Mua nữ trang bạc tỷ, đụng toàn vàng thiếu tuổi

Bỏ gần 1 tỷ đồng mua 40 món vàng nữ trang cao cấp, nhưng bà L (Tp.HCM) phát hiện vàng 18K có tỷ lệ đồng nhiều hơn quy chuẩn.

Mê sưu tầm nữ trang, bà N.M.L ngụ quận 9 đã liên tục mua vàng trang sức thương hiệu Charmés của công ty TNHH IVI có cửa hàng tại nhiều trung tâm thương mại lớn của TP.HCM từ năm 2009 đến năm 2012, với giá trị gần 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sử dụng chỉ một thời gian ngắn, một số sản phẩm bị xỉn màu, gây dị ứng da. Đem đi xi lại, các sản phẩm này vẫn bị đen. Còn các sản phẩm có gắn đá quý, đá bán quý thì rơi rụng hạt khiến trong quá trình sử dụng bà phải tìm kiếm, gắn lại.

Nghi ngờ chất lượng sản phẩm, bà L. mang hơn 30 món nữ trang đi giám định tuổi vàng. Kết quả tại 2 nơi kiểm định cho thấy: hầu hết hàm lượng vàng thực tế đều thấp so với tuổi vàng được công ty đóng trên sản phẩm. Các món nữ trang đều bị hạ tuổi vàng từ 0,4 - 3,4 tuổi.

Đáng chú ý là đôi hoa tai vàng trắng 18K (tỷ lệ vàng là 75%) bà N.M.L. mua ngày 24/11/2011, kết quả giám định tại công ty TNHH nữ trang Như Lam (quận 5) cho thấy, hàm lượng vàng chưa đầy 67,3% còn tỷ lệ đồng lên tới gần 31%.

Mẫu sản phẩm này sau đó được bà L. mang đến Trung tâm vàng thuộc Ngân hàng Á Châu (ACB Gold Center, quận 6) giám định theo phương pháp huỳnh quang tia X thì kết quả tỷ lệ vàng cũng chưa tới 67,3%, tức thiếu gần 8% vàng.

Chiếc nhẫn vàng 14K mua ngày 18/12/2009 với giá 12,9 triệu đồng, kết quả giám định cả hai nơi cho thấy, tỷ lệ vàng chỉ là… 41,5%, trong khi tỷ lệ vàng chuẩn phải là 65%. Kết quả tại công ty TNHH nữ trang Như Lam còn phân tích, trong khi tỷ lệ vàng của chiếc nhẫn này chỉ có 41,5% thì tỷ lệ đồng lại lên tới 54,6%!

Mua nữ trang bạc tỷ, đụng toàn vàng thiếu tuổi
Kết quả kiểm định 34 sản phẩm nữ trang của bà L do trung tâm vàng ACB thực hiện.

Tương tự, chị N.H.L. (cùng ngụ quận 9) là khách hàng VIP của Charmés cũng “sốc” khi mặt dây chuyền Charmés hoa tuyết 18K mua ngày 14/12/2010 cũng bị thiếu tuổi vàng. Giám định của ACB Gold Center cho thấy hàm lượng vàng chỉ có 58%, tức thiếu đến 17%. Chị N.H.L. cho biết, mặt dây chuyền trên được công ty chào bán với giá 26,5 triệu đồng.

Bức xúc, bà L. đã yêu cầu công ty IVI thu hồi toàn bộ sản phẩm và trả lại tiền, song đơn vị này không đồng ý. Bà L. đã gửi đơn khiếu nại lên Sở Khoa học công nghệ, Hội bảo vệ người tiêu dùng và cả UBND TP. HCM.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. HCM, cũng cho biết Hội đã 3 lần mời công ty IVI, cả 3 lần đơn vị này đều từ chối gặp người tiêu dùng để hòa giải.

Bà L. Bức xúc: “Tôi đang hoàn tất thủ tục kiện công ty IVI ra tòa. Làm sao có chuyện vàng 18K để 1- 2 năm lại 'biến' thành vàng 14K”.

Phía công ty IVI, theo Giám đốc Nguyễn Đình Vũ, trong cơ cấu tính giá thành sản phẩm của Charmés thì chi phí vàng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, tỷ trọng lớn hơn là hàm lượng công nghệ, thiết kế, chất lượng, thương hiệu… Và như vậy nên IVI chỉ đồng ý bảo dưỡng, sửa sản phẩm chứ không thu hồi sản phẩm.

Ông Vũ còn cho biết, công ty khuyến khích khách hàng khi sử dụng sản phẩm thì 6 tháng nên bảo dưỡng một lần. Công ty này cũng không đồng ý kết quả của 2 đơn vị đã giám định số nữ trang cho bà L., vì cho rằng các đơn vị này có sản xuất nữ trang nên đụng vấn đề cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo đơn tố cáo bà L. gửi Hội bảo vệ người tiêu dùng, sau khi mang 25 sản phẩm đi kiểm định tại công ty Như Lam với kết quả có tới 20 sản phẩm không đủ tuổi, bà khiếu nại thì phía IVI cho rằng máy đo không chính xác và đơn vị này có sản xuất nữ trang nên sẽ không khách quan.

Đích thân lãnh đạo IVI gợi ý giám định tại công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Tuy nhiên, sau đó phía IVI lại tiếp tục đổi ý, vì cho rằng PNJ dù là công ty của nhà nước nhưng có sản xuất nữ trang, là đối thủ kinh doanh nên không thể giám định sản phẩm của Charmés.

"Ông Vũ tiếp tục yêu cầu tôi đến kiểm định ở những nơi được nhà nước cấp phép. Nếu kết quả đúng như nơi tôi đã kiểm định thì sẽ thu hồi toàn bộ sản phẩm và hoàn tiền theo hóa đơn. Tuy nhiên, ông cũng không đưa ra yêu cầu chính xác là kiểm định tại đâu. Tôi đã đến thẳng Trung tâm 3 (Quatest 3) để nhờ can thiêp.

Tại đây tôi được hướng dẫn đến trung tâm vàng ACB để kiểm định, vì nơi này không sản xuất nữ trang và giám định theo tiêu chuẩn nhà nước, kết quả chính xác 100%. Tôi đã tìm đến đúng địa chỉ cán bộ Quatest 3 hướng dẫn. Và kết quả là 34 món vàng nữ trang tôi giám định tại đây có 24 món không đủ tuổi vàng theo giấy chứng nhận và hóa đơn bán hàng. Đáng chú ý là kết quả kiểm định tại Như Lam trùng với kết quả của ACB", bà L. cho biết.

Chuyện tranh chấp giữa 2 khách hàng và công ty IVI về chất lượng vàng nữ trang không phải là trường hợp duy nhất. Theo luật gia Việt Thu, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. HCM đã nhận rất nhiều đơn khiếu nại về vàng nữ trang kém chất lượng. Tuy nhiên, hầu hết đều không thể giải quyết được.

Mua nữ trang bạc tỷ, đụng toàn vàng thiếu tuổi
 

Như trường hợp ông Nguyễn Trí Cường (quận Thủ Đức) mua một cặp nhẫn cưới vàng 18K tại cửa hàng nữ trang V.K nằm trong một trung tâm thương mại lớn tại quận 5. Khi cần tiền, ông đến bán ở tiệm khác thì mới biết là vàng chỉ tương đương 12K.

Ông Cường mang nhẫn đến cửa hàng V.K để bán thì cửa hàng này tính giá chỉ bằng 1/3 giá vàng hiện tại. Phải qua nhiều lần can thiệp, cửa hàng mới đồng ý mua lại sản phẩm cho ông Cường với giá vàng 18K.

Vàng nữ trang dù không phải là mặt hàng thiết yếu, nhưng nhiều người vẫn có thói quen vừa làm trang sức vừa làm “của để dành” nên mặt hàng này được mua bán với số lượng rất lớn. Điều đáng nói là cả nước vẫn chưa có một đơn vị nào chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng khi mặt hàng này được sản xuất, đưa ra thị trường lưu thông.

Theo Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, hiện nay Bộ Khoa học - Công nghệ chưa ban hành văn bản kỹ thuật hướng dẫn cách lấy mẫu, thử nghiệm chất lượng vàng (phương pháp thử, thiết bị thử nghiệm) và danh sách các tổ chức đánh giá. Do vậy, việc kiểm tra chất lượng vàng nữ trang vẫn còn bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM, cũng thừa nhận tình trạng thả nổi quản lý chất lượng vàng nữ trang. Theo ông Dưng, công thức tính giá bán vàng nữ trang nhiều năm nay là lấy trọng lượng nhân giá bán vàng 99,99%, nhân với hàm lượng vàng (tuổi vàng) cộng với tiền công.

Phần hao hụt trong chế tác không được tính khiến nhiều đơn vị phải hạch toán vào công thợ. Có khi thợ kim hoàn gian lận, hạ tuổi vàng, độn lót bên trong… Vì vậy, giá bán cùng một sản phẩm nhưng mỗi nơi lại một mức giá khác nhau, làm người tiêu dùng mơ hồ và nghi ngờ.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc công ty PNJ, cho rằng để người dân không phải mua các sản phẩm vàng kém chất lượng, cần thiết phải có một trung tâm kiểm định thứ ba kiểm định chất lượng vàng. Đây là cơ sở để tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua vàng nữ trang.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại