng cam, cộng khổ. Đằng này cụ bà cứ cặm cụi hầu hạ, cơm nước cho cụ ông như kẻ ăn người ở trong nhà.

Mấy chục năm, rốt cục bà cũng nhận ra, chồng mình không yêu thương mà chỉ coi vợ như người dưng. Là người dưng thì mong chờ gì lúc trái nắng, trở trời, ốm đau, bệnh tật.

Kính thưa các cụ, Việt Nam mình từ xưa đến nay vẫn có quan niệm, trong gia đình người phụ nữ phải tứ đức, tam tòng.

Vì có quan niệm này nên nhiều người vẫn mặc định, phụ nữ lấy chồng phải theo chồng, phải lo chu toàn việc nhà, việc của nội tộc, họ hàng nhưng dung mạo vẫn phải đảm bảo xinh tươi, lời ăn tiếng nói phải đoan chính, nhu mì, phẩm hạnh cũng phải trong sáng như gương.

Trong khi đó, đàn ông chỉ cần đảm bảo 5 tiêu chí đó là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Làm một phép so sánh đơn giản, ngay trong quan niệm dân gian, phụ nữ đã phải gánh 7 tiêu chí để có thể trở thành hoàn hảo trong khi đàn ông chỉ có 5. Như vậy là bất công, thưa các cụ.

Thời xưa, nhiều cụ bà đến bữa phải ăn dưới bếp, có khách đến cũng không được ngồi cùng mâm. Thân phận người vợ, người mẹ ở những năm tháng lạc hậu đó sao chua xót quá. Họ chẳng khác gì người hầu trong nhà. Nhưng xã hội gần như quy định như vậy nên chẳng có ai dám lên tiếng.

Nay thì mọi chuyện đã khác. Phụ nữ cũng ra ngoài, đi làm và kiếm tiền hệt như đàn ông. Có người còn kiếm giỏi hơn. Nhưng tàn dư quan niệm phụ nữ phải chịu trách nhiệm, cáng đáng việc nhà vẫn còn xuất hiện khá nhiều. (Thậm chí còn có khẩu hiệu, phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà).

Vì vậy mà nhiều "cụ trẻ" vẫn mặc kệ vợ cơm nước, giặt giũ quần áo hàng ngày cho cả nhà. Các "cụ trẻ" ăn xong rồi mặc vợ xoay xở dọn dẹp, chăm sóc, tắm giặt, dạy con học hành.

Các cụ đương nhiên chiếm vị trí đức cao vọng trọng trong nhà. Tự cho mình uy quyền tuyệt đối và được nghỉ ngơi hoặc vùi đầu chơi game sau ngày dài ở công sở. Nhiều "cụ trẻ" có khi còn hò dô nhậu nhẹt chán chê mới về.

Kính gửi các cụ già, “cụ trẻ” chưa bị vợ bỏ vì lười nhác việc nhà - Ảnh 2.

TS Dương Kim Anh (Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam) thông tin trên báo Tuổi trẻ, phụ nữ Việt Nam mỗi ngày dành 5 giờ đồng hồ cho các công việc chăm sóc không lương. Nếu tính mỗi ngày làm việc nhận lương là 8 tiếng thì thời gian trên bằng hơn 60% thời gian làm việc được trả lương. (ảnh: internet)

Vẫn biết, những bất công trong xã hội thì luôn tồn tại. Nhưng xã hội sẽ chẳng khá được lên nếu sự công bằng đã nghiễm nhiên không tồn tại dưới mái nhà.

Thưa các cụ, ở bên Tây, ông Obama trước đây là Tổng thống Hoa Kỳ, dù bận trăm công ngàn việc, lo cho cả thế giới nhưng khi về nhà vẫn xắn tay áo rửa bát cho vợ mà chẳng nề hà. Ông Obama đương nhiên giỏi việc nước, đảm việc nhà nhưng hơn tất cả, ông ấy hiểu được sự vất vả của người đầu ấp tay gối với mình.

Và ông ấy cũng hiểu, nếu muốn lo được cho thế giới, muốn làm được mọi việc lớn lao thì ngay trong gia đình mình, ông ấy phải có trách nhiệm đem lại sự công bằng, dù chẳng ai bắt ép ông ta phải làm việc đó.

Hàng năm, chúng ta vẫn nô nức tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8 - 3 cho các bà, các chị, các em. Nhưng các cụ biết không, nếu cái ngày kỷ niệm này càng được tổ chức rầm rộ, càng được phụ nữ ngóng chờ thì chứng tỏ rằng, hàng ngày, hàng giờ họ chưa được đối xử công bằng.

Họ mong đến ngày đó để chồng mình xắn tay áo lên giúp họ đôi chút việc nhà, đưa họ đi ăn cơm tiệm cho đỡ phải nấu nướng, vùi đầu trong bếp. Mà ngay cái câu giúp vợ việc nhà đã hàm chứa những bất công rồi.

Kính gửi các cụ già, “cụ trẻ” chưa bị vợ bỏ vì lười nhác việc nhà - Ảnh 3.

Ngôi nhà thì là của chung, ai cũng có bổn phận phải xây đắp, giữ gìn và sẻ chia công việc.

Cả hai vợ chồng đều làm lụng cùng nhau, sao lại gọi là chồng giúp vợ trông con, rửa bát, thưa các cụ đáng kính nhưng lười.

Vẫn biết, khi viết ra những dòng này, một số cụ già và "cụ trẻ" sẽ khó chấp nhận bởi mấy trăm năm qua, quan niệm phụ nữ phải làm việc nhà vẫn ghim chặt trong tâm trí nhiều người. Nhưng vì tương lai các cụ, vì tuổi già không lủi thủi một mình khi đột ngột bị vợ bỏ nên tác giả vẫn mạnh dạn viết hết ra. Âu cũng là những dòng chữ tự răn mình.

Đàn ông những tưởng là phái mạnh, nhưng không thưa các cụ, chúng ta sẽ cực kỳ yếu đuối, bơ vơ khi không có vợ kề bên.

Nhà thơ Nguyễn Duy chỉ vì vợ ốm mà ông đã viết ra những câu chữ ác liệt thế này, xin các cụ hãy đọc, chiêm nghiệm và mau thay đổi để giữ vợ cho mình:

... Thình lình em ngã bệnh ngang
Phang anh xất bất xang bang sao đành
Cha con Chúa Chổm loanh quanh
Anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia
Việc thiên việc địa việc nhà

Một mình anh vãi cả ba linh hồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại