“Ngân hàng Nhà nước không thể nhập vàng mãi được”

Khả Danh |

(Soha.vn) - Việt Nam không sản xuất được mà phải nhập vàng nên cũng khiến cho giá vàng tăng cao.

Đây là chia sẻ của ông Trần Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB) trước diễn biến rất khó lường của giá vàng trong nước những ngày qua. Ông Hải cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không thể bỏ ngoại tệ ra nhập vàng mãi được, vì điều đó là không cần thiết, và làm như vậy cũng đang khiến cho biên độ giá có sự dao động lớn như những ngày qua.

Thưa ông, dường như sự cố gắng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua vẫn chưa đủ và biên độ dao động giá vàng nội địa vẫn còn lớn. Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông có thể cho biết vì sao lại xảy ra tình trạng này?

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát có thể tăng cao thì người dân thường cất trữ vàng, đó là cách làm phổ biến của nhiều người Việt. Đây là một quyết định đúng trong từng thời điểm nhất định, chứ không phải luôn luôn đúng, nên việc nhiều người không đủ am hiểu mà vẫn lao vào mua vào cất trữ đã khiến cho thị trường “nóng” hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam không sản xuất được vàng mà phải nhập khẩu nên cũng khiến cho giá vàng tăng cao.

NHNN hiện đang đóng vai trò là đơn vị duy nhất cung cấp vàng miếng SJC ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu từ 28/3 tới nay. Theo tôi, đây chỉ là những biện pháp hành chính, chứ chưa phải là công cụ thị trường đúng nghĩa, do đó NHNN sẽ không thể mãi mãi bán vàng 1 chiều ra được.

Có thể qua các phiên đấu giá, NHNN thu được lợi nhuận do mua thấp bán cao, nhưng hệ quả là vàng trong dân, xã hội ngày càng lớn lên, và hiện tượng vàng hóa tăng theo, thị trường mất động lực bởi các nguồn cung khác đúng ra sẽ có.

Vậy có nghĩa là muốn đưa giá vàng trong nước tiến sát thế giới thì phải mở mạnh nguồn cung, thưa ông?

Đúng như vậy! Để kéo giá vàng trong nước tiến sát với giá của thế giới thì phải mở mạnh nguồn cung, cho mọi thành phần đều có thể tham gia thị trường, vừa tạo nguồn cung thật sự, vừa tạo tâm lý chống đầu cơ do thị trường đã mở.

NHNN không thể bỏ ngoại tệ ra nhập vàng để bán mãi được. Qua 9 phiên đấu thầu với hơn 10 tấn vàng được bán ra trong thời gian qua cho thấy, gần 500 triệu USD đã được xuất ra để nhập vàng là con số không nhỏ trong điều kiện đất nước cần ngoại tệ cho các khoản chi khác.

Ngoài ra, có thể tính tới một biện pháp khác nữa là NHNN cho phép thành lập sàn giao dịch vàng, một bộ phận cấu thành sàn giao dịch hàng hóa sau này. Các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vàng vật chất trước kia có thể chuyển sang đầu tư vàng tài khoản trên sàn. Tiền mặt trong xã hội vẫn trở về hệ thống ngân hàng, NHNN không phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập vàng nữa và số vàng nhập sẽ ít đi vì có nhiều người cùng bán vàng (trên sàn), chứ không phải chỉ mua vàng.

Mặt khác, việc ký quỹ mở tài khoản vàng đối ứng với vàng tài khoản bán trên sàn cũng ít hơn là bỏ 100% USD đi nhập vàng vật chất.


	Ông Trần Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam

Ông Trần Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam

Thưa ông, còn một lý do khác cũng khiến cho giá vàng khó mà “hạ nhiệt”, đó là cả thị trường chứng khoán và bất động sản không phải là kênh đầu tư hấp dẫn vào thời điểm này?

Chưa bao giờ giá vàng tại Việt Nam lại khó đoán như bậy giờ. Theo dõi xu thế giá vàng thế giới đã là khó, nhưng theo dõi các động thái chính sách còn khó hơn nhiều. Hiện nay khi các kênh đầu tư trên thị trường Việt Nam đang có vấn đề thì nhà đầu tư có thể sẽ tìm đến thị trường vàng như là một kênh trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, với giá vàng trong nước nhảy mua không theo quy luật từ khi có hiện tượng độc quyền cung, các tổ chức và cá nhân rất vất vả tìm hướng đi cho giá vàng trong nước.

Nếu nói rộng ra thị trường thế giới thì đồng USD vẫn có tác động mạnh và trực tiếp tới giá vàng. Vì thế, những thông tin về “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ hoặc những sự kiện chính trị quan trọng cũng có thể tác động tới giá vàng.

Thí dụ, sau 2 vụ nổ tại Boston (bang Massachusetts) ngày 15/4 và tại Texas ngày 16/4 thì giá vàng tăng vọt trở lại từ 1.330 USD/Oz đến vượt 1.400 USD/Oz.

Ngoài ra, cần lưu ý, trong giới kinh doanh vàng thường nhắc tới nhiều yếu tố kỹ thuật khi dự đoán giá như: "Mua bắt đáy" - mua vào khi giá xuống với kỳ vọng giá lên và "bán bù lỗ" - bán ra để bù lỗ ở thị trường tiền tệ, chứng khoán; Giá vàng thường biến động ngược chiều với USD, cùng chiều với EUR.

Tuy nhiên, cũng có thời điểm giá diễn biến nghịch chiều với EUR, cùng chiều với USD khi tình hình kinh tế Eurozone bất ổn; Do yếu tố đầu cơ nên giá vàng thường tăng hoặc giảm ngay trước khi chỉ số kinh tế, hoặc sự kiện quan trọng được công bố; Các chỉ số giá (CPI, PPI, PCE) cũng có ảnh hưởng đến giá vàng.

Xin cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại