ĐHĐCĐ bất thường Eximbank: Tất cả 9 ứng viên đều trúng cử vào HĐQT EIB

Linh Lan |

Đại hội đồng cổ đông bất thường Eximbank năm 2015 diễn ra sáng ngày 15/12 tại TP.HCM sẽ bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020).

Tính đến 9h, tỷ lệ cổ đông tham dự đã đạt 81%.

9h: Chương trình bắt đầu khai mạc với số lượng hơn 500 cổ đông, đại diện cho 86,14% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tham dự có ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát TP.HCM; ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II, Cơ quan Thanh tra giám sát TP.HCM

Dự kiến, diễn biến đại hội đồng cổ đông bất thường Eximbank có nhiều thay đổi, phức tạp.

Nhân sự của Vietcombank cũ là ông Cao Xuân Ninh được dự kiến sẽ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.

Vị trí Tổng giám đốc Eximbank vẫn là một ẩn số.

Vị trí Trưởng Ban kiểm soát Eximbank cũng dự đoán là nhân sự của Eximbank. Hiện 2 nhân sự sẽ được bầu vào Ban kiểm soát Eximbank mới đây là ông Trịnh Bảo Quốc và bà Phạm Thị Mai Phương được cho là nhân sự của ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).

10h: Ông Nguyễn Quang Triết, Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự Eximbank đọc Quy chế Đề cử, ứng cử và bầu cử thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020).

11 tháng, nhiều chỉ tiêu kinh doanh giảm

10h20: Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết, tính đến ngày 30/11/2015, tổng tài sản của Eximbank đạt 127.978 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm.

Trong năm, tổng tài sản giảm chủ yếu do giảm vốn huy động thị trường liên ngân hàng khoảng 35.543 tỷ đồng.

Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 101.000 tỷ đồng, giảm 0,2% so với đầu năm. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 96.000 tỷ đồng, giảm 1,9% so với đầu năm.

Trong năm 2015, Eximbank thực hiện cơ cấu lại danh mục cho vay, giảm dư nợ cho vay tín chấp và cho vay sản phẩm tài chính lãi suất thấp, bán các khoản nợ xấu cho VAMC dẫn đến dư nợ cho vay giảm so với đầu năm.

Nếu loại trừ khoản cho vay tín chấp, cho vay sản phẩm tài chính cá nhân thì thực chất dư nợ của Eximbank tăng 11%, trong đó cho vay bán lẻ tăng 36%.

Đến 30/11, nợ xấu của Eximbank ở mức 1.538 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm, tương đương 606 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,82% trên tổng dư nợ cho vay.

Trong khi đó, lĩnh vực thẻ lại tăng nhẹ. Tổng số lượng thẻ phát hành đạt 1,6 triệu thẻ, tăng 10% so với đầu năm. Tổng doanh số thanh toán thẻ đạt 3.994 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.

Số lượng khách hàng của Eximbank đạt trên 1,058 triệu khách hàng, tăng 13% so với đầu năm.

Lợi nhuận trước thuế đạt 552 tỷ đồng, hoàn thành 55,2% kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là 1.724 tỷ đồng, chi phí xử lý nợ xấu đã hạch toán trong năm là 1.172 tỷ đồng.

Dự kiến, trong tháng 12 tiếp tục xử lý trích lập dự phòng rủi ro.

10h30: Bà Văn Thái Bảo Nhi đọc kết luận sau thanh tra

Theo kết luận Thanh tra, Eximbank đã có sai phạm về tín dụng như: giải ngân bằng tiền mặt, chứng từ sử dụng vốn chưa bổ sung đầy đủ, tài sản đảm bảo chưa được kiểm tra liên tục theo quy định.

Thanh tra đã kiểm tra 30% dư nợ bảo lãnh thì thấy chứng từ chưa đầy đủ. Eximbank đang khắc phục bằng cách yêu cầu các chi nhánh Eximbank bổ sung chứng từ còn thiếu.

Thanh tra cũng đã thanh tra 5/6 hồ sơ đầu tư tài chính phát hiện sai phạm gần 6.000 tỷ đồng, trong đó Eximbank đã vi phạm về giám sát đầu tư của khác hàng.

Hiện Eximbank đang yêu cầu khách hàng bổ sung chứng từ để ngân hàng báo cáo thanh tra.

Kết luận thanh tra cũng ghi rõ, lỗ lũy kế trong năm 2014 của Eximbank là 1.618 tỷ đồng, nguyên nhân trích lập dự phòng bổ sung 710 tỷ đồng, xuất toán lãi dự thu 128 tỷ đồng, giảm thu nhập do bán tài sản cố định không quy định 831 tỷ đồng, giảm thu nhập với khoản lãi dự thu 4,4 tỷ đồng.

Khắc phục, trong năm 2015, Eximbank đã bán nợ xấu cho VAMC khoảng 2.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng cụ thể 404 tỷ đồng, xuất toán lãi dự thu 260 tỷ đồng. Như vậy, dự phòng phải trích thêm là 36 tỷ đồng, lãi dự thu là 11,4 tỷ đồng.

Còn vướng 831 tỷ đồng với Eximland

Về vấn đề khắc phục 831 tỷ đối với EximLand, Eximbank đã bán các bất động sản cho EximLand và cho EximLand vay để thực hiện việc mua các bất động sản, đã hạch toán tăng thu nhập của Eximbank đến thời điểm 31/12/2013 là 1.116 tỷ đồng.

Eximbank đã sử dụng thu nhập này để nộp thuế, trích lập quỹ và chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2010 – 2013.

Đến nay, Eximbank đã khắc phục được 284 tỷ đồng, còn 831 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa.

Thanh tra kết luận việc hạch toán vào thu nhập trong khi Eximbank vẫn còn quản lý và sử dụng bất động sản là chưa đúng quy định.

EIB trình đại hội đồng cổ đông phương án khắc phục:

Thứ nhất, xử lý trong thời gian 03 năm từ 2016 – 2018. Đồng thời đại hội đồng cổ đông thống nhất ủy quyền cho Hội đồng quản trị đề xuất phương án chi tiết trình Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện và thông báo kết quả thực hiện cho cổ đông.

Cổ đông đề nghị xem xét lại danh sách ứng viên

10h45: Thảo luận

Hàng loạt câu hỏi được các cổ đông đưa ra dồn dập hỏi Ban lãnh đạo của Eximbank.

Nhiều cổ đông chất vấn tại đại hội
Nhiều cổ đông chất vấn tại đại hội

Ban lãnh đạo Eximbank cho biết 2 vị trí đất tại đường Nguyễn Chí Thanh và đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) sẽ sử dụng thế nào để tránh lãng phí?

Đề nghị đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết xử lý thế nào, xử lý ai vi phạm khi không hoàn thành nhiệm vụ, để thất thoát tài sản? Đề nghị thành viên trong Hội đồng quản trị có thêm nữ giới?

Giá cổ phiếu EIB đang giảm mạnh. Ông Lê Hùng Dũng và ông Phạm Hữu Phú không tham gia ứng cử lần này, những người còn lại như ông Hà Thanh Hùng vẫn ở lại. Cổ đông đề nghị không bầu lại cho các thành viên HĐQT cũ?

EIB cho biết việc các ứng viên đề cử, ứng cử vào danh sách Hội đồng quản trị nhiệm kỳ lần này là đúng quy định. Nhưng tôi ứng cử 1 người nhưng không nhận được sự phản hồi của Eximbank?

Tại sao tăng từ 9 thành viên trong Hội đồng quản trị lên 11 thành viên trong nhiệm kỳ VI? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong thời gian qua và thời gian tới?

Một cổ đông không đồng ý nhân sự Nguyễn Quang Thông và Đặng Anh Mai được đề cử vào Hội đồng quản trị lần này.

Không đồng tình đưa ông Đặng Hữu Tiến vào đề cử Ban kiểm soát, vì trước đó ông Tiến làm Trưởng Ban kiểm soát đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Danh sách đầu tháng 12 có tên ông Vũ, đến nay không còn tên ông Vũ. Vậy Eximbank có ý kiến như thế nào?

Việc chi tiền cho bóng đá đã được ông Lê Hùng Dũng thực hiện như thế nào?

Làm sao tin tưởng những người không có cổ phần lãnh đạo Eximbank?

Ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm tại sao bỏ NamABank và chạy sang Eximbank? Chiều qua, ông Lê Hùng Dũng có đề nghị ông Vũ và ông Tâm vào HĐQT và ý kiến của HĐQT thế nào?

Ông Phạm Hữu Phú sắp tới sẽ không làm việc tại Eximbank

Trước các câu hỏi của nhiều cổ đông, ông Phạm Hữu Phú cho biết, văn hóa từ chức đã được thực hiện tại Eximbank và tôi sẽ không tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị Eximbank trong thời gian tới.

"Mặc dù vậy, Eximbank lúc nào cũng trong trái tim tôi, vì tôi đã chứng kiến sự lớn mạnh của Eximbank từ lúc ngân hàng có vốn chỉ ở mức 4.000 tỷ đồng đến vị trí như hiện nay", ông Phú chia sẻ.

Ông Lê Đức Thúy – Tôi không chịu trách nhiệm về Eximbank

Trả lời câu hỏi của một số cổ đông về vai trò cố vấn của mình, ông Lê Đức Thúy cho biết: "Với vai trò là cố vấn, tôi chỉ nhận cố vấn khi Chủ tịch và Hội đồng quản trị hỏi ý kiến.

Nếu họ không hỏi thì tôi không có quyền và trách nhiệm tham gia và hoạt động Eximbank".

Ông Lê Đức Thúy trả lời câu hỏi của một số cổ đông về vai trò cố vấn của mình
Ông Lê Đức Thúy trả lời câu hỏi của một số cổ đông về vai trò cố vấn của mình

Ông Thúy cho biết bản thân cung cấp cho Eximbank những báo cáo, đánh giá của mình về tình hình kinh tế, thế giới và Việt Nam để HĐQT tham khảo và điều hành hoạt động của ngân hàng.

"Với tư cách cố vấn thì tôi có lời khuyên: cổ đông Eximbank cần lựa chọn những người xứng đáng, phát huy cái hay của người trước, rút được những kinh nghiệm thất bại giúp đưa Eximbank phát triển thành ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

Còn những việc chưa làm thì đưa vào Nghị quyết và tiếp tục theo dõi, thực hiện và hoàn thành tiếp", ông Thúy nói.

Thay mặt cổ đông, ông Lê Hùng Dũng xin lỗi ông Thúy bởi sau khi ông Lê Đức Thúy thôi làm Thống đốc đã có nhiều ngân hàng mời và ông đã về cố vấn cho Eximbank.

Ông Thúy là người cung cấp những thông tin rất tốt nhưng EIB đã không tận dụng được hết.

Quan điểm của Eximbank là không che giấu nợ xấu. Thực tế là hiệu quả hoạt động xấu, năm 2014 và 2015 khó khăn.

11h45: Ông Hà Thanh Hùng - Thành viên HĐQT EIB trả lời những câu hỏi của cổ đông về ông Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm.

Nguyên tắc bầu cử, nhóm cổ đông 10% được ưu tiên nhất xong nhóm này mà vẫn thiếu nhân sự thì HĐQT đề nghị thêm. Tuy nhiên, NHNN đề nghị Eximbank xem xét và đề xuất.

Danh sách vào tháng 10/2014 là danh sách của nhóm cổ đông đề cử nhân sự của mình và HĐQT, và đã có thêm hai thành viên là ông Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm ngoài 8 thành viên trong danh sách ban đầu.

Eximbank đã có cuộc họp và quyết định đưa danh sách tất cả ứng viên gửi lên Ngân hàng Nhà nước và xin ý kiến về 2 thành viên là ông Vũ và ông Tâm.

Bên cạnh đó, năm 2015, NamABank cũng nằm trong diện thanh tra của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Một trong những kết quả thanh tra cho thấy, trong thời gian điều hành và hoạt động tại NamABank, ông Vũ và ông Tâm trong Hội đồng tín dụng đã duyệt một số hồ sơ có giá trị lớn mà người vay đã sử dụng sai mục đích.

100% thành viên HĐQT đã đồng ý không đưa tên ông Vũ và ông Tâm vào danh sách ứng viên vào HĐQT nhiệm kỳ VI.

Tôi đảm bảo EIB đã làm đúng quy trình.

6 vấn đề nổi cộm của Eximbank

Trước các bức xúc của cổ đông vẫn liên tục hỏi, đối chất các thành viên Hội đồng quản trị Eximbank, ông Nguyễn Văn Dũng đã lên trả lời cổ đông.

12h02: Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục 2, Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước nêu ý kiến về 6 vấn đề của Eximbank hiện nay.

Thứ 1, lãng phí có được khắc phục hay không?

Thứ 2, Nợ đọng và nợ xấu. Cơ quan thanh tra muốn công bố những tồn tại và cá nhân liên quan để cổ đông biết để bầu nhân sự.

Thứ 3, Chi phí HĐQT cao. Năm 2014, kết quả kinh doanh thấp thì mức này là cao.

Thứ 4, Xử lý những người không hoàn thành nhiệm vụ trong HĐQT. Việc này thuộc về trách nhiệm cá nhân.

Trong đại hội đồng cổ đông bất thường lần này những tên không có trong danh sách ứng cử như ông Vũ và ông Tâm đã làm đúng quy trình.

Nếu bầu bổ sung 2 người này tại đại hội đồng cổ đông là không thực hiện được. Vì danh sách ứng viên phải có ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Trong vấn đề tài chính, việc hạch toán tăng thu nhập 1.116 tỷ đồng thì từng cá nhân liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm.

Thứ 5, Nhân sự mới trong nhiệm kỳ mới và danh sách ứng cử thay đổi.

HĐQT có quyền đưa người đề cử theo quy định. Ông Vũ và ông Tâm chưa gửi hỏi ý kiến Ngân hàng Nhà nước.

Theo kết luận thanh tra NamABank về sai phạm của ông Vũ và ông Tâm nhưng chưa có thất thoát tài sản. Khi chưa đánh giá được mất mát thì chưa có cơ sở đánh giá về đạo đức.

17h chiều qua (ngày 14/12/2015), Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được văn bản của ông Lê Hùng Dũng (văn bản 554 giới thiệu ông Vũ và ông Tâm).

Và Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản 9591 về danh sách nhân sự ứng cử, đề cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2016 – 2020).

13h30: Ông Phạm Hữu Phú, thành viên Hội đồng quản trị Eximbank đọc danh sách nhân sự ứng cử vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VI (2016 – 2020).

15h30: Đại hội vẫn đang chờ đợi kết quả kiểm phiếu

16h: Kết quả bầu nhân sự mới Eximbank nhiệm kỳ VI (2016 – 2020)

Cụ thể:

1. Ông Cao Xuân Ninh, tỷ lệ phiếu bầu đạt 65,21%

2. Ông Lê Văn Quyết: 62,26%

3. Ông Ngô Thanh Tùng: 68,04%

4. Ông Đặng Anh Mai: 80,73%

5. Ông Nguyễn Quang Thông: 83,64%

6. Ông Hoàng Tuấn Khải: 84,52%

7. Ông Naoki Nishizawa: 65,66%

8. Ông Yashuhiro Saitoh: 65,82%

9. Ông Lê Minh Quốc: 58,11%

Thông tin bên lề thì ít nhất sẽ có 2 ứng viên không trúng cử, tuy nhiên kết quả thì tất cả đều trúng cử.


 9 thành viên HDQT nhiệm kỳ mới

 9 thành viên HDQT nhiệm kỳ mới

Như vậy, ông Lê Minh Quốc đến từ ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã trở thành thành viên HĐQT độc lập.

- Về Ban kiểm soát

1. Ông Trần Lê Quyết, tỷ lệ phiếu bầu đạt 83,09%

2. Ông Trần Ngọc Dũng: 85,66%

3. Ông Trịnh Bảo Quốc: 84,37%

4. Ông Đặng Hữu Tiến: 79,81%

5. Bà Phạm Thị Mai Phương, 65,66%

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại