Liệu Uber Việt Nam có thể trả lời được 7 câu hỏi hóc búa này?

Ly Ly |

Ngày 19/12/2014, Hiệp hội vận tải TP.Hà Nội đã gửi thư ngỏ tới Uber trong đó có 7 câu hỏi “hóc búa” mà đại diện Uber tại VN sẽ rất khó trả lời.

Trong khi Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xem xét loại hình taxi mới Uber thì Hiệp hội vận tải T.P Hà Nội mới đây đã gửi thư ngỏ tới Uber.

Trong thư, có đoạn: “Chúng tôi đề nghị Uber taxi cần công khai minh bạch cho người dân được biết, để khi Quốc hội sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Luật Thuế và Công nghệ thông tin, chúng tôi mới xem xét khả năng hợp tác với Uber”.

7 câu hỏi hóc búa dành cho Uber Việt Nam

Để giải thích rõ hơn lý do tại sao Hiệp hội vận tải T.P Hà Nội có phản ứng gay gắt đối với ứng dụng đang “sốt” tại Việt Nam này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội đã “ngầm” nêu ra trong 7 câu hỏi “hóc búa” trong thư gửi tới Uber.

1. Tại sao các tiện ích mà hãng công bố lại bị nước chủ nhà nơi Uber ra đời cấm hoạt động; rồi lần lượt các nước Châu Âu như:  Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, và một số nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc... tẩy chay?

Thậm chí còn bị khởi kiện, dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối Uber bùng nổ?

Tại sao các tiện ích mà hãng công bố lại bị nước chủ nhà nơi Uber ra đời cấm hoạt động rồi lần lượt các nước Châu Âu, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc... tẩy chay?

2. Tại sao khi hành khách muốn rời khỏi khu vực vụ bắt con tin tại Sydney, Uber lại thu 150 USD so với những ngày bình thường là 100 USD?

Các giải thích của “hãng” là do đông khách phải tăng giá, cách giải thích này là không hợp lý, bắt chẹt khách trong hoàn cảnh hoạn nạn, không phù hợp với luân thường đạo lý của người dân Việt Nam?

3. Tại sao Uber có thư gửi xin gặp lãnh đạo Bộ GTVT vào sáng ngày 08/12/2014, Thứ trưởng Bộ GTVT và các Vụ chức năng chờ sẵn tại phòng họp, nhưng đại diện Uber lại không đến?

Chúng tôi nghĩ rằng, trong xã giao, hành xử như vậy là không phù hợp với thông lệ Quốc tế?

4. Khi khách phải dùng Thẻ thanh toán Quốc tế, các thông tin của khách hàng đều tích hợp tại Uber, liệu Uber có cách gì làm rào cản để chống lại bọn tin tặc xâm nhập các tài khoản cá nhân qua Uber để rút hết tiền của khách hàng?

5. Các chủ xe tư nhân, không kinh doanh vận tải, không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hành khách, khi không may xảy ra tai nạn cả lái xe và hành khách đều thiệt mạng thì trách nhiệm thuộc về Uber hay xã hội phải lo?

6. Đất nước chúng tôi còn nghèo, nợ công gần tới ngưỡng, Uber hoạt động tại Việt Nam không làm tăng giá trị gia tăng.

Mỗi ngày 20% doanh thu của taxi chạy ra khỏi biên giới, tức là làm cho đất nước chúng tôi nghèo đi?

7.Việc Uber bị tẩy chay tại các nước phát triển, không nhẽ Việt Nam lại tiếp nhận sản phẩm mà các nước đã đào thải?

Phải chăng các ông cho rằng, Việt Nam thích dùng hàng ngoại quốc, kể cả hàng đã qua sử dụng như: Thiết bị y tế, gà thải loại, ẩn chứa nhiều rủi ro và mất ổn định xã hội?

Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét loại hình taxi Uber tại Việt Nam.
Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét loại hình taxi Uber tại Việt Nam.

Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin: sau hơn 4 tháng có mặt tại Việt Nam, dù nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người sử dụng về dịch vụ và giá cước, nhưng Uber chưa nhận được nhiều ủng hộ từ các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, dịch vụ này vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ Hiệp hội Taxi T.P HCM.

Bên cạnh đó, Uber cũng bắt đầu đối mặt với một số vấn đề pháp lý gây tranh cãi như: tính an toàn, trách nhiệm nộp thuế và việc tuân thủ các quy định về vận tải.

Một trong số những cáo buộc gần đây nhất là hoạt động trái với Luật Giao thông đường bộ và Nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Ngày 4/12/2014, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội có văn bản kiến nghị ngừng hoạt động taxi Uber vì lo ngại loại hình này cạnh tranh thiếu lành mạnh với taxi thông thường.

Với những khó khăn về môi trường pháp lý và sự giận dữ ngày càng tăng từ các nghiệp đoàn taxi, liệu Uber có chấm dứt hoạt động tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam?

Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Tuy nhiên, động thái mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Giao thông vận tải cân nhắc xem  dịch vụ Uber có đủ các yếu tố cần thiết theo quy định của Pháp luật Việt Nam, để cho phép Uber hoạt động hay xử lý nó trên tinh thần thượng tôn Pháp luật.

>>> Xem thêm clip: Người nước ngoài không trả tiền taxi, hành hung người ở Đà Nẵng

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại