Những tỷ phú đôla Việt Nam

Thanh Thảo |

(Soha.vn) - Nếu tính của chìm, tài sản chưa lên sàn, chưa công bố công khai thì rất có thể có nhiều ứng cử viên sáng giá.

1. Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup

Trong danh sách mới cập nhật tháng 3/2013 về những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes, Chủ tịch Vingroup đứng thứ 974.

Cụ thể, danh sách năm 2013 có tổng cộng 1.426 cái tên. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng cùng hơn 40 tỷ phú khác đứng đồng hạng 974 với tài sản ròng 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, ông Vượng còn được đưa vào danh sách những gương mặt mới nổi bật của Forbes năm 2013.

Ông Phạm Nhật Vượng

Nếu tính theo tài sản trên sàn chứng khoán vào cuối tháng 2/2013, ông Vượng có giá trị cổ phiếu là hơn 19.000 tỷ đồng (chưa đầy 1 tỷ USD). Tuy nhiên, thống kê của Forbes có những tài sản ngoài cổ phiếu và con số của tạp chí này về Chủ tịch của Vingroup lên tới 1,5 tỷ USD.

2. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Ứng cử viên sáng giá nhất trong số các đại gia trong nước cho danh hiệu tỷ phú đô-la thứ hai của Việt Nam có lẽ không ai khác ngoài ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Ông bầu của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai này đã hai năm liên tiếp 2008 - 2009 xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, đứng trên ông Phạm Nhật Vượng.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu HAG rớt mạnh trong năm 2010, đặc biệt trong năm 2011 và đầu năm 2012 đã khiến ông rớt xuống vị trí thứ hai. Vì thế, dù là người duy nhất đến nay bày tỏ khát vọng trở thành tỷ phú đô la của Việt Nam nhưng con đường tới danh hiệu tỷ phú đô-la của ông đã chậm mất một nhịp.

Đại gia Đoàn Nguyên Đức
Đại gia Đoàn Nguyên Đức.

Tính tới cuối năm 2012, bầu Đức vẫn đứng thứ hai trong bảng xếp hạng nhưng bị ông Phạm Nhật Vượng bỏ khá xa. Vào thời điểm đó, chỉ tính riêng số cổ phiếu của ông Vượng (chưa tính của vợ) đã có giá trị hơn 17.000 tỷ đồng, trong khi đó bầu Đức dù tài sản có tăng mạnh gần 30% trong năm 2012 nhưng cuối năm cũng chỉ còn hơn 5.600 tỷ đồng.

3. Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc

Năm 1997, Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc Đào Hồng Tuyển lập ra một trong những dự án được coi là điên rồ nhất thời đó: Đầu tư 80 tỷ đồng mua đất để lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lại sẽ được khai thác 98 ha đất trên đảo.

Dự án khởi động đúng lúc kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng, có thời điểm không thể huy động cũng như vay thêm vốn từ ngân hàng, bạn bè xa lánh do sợ ông vỡ nợ, phá sản. 3 năm sau, con đường ra đảo hoàn thành, trở thành biểu tượng chinh phục thiên nhiên của người Quảng Ninh lúc bấy giờ.

Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc Đào Hồng Tuyển

15 năm sau đó là khoảng thời gian ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đây, người ta cũng gọi ông là "Chúa đảo".

Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi hiện sở hữu bao nhiêu tài sản, ông Tuyển nói: "Giá đất ở đây là khoảng 14 triệu đồng/m2, chỉ cần bán 300 ha là sẽ có khoảng 2 tỷ USD". Chúa đảo Tuần Châu chia sẻ, để biến một trong những làng chài nghèo nhất Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XX trở thành vùng đất "vàng ròng" như hôm nay, ông đã vượt qua "cả một rừng chông gai và một biển đau thương".

4. Ông Vũ Văn Tiền, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội Geleximco

Các dự án BĐS của tập đoàn này trải ở khắp nơi trong khu vực miền Bắc và toàn là những dự án khổng lồ, trong đó nhiều cái gắn với những quy hoạch mở rộng của thủ đô Hà Nội.

Tập đoàn đang đầu tư xây dựng một số dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Nhà máy Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh), Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa (Tuyên Quang), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh)…

Ông Vũ Văn Tiền

Hạ tầng, BĐS cũng là một thế mạnh của Geleximco với nhiều dự án đô thị: Cái Dăm (37,04 ha) tại Quảng Ninh, Lê Trọng Tấn (135 ha) tại Hà Nội, Đồng Trúc - Ngọc Liệp (250 ha) tại Quốc Oai - Hà Nội, Phú Mãn (461,2 ha) tại Hà Nội; Láng - Hòa Lạc kéo dài tại Hà Nội; 02 khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao và 5 sao; các trung tâm thương mại…

Geleximco cũng là cổ đông chiến lược của rất nhiều các doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, Viện Quản lý Toàn cầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC…

5. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát

Ông Long sinh năm 1961, quê ở hải Dương. Hiện tại, ông Long đang trong cương vị Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát.

Ông được báo chí nhắc đến nhiều sau sự kiện chi mạnh tay cho việc mua sắm máy bay 6 chỗ vào năm 2010 với chi phí lên đến gần 5 triệu USD (tương đương 96 tỷ đồng).

 

Sau hơn một năm sử dụng ông Long tiếp tục tậu thêm cho mình chiếc trực thăng 12 chỗ ngồi. Ngoài sự tiện nghi về nội thất, số ghế ngồi nhiều hơn, chiếc trực thăng mang mã VN-D668 này có khả năng bay xa hơn giúp ông chủ tập đoàn thép thực hiện chặng Hà Nội - Đà Nẵng mà không cần phải tiếp nhiên liệu. Theo đó, giá tiền của chiếc này cũng đắt hơn rất nhiều dù ông Long không tiết lộ con số cụ thể.

Ngoài sở hữu máy bay riêng, ông Long còn nổi tiếng với vai trò là ông bầu bóng đá khi sở hữu đội bóng Hoà Phát Hà Nội. Hiện tại, tài sản của ông có hơn 2.100 tỷ đồng

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại