Đại lý xăng dầu lại kêu khó

Theo VNE |

Được trích quỹ bình ổn tới 2.000 đồng mỗi lít nhưng do chưa được tính lợi nhuận định mức, doanh nghiệp cho biết vẫn chịu lỗ. Còn theo đại lý, một số nơi, nguồn cung vẫn 'phập phù', dù chi phí hoa hồng đã tăng.

Sáng 3/1, tại một cửa hàng xăng dầu tại khu đô thị Đại Kim (Hà Nội) đã treo biển "hết xăng còn dầu". Trước thời điểm Chính phủ có quyết định chính thức không tăng giá xăng dầu, hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở Thanh Hóa và một số địa phương.

Ảnh chụp lúc 8h30 sáng 1/3 tại cây xăng khu đô thị Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội)

Một đại lý xăng dầu thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, cửa hàng chị vẫn bị hạn chế mức nhập, do các đầu mối kêu khó khăn. Theo chị Yến, chủ cửa hàng, mỗi ngày cửa hàng bán ra khoảng 7.000 lít, trong khi đó, đầu mối chỉ giới hạn cho nhập khoảng 5.000 lít. "Treo biển hết xăng thì quản lý thị trường sẽ tới kiểm tra, mà thực tế, cứ tiếp tục bán, doanh nghiệp sẽ bị lỗ. Nếu tình hình này chưa cải thiện, sang tuần, chúng tôi sẽ tạm xin đóng cửa", chị Yến nói.

Chị cho hay, cách đây khoảng một tuần, khi có tin đồn xăng tăng giá, các đầu mối cho chiết khấu hoa hồng khoảng 60 đồng mỗi lít, trong khi đó cước vận tải đã lên tới 200 đồng. "Như vậy, doanh nghiệp lỗ 140 đồng phí vận tải. Nếu tính cả lương công nhân, phí điện nước và phí hao hụt thì doanh nghiệp lỗ khoảng 300 đồng mỗi lít xăng", chị Yến, chủ cửa hàng xăng dầu chia sẻ.

Theo chị Yến, sau khi đầu mối được trích quỹ bình ổn lên 2.000 đồng mỗi lít, các đầu mối đã tăng phí hoa hồng lên 150 đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lỗ khoảng 200 đồng mỗi lít xăng

Một đại lý xăng dầu tại khu vực Hoàng Mai chia sẻ, hiện nay nguồn cung xăng dầu không bị đứt nhưng cửa hàng lại phải đối mặt với mức phí hoa hồng quá thấp. Mức phí hoa hồng cho mỗi lít xăng là 190 đồng, nhưng riêng phí vận tải lên tới 120 đồng nên doanh nghiệp chỉ còn lãi khoảng 70 đồng mỗi lít. Mỗi ngày cửa hàng ông bán được khoảng 20.000 lít, như vậy mỗi tháng cửa hàng lãi khoảng 42 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, lương nhân công trả cho 30 người, chưa tính tiền điện, nước, thuê cửa hàng, nên doanh nghiệp "không thể kham nổi".

Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, sau thời điểm trích quỹ bình ổn, doanh nghiệp vẫn lỗ khoảng 100 đồng mỗi lít xăng. Tuy nhiên, ông không muốn bình luận nhiều và cũng không có ý kiến đề xuất bởi bối cảnh hiện nay vẫn rất "nhạy cảm". Cũng theo ông, hiện tình hình tiêu thụ xăng đã đi vào ổn định. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp của ông xuất ra khoảng 1.000 tấn xăng.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay, theo chỉ đạo của Bộ tài chính, công thức tính giá cơ sở để xác định cho các doanh nghiệp đầu mối sử dụng quỹ Bình ổn giá đã loại trừ 300 đồng mỗi lít, kg và vẫn tính theo định mức chi phí kinh doanh cũ.

"Trong khi thực tế, mức phí này đã lạc hậu, một vấn đề được đề cập nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Doanh nghiệp không được tính lợi nhuận định mức, không đủ chi phí thì có thể tự thấy là xăng dầu đang lãi hay lỗ", ông Năm nói.

Do tình hình kinh doanh khó khăn, theo ông Năm, doanh nghiệp đầu mối khó có thể dành thù lao cao cho các đại lý và tổng đại lý. Không đưa ra con số cụ thể, song ông Năm cho biết, mức thù lao cho các đại lý hiện "chắc chắn là không cao" và phụ thuộc vào từng vùng miền địa bàn kinh doanh, điểm nhận hàng, thanh toán ngay hay nợ.

Nhận xét về hiện tượng sức tiêu thụ tăng đột biến cách đây một tuần, ông Năm cho rằng, do thời gian có thông báo chính thức của Chính phủ về việc không tăng giá xăng dầu còn ngắn nên để đánh giá thì trường cần phải theo dõi thêm. "Với thông tin này chắc chắn các đối tượng đầu cơ găm hàng (nếu có) thì sẽ tính toán để quyết định việc tham gia thị trường. Theo tôi, xu hướng thị trường sẽ tốt hơn", ông Năm nói.

Cuối tháng 2, sau khi có chỉ thị của Thủ tướng về việc không tăng giá bán lẻ, Bộ Tài chính vừa chính thức công bố phương án điều hành giá trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, cùng với việc giữ ổn định giá, cơ quan điều hành yêu cầu doanh nghiệp chưa tính lợi nhuận định mức (300 đồng một lít) vào giá cơ sở và tăng mức sử dụng quỹ bình ổn giá. Bộ Tài chính vừa cho phép doanh nghiệp tăng mức sử dụng quỹ bình ổn lên mức kỷ lục, 2000 đồng mỗi lít xăng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại