Trữ vàng vì sợ tiền mất giá

Nhiều người cho biết trữ vàng nhằm tìm lợi nhuận từ việc vàng tăng giá và lo sợ tiền mất giá trong tương lai.

Đó là kết quả nghiên cứu đề tài cấp bộ do PGS-TS Hoàng Trần Hậu, Trường ĐH Tài chính, công bố trong tọa đàm “Nhìn lại điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 2011-2013” do NHNN tổ chức ngày 30-10 tại Hà Nội. Điều tra của nhóm nghiên cứu được thực hiện trên 451 hộ gia đình và 83 chuyên gia.

Vàng miếng cất tại nhà riêng

Khảo sát về nguyên nhân ảnh hưởng đến việc trữ vàng trong dân, 48,46% số người được khảo sát cho rằng muốn tìm kiếm lợi nhuận từ việc vàng tăng giá và lo sợ tiền mất giá trong tương lai; 10,54% cho biết tâm lý nắm giữ vàng là thói quen trong dân cư. Còn lại là nguyên nhân lo ngại thay đổi trong chính sách quản lý chung cũng như các quy định mới từ NHNN.

Về hình thức giữ vàng trong dân, kết quả khảo sát cho thấy đa số người dân muốn giữ vàng miếng (vàng vật chất hay còn gọi là vàng tiền tệ), 42,36% chọn vàng trang sức. Hầu hết các hộ gia đình đều chọn hình thức cất giữ vàng tại nhà riêng (66,95%), chỉ 25,92% cho biết gửi ngân hàng giữ hộ và 3,6% muốn gửi kho bạc.

Về nguyên nhân quyết định bán vàng ra thị trường, 43,39% cho biết họ bán vàng khi cần tiền mặt để chi tiêu trong khi 32,49% bán vàng khi kiếm được lợi nhuận từ chênh lệch giá.

Khách hàng mua vàng miếng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn Ảnh: HỒNG THÚY

Xóa bỏ tâm lý trữ vàng: Cách nào?

Kết quả điều tra nói trên cho thấy vàng vẫn là kênh đầu tư tối ưu của người dân và tâm lý cất giữ vàng tại nhà để đề phòng rủi ro phát sinh là yếu tố quyết định rất lớn đến lượng vàng đang cất giữ trong dân.

“Để xóa bỏ xu hướng giữ vàng trong dân, NHNN cần thực hiện tốt chính sách quản lý kinh tế vĩ mô, làm sao xóa bỏ được tình trạng VNĐ mất giá và sự biến động trong giá vàng trên thị trường trong nước. Từ đó xóa bỏ dần xu hướng đầu cơ trong dân mà cụ thể là tư tưởng tìm kiếm chênh lệch trong giá vàng”, PGS-TS Hoàng Trần Hậu nói.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, hiện nay chưa phải thời điểm thuận lợi để trả lại vàng cho thị trường như luồng ý kiến của giới chuyên gia đang hâm nóng dư luận. Vì như vậy sẽ đánh mất thành quả bình ổn giá vàng mà quá trình thực hiện Nghị định 24 đem lại.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng mối quan tâm của người dân là vàng vật chất nên NHNN cần xác định trọng tâm quản lý là vàng miếng. Vàng nữ trang có thể để thị trường tự quyết định. Cụ thể, NHNN không nên sửa đổi quy định về khối lượng đặt thầu tối thiểu để phù hợp với nhà đầu tư tổ chức.

NHNN cần có cơ chế thu mua vàng của người dân qua hệ thống các tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp kinh doanh vàng của nhà nước để đáp ứng nhu cầu mua - bán vàng của người dân; đồng thời phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu với lãi suất thấp để huy động.

Ngoài ra, Bộ Tài chính và NHNN cần phối hợp để ban hành cơ chế sử dụng nguồn vàng huy động trong việc bổ sung ngân sách cho đầu tư phát triển kinh tế -xã hội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại