Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng: Cần xử lý dứt điểm

Kim Chi |

(Soha.vn) - Xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho các TCTD thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả.

Đây là một trong những biện pháp mà Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng nghiên cứu, đề xuất để tiến hành giải quyết tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là tình trạng sở hữu cổ phần lẫn nhau của các TCTD.

Thực tế, sở hữu chéo trong ngân hàng đến nay là vấn đề hết sức phức tạp khiến hoạt động của các ngân hàng (NH) không minh bạch. Quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cần phải giải quyết những bất cập từ vấn đề sở hữu chéo.

Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN, luật Các TCTD năm 2010 không cho phép các TCTD sở hữu cổ phần lẫn nhau (Khoản 5 Điều 129); không cho phép các công ty con, công ty liên kết của một TCTD được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó (Khoản 2 Điều 135).

Tuy nhiên do yếu tố lịch sử, trên thực tế, hiện vẫn còn một số TCTD góp vốn tại nhiều TCTD khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau (xảy ra từ trước khi Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực) hoặc có một số trường hợp TCTD thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của TCTD khác (gọi chung là các TCTD “có liên quan”).

 

Việc tồn tại nhóm các TCTD sở hữu cổ phần lẫn nhau gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất... Do đó, cần phải xử lý kiên quyết vấn đề sở hữu chéo theo lộ trình phù hợp.

Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng nêu trên, NHNN tiến hành triển khai các giải pháp, trong đó có việc phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm các quy định tại Khoản 5 Điều 129, Khoản 2 Điều 135 Luật các TCTD năm 2010 và các quy định có liên quan đến vấn đề sở hữu chéo của các TCTD.

Xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các TCTD; tạo điều kiện cho các TCTD thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả Đồng thời, theo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, cần xác định nguồn lực tài chính của các cổ đông của TCTD khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại TCTD.

Cụ thể, để đảm bảo nguồn vốn của các cổ đông là cá nhân, tổ chức đầu tư vào TCTD là hợp pháp và phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của họ, khi xem xét việc tăng vốn điều lệ của các TCTD, NHNN sẽ tăng cường công tác xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD (thông qua các hồ sơ chứng minh năng lực tài chính và quan hệ tín dụng tại các TCTD).

Ngoài ra, việc giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng có sở hữu chéo cũng rất quan trọng. Theo đó, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD có liên quan để một mặt đánh giá khả năng tài chính của cổ đông; mặt khác, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp với Ủy ban chứng khoán theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại