Đề án giải quyết nợ xấu

Kim Chi |

(Soha.vn) - Một trong những giải pháp xử lý là tăng cường công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Đây là một trong những giải pháp trong Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD được NHNN xây dựng và trình Bộ Chính trị và Chính phủ thông qua.

Theo Đề án, thứ nhất, TCTD chủ động xử lý nợ xấu thông qua tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiếp tục cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; tích cực đôn đốc, thu hồi nợ; xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ và các tổ chức, cá nhân khác; nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ; phát triển hệ thống quản trị rủi ro và các chiến lược kinh doanh, chính sách, quy trình, thủ tục cấp tín dụng theo hướng lành mạnh, thận trọng; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo và vấn đề lợi ích nhóm của TCTD.

Thứ hai, khách hàng vay phải tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ và khả năng cạnh tranh; chủ động, tích cực phối hợp với TCTD xây dựng và triển khai các phương án cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; chủ động phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu; Các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước tích cực, chủ động đề xuất và triển khai phương án tái cơ cấu theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. NHNN điều hành linh hoạt, chặt chẽ, thận trọng chính sách tiền tệ và lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất phù hợp với mức giảm lạm phát, đồng thời bảo đảm an toàn thanh khoản của hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho các TCTD tăng trưởng tín dụng hợp lý.

NHNN phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng, triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng hợp lý. H ỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tháo gỡ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho các TCTD. Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cơ cấu các TCTD, kiên quyết xử lý các TCTD yếu kém, hoạt động kém hiệu quả.

 

Thứ tư, giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường bất động sản. Các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, kích thích đầu tư và tiêu dùng trong nước

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD trong việc thực hiện các quy định về cấp tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn và tổng công ty nhà nước; tăng cường hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường tiền tệ, quy hoạch và phát triển đô thị.

Thứ sáu, thành lập và đưa vào vận hành Công ty Quản lý tài sả n Việt Nam. Dự kiến, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam là một tổ chức tài chính đặc thù có 100% vốn của Nhà nước, chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.

Về cơ chế xử lý nợ, Công ty sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ của các tổ chức tín dụng và TCTD bán nợ tiếp tục có trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt trong thời hạn của trái phiếu (dự kiến 5 năm).

Sau khi mua các khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản Việt Nam áp dụng các biện pháp: (i) bán nợ, bán tài sản bảo đảm; (ii) tái cơ cấu khoản nợ; (iii) khởi kiện khách hàng vay ra tòa; (iv) tổ chức thu nợ từ khách hàng vay và yêu cầu bên bảo lãnh, bên có nghĩa vụ thực hiện trả nợ. Công ty Quản lý tài sản Việt Nam có các cơ chế hoạt động và các quyền đặc thù cùng với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan và tổ chức tín dụng sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ và tài sản bảo đảm, thu hồi vốn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại