Nghi án 'đạo' logo: Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, Cục sở hữu trí tuệ cần vào cuộc, chứng minh rõ việc cấp phép và logo của các đơn vị này không gây sự nhầm lẫn...

Liên quan đến hàng loạt nghi án "đạo" logo ngoại của nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam như Vietcombank, Maritime Bank, Vietnammobile...

Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật thì việc đăng ký và cấp bản quyền thương hiệu căn cứ theo nguyên tắc quyền nộp đơn đầu tiên.

Nghi án 'đạo' logo: Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng
"Nghi án" logo của Vietcombank 'đạo' của Voscast ?

Nghĩa là ai nộp đơn trước thì được ưu tiên đăng ký bảo hộ, nhưng cơ quan chức năng mà ở đây là Cục sở hữu trí tuệ vẫn có quyền hủy văn bản này nếu chứng minh được có sự gian dối (sao chép, copy.. -PV) trong quá trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

"Với trường hợp của Vietcombank, ở đây, chúng ta chưa biết Vietcombank đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được hay chưa và cũng không biết là Voscast đã đăng ký bảo hộ ở Việt Nam hay chưa nên có thể đặt ra hai trường hợp.

Giả sử, nếu Voscast đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam nhưng Cục Sở hữu trí tuệ vẫn cấp phép cho Vietcombank thì rõ ràng, Cục Sở hữu trí tuệ phải chứng minh rõ là việc cấp phép cho Vietcombank là không vi phạm Luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Còn nếu trường hợp Voscast chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam thì việc Vietcombank đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này không có gì sai so với Luật. Điều này giống với các vụ việc thương hiệu của cà phê Trung Nguyên hay thuốc lá Vinataba của chúng ta trước đây bị mất thương hiệu ở một số nước, khu vực...", Luật sư Tú nhấn mạnh.

Nghi án
Nghi án "đạo" logo của Maritime Bank (?!)

Cũng theo Luật sư Tú cũng cho rằng, để xảy ra những nghi án "đạo" thương hiệu này là một điều hết sức đáng tiếc.

"Thực tế, không ai cấm việc tham khảo các logo của các đơn vị khác trong quá trình thiết kế. Nhưng tham khảo để biến cái đó thành những cái mới thì được còn tham khảo để mà bê nguyên si, sao chép thì rõ ràng là vi phạm, phải bị xử lý nghiêm.

Để chứng minh rõ trong lúc này thì Cục sở hữu trí tuệ cần vào cuộc, có ý kiến rõ ràng về việc cấp phép cho các logo của những thương hiệu này xem có đúng, có hay không việc vi phạm, gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng...", Luật sư Tú nói.

Cũng liên quan đến những nghi án "đạo" logo của hàng loạt thương hiệu có tên tuổi ở Việt Nam, trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực marketing (xin được giấu tên - PV) cũng cho rằng: "Một doanh nghiệp trong quá trình phát triển thi ngoài mục tiêu lợi nhuận cần phải tạo ra được tài sản vô hình là thương hiệu.

Xây dựng một thương hiệu cũng giống như nuôi dưỡng một đứa con, thai nghén, chăm sóc và dạy dỗ cho nó lớn và trưởng thành, tới một ngày nào đó đứa con sẽ bay xa, bước ra thi thố cùng thế giới và rồi đến lúc sẽ là của chung, tạo ra giá trị cho cả những cổ đông đại chúng đồng thời phục vụ cho xã hội chứ không chỉ còn là sở hữu riêng của người sáng lập hoặc khai sinh ra nó.

Một bộ nhận diện thương hiệu là diện mạo doanh nghiệp, nó chuyên chở tâm huyết của doanh nghiệp cam kết phục vụ khách hàng của mình, thể hiện sự khác biệt, thể hiện khát vọng muốn xác vị trí riêng của mình trên thị trường và trong xã hội.

Bộ nhận diện thương hiêu thành công sẽ định vị một chỗ trong tâm trí của người tiêu dùng để mỗi khi xuất hiện nhu cầu mà thương hiệu có thể phục vụ, người tiêu dùng sẽ nhớ ngay đến thương hiệu đó đầu tiên".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại