Muốn thành công, DN Việt đừng “nhét chì vào đế giầy nhà vô địch”

Phương - Liên |

(Soha.vn) - Câu nói này được Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Andrej Motyl nhận xét trong buổi phỏng vấn độc quyền với báo điện tử Trí thức trẻ.

Thụy Sĩ - một quốc gia nhỏ bé nằm giữa các nước lớn tại châu Âu, không có tài nguyên khoáng sản, không giáp biển và chỉ có nguồn tài nguyên ít ỏi (là nước và thắng cảnh tuyệt đẹp phục vụ du lịch) nhưng lại gặt hái được rất nhiều thành công về mọi mặt của đời sống xã hội. Trong ngân hàng, dược phẩm, máy móc, thậm chí dệt may, ở bất cứ lĩnh vực nào công ty Thụy Sĩ cũng đều xếp hạng cùng với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu lớn nhất và mạnh nhất .

Bên cạnh đó, Thụy Sĩ cũng có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel trên đầu người cao nhất thế giới, được xếp hạng là quốc gia cạnh tranh nhất thế giới, và hệ thống giáo dục cũng thuộc loại tốt nhất thế giới.

Trong khi đó, theo lời của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Việt Nam có rất nhiều tài nguyên nhưng thực chất lại không có gì cả. Trên thực tế, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang thống lĩnh thị trường. Không ít các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình này đang khiến doanh nghiệp trong nước chết lâm sàng và lo bị thâu tóm. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt có thể thắng các “ông lớn” FDI ngay trên “sân nhà”?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Andrej Motyl nhận xét: “Các "ông lớn" thường là những nhà vô địch. Nếu các bạn muốn thắng Brazil trong môn bóng đá, bạn phải nhét chì vào đế giầy họ, nhưng như thế bạn không đạt được một tiến bộ nào”.

Vì vậy, ngài Đại sứ khuyên: Trước hết, các doanh nghiệp Việt cần phải học hỏi các “nhà vô địch”, làm việc với họ với tư cách là các trợ thủ đắc lực của họ.

"Hãy sao chép bí quyết thành công của các nhà vô địch thế giới, chứ đừng sao chép các sản phẩm của họ" - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Motyl.

“Khi các bạn đã biết sản xuất ra các sản phẩm đẳng cấp thế giới, thì lúc đó các bạn có thể bắt đầu thách thức các nhà vô địch. Hàn Quốc và Singapore đã làm như thế” – ông Motyl nói.

Sau một thời gian làm việc, sinh sống và công tác tại Việt Nam, với vai trò của một người Đại sứ, ông Motyl đã nhận ra nhiều nhược điểm cố hữu của doanh nghiệp Việt.

Ông phân tích: Do môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn mang nặng tính chỉ đạo của nhà nước, trong khi bộ máy hành chính công hoạt động kém hiệu quả, nên dù các cơ quan công quyền đã cố gắng rất nhiều nhưng các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, “các bạn cần chú trọng đến tài năng và các phân khúc thị trường. Hãy sao chép bí quyết thành công của các nhà vô địch thế giới, chứ đừng sao chép các sản phẩm của họ, vì như thế là bất hợp pháp. Hãy học bí quyết quản trị nguồn nhân lực, marketing và lòng tận tụy đối với khách hàng” – ông Motyl nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nói về điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt, theo ông Motyl, đó chính là các công ty gia đình. Về điểm này, ông lưu ý rằng không nên kỳ vọng vào cái lợi trước mắt, mà chính sự kiên nhẫn, tinh thần kỷ luật, lao động quên mình, huy động mọi nguồn lực của gia đình... Như thế mới có thể tạo nên thành công lâu dài.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, để vượt qua khủng hoảng, từ bài học thành công của đất nước Thụy Sĩ, đại sứ Motyl khuyên doanh nhân Việt: Hãy tìm kiếm các đối tác quốc tế hoặc trong nước có chất lượng cao để đưa ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng cần có tính kiên nhẫn. Bởi lẽ, khi bắt đầu một dây chuyền sản xuất, chỉ có thể đạt thành quả sau 2-3 năm. Đôi khi cần phải mất 4-5 năm, thậm chí lâu hơn nữa để khấu hao, nhưng nếu đầu tư đúng chỗ, chúng ta có thể gặt hái được thành quả.

Thêm vào đó, cần tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo và chất lượng cao. Nên chú trọng đến sáng tạo và chất lượng sản phẩm hơn là vào số lượng sản phẩm. Đồng thời, hãy tìm kiếm các phân khúc thị trường trong khu vực.

“Nếu Chính phủ không có các chính sách thu hút đầu tư tại khu vực bạn đang hoạt động, thì hãy chuyển sang tỉnh khác, thậm chí nước khác. Đây sẽ là một bài học cho chính quyền địa phương và chính quyền trung ương” – ông Motyl chia sẻ kinh nghiệm thành công.

Vị Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam này cũng nhắn nhủ: “Hãy cố gắng tạo ra môi trường hấp dẫn hơn các nước khác. Nếu các điều kiện cơ bản của Việt Nam (mức độ an toàn và tin cậy của cơ quan công quyền, thuế, nhân công tốt hơn của các nước khác) thì các công ty tốt nhất thế giới sẽ đổ đến đây – và không phải để sử dụng nhân công giá rẻ, mà để sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại