Sẽ cấp phép cho tạm xuất tái nhập vàng miếng không đủ chuẩn

Kim Chi |

(Soha.vn) - Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp phép để các ngân hàng tạm xuất vàng miếng thuộc các thương hiệu khác để nhập về vàng miếng theo chuẩn quốc tế.

Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang vàng miếng SJC, dự kiến, trong thời gian ngắn tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cấp phép để các ngân hàng tạm xuất vàng miếng thuộc các thương hiệu khác để nhập về vàng miếng theo chuẩn quốc tế.

Tạm xuất tái nhập ngay trong tháng 2/2013

Ngày 30/1 NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại để bàn các giải pháp cho thị trường vàng. Theo một số lãnh đạo ngân hàng tham dự cuộc họp, một nội dung quan trọng là tới đây NHNN sẽ cấp phép để các ngân hàng tạm xuất vàng miếng thuộc các thương hiệu khác để nhập về vàng miếng theo chuẩn quốc tế nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang vàng miếng SJC.Việc tạm xuất tái nhập này sẽ được thực hiện trong tháng 2/2013.

Một nội dung khác cũng được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp là việc NHNN sẽ tham gia mua bán như thế nào để điều tiết thị trường vàng.

NHNN cũng quy định chỉ có các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng được tham gia mua bán vàng miếng, riêng quỹ tiết kiệm không được mua bán vàng miếng do không đủ tiêu chuẩn an toàn kho quỹ.

2 trung tâm giao dịch vàng miếng phục vụ việc đấu thầu

Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cũng cho biết, dự kiến sẽ lập 2 trung tâm giao dịch vàng miếng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hai trung tâm này phục vụ việc đấu thầu mua vàng miếng. Sau khi thị trường ổn định 2 năm mới tổ chức mua bán liên ngân hàng và doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đã được cấp phép kinh doanh vàng miếng và nguyện vọng sẽ được tham gia mua bán.

 

NHNN sẽ tham gia thị trường với vai trò kiến tạo và chỉ đạo đảm bảo sát giá thị trường. Giai đoạn đầu NHNN sẽ đấu thầu thủ công tại chỗ để bán ra chứ không phải để mua. Ngoài ra, NHNN sẽ xây dựng quy trình xuất nhập khẩu, trực tiếp điều tiết chiều bán ra nhằm kiểm soát khả năng đầu cơ đến mức tối thiểu.

Về cách thức mua bán, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối cũng tiết lộ , với tình hình giá hiện nay, sẽ ưu tiên bán ra để đảm bảo mục tiêu kéo sát giá trong nước với thế giới. Với chiều mua vào, NHNN phải cân nhắc tới tiến độ tất toán số dư huy động vàng của các tổ chức tín dụng.

Dự kiến sau 30 / 6, khi các ngân hàng tất toán xong, cơ quan này có thể bắt đầu mua vào, tuy nhiên còn phải phụ thuộc vào điều kiện thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô, nguồn cung cũng như khả năng người dân có sẵn sàng bán hay không.

Về mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước và thế giới, đại diện Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định, NHNN sẽ can thiệp bán, nhưng có bán để kéo giá sát ngay hay không thì phải cân nhắc. Vị đại diện này cũng nhấn mạnh: “ NHNN có đủ mọi nguồn lực trong tay để triển khai quyết liệt yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Với nguồn lực vàng hiện có, NHNN đủ sức bán ra can thiệp. Mặt khác, cũng sẽ có đầy đủ các công cụ hỗ trợ như xuất nhập khẩu, kinh doanh tài khoản với nước ngoài. Một khi NHNN đã tham gia thị trường, sẽ không dễ để ai đó một mình tạo sóng, đầu cơ, bởi lợi nhuận mang lại không đáng so với những gì họ bỏ ra”.

Liên quan đến việc huy động nguồn lực vàng trong dân, lãnh đạo này cho biết, phương án này hiện chưa được tính tới vì chi phí cao, có thể khiến kéo dài tâm lý găm giữ vàng. Nếu cần thu hút vàng trong dân, trước mắt NHNN sẽ ưu tiên mua vào.

Nên thành lập Sở Giao dịch hay Sàn vàng quốc gia ?

Gần đây, nhiều chuyên gia có đề xuất nên thành lập Sàn vàng quốc gia hoặc Sở Giao dịch vàng quốc gia.

Theo ông Trần Thanh Hải, TGĐ Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB), thay vì can thiệp trực tiếp vào giá của thị trường vàng, NHNN nên thành lập sàn vàng quốc gia, giảm bớt nhu cầu của người dân đầu tư vàng vật chất, giúp liên thông giá vàng trong nước và thế giới, đồng thời tiết kiệm được ngoại tệ. Thực tế, khi đầu tư không ai muốn giữ vàng vật chất.

Giả sử khi người dân mua bán vàng trên sàn quốc gia, NHNN nên nâng tỷ lệ ký quỹ lên cao, không phải 7% mà có thể 50-80%, tác hại tiêu cực của đòn bẩy tài chính sẽ bị triệt tiêu. NHNN nên giao cho các TCTD được phép kinh doanh tài khoản có hệ số quản trị rủi ro. Khi đó các TCTD mở tài khoản chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, NHNN sẽ giám sát được.

 

Bên cạnh đó, NHNN giao cho các NHTM thực hiện mua bán vàng qua sàn vàng quốc gia, NHNN giám sát và đánh thuế. Giải pháp này thực hiện theo Nghị quyết 24 của Chính phủ là tiết kiệm ngoại tệ vì không phải nhập vàng vật chất về bán cho dân.

Theo lộ trình tính toán nếu làm tốt, khoảng 3-5 năm nữa người dân sẽ không mua vàng vật chất mà mua vàng trên sàn qua chứng chỉ. Nếu mất chứng chỉ, người dân có thể mang CMND đến NH xác nhận, vừa an toàn vừa thu hút tiền nhàn rỗi vào ngân hàng, tránh lãng phí nguồn lực vàng trong dân.

Trong khi đó, Ban Kinh doanh Vốn và tiền tệ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) trong một nghiên cứu đã đề xuất đến việc nên thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia.

Sở Giao dịch vàng quốc gia chỉ tạo “mặt bằng giao dịch” cho các thành viên chứ không tham gia mua bán, các giao dịch được thực hiện trên cơ sở khớp lệnh tập trung, giá vàng sẽ do cung cầu thị trường xác định. Cùng với sự giám sát và các quy định chặt chẽ của cơ quan quản lý sẽ hạn chế tình trạng thao túng giá, đảm bảo trật tự khách quan, công bằng trong các giao dịch mua bn vàng.

Khi mua vàng tại Sở, người dân có thể lựa chọn hình thức nhận vàng vật chất hoặc vàng ghi sổ, một giải pháp thay thế cho các phương tiện đầu tư vàng vật chất truyền thống như vàng miếng hay vàng trang sức, do vậy sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu nhập khẩu vàng, giảm gánh nặng về cầu ngoại tệ cho nền kinh tế.

Sở Giao dịch cung cấp sản phẩm vàng chứng chỉ - một công cụ để cân bằng trạng thái cho hoạt động mua bán vàng vật chất của các doanh nghiệp, hạn chế sự thiếu hụt/dư thừa thái quá về vàng, góp phần làm giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, hạn chế tình trạng xuất nhập khẩu vàng lậu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại