Đại gia Đặng Thành Tâm thời ‘đỏ da thắm thịt’

Phục hồi sức khỏe, kinh doanh khả quan, ông Đặng Thành Tâm và doanh nghiệp của mình đang dần "đỏ da thắm thịt" sau một thời gian dài kiên nhẫn, ém mình, nỗ lực vượt "bạo bệnh".

Qua cơn bĩ cực

Đầu tháng 4/2014, cổ phiếu của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm đã được đưa ra khỏi diện cảnh báo nhờ năm 2013 doanh nghiệp có lãi trở lại.

Việc KBC - doanh nghiệp trọng tâm của gia đình ông Đặng Thành Tâm có lãi là tin vui đối với đại gia này nhưng điều mà ông Đặng Thành Tâm mừng nhất có lẽ là đã thu xếp khá ổn thỏa các khoản nợ, duy trì được dòng tiền giúp doanh nghiệp tránh nguy cơ phá sản và tiếp tục hoạt động.

Vị doanh nhân từng đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán chia sẻ, doanh nghiệp của ông đã "vượt qua thời kỳ khó khăn nhất". Thậm chí còn gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Tại đại hội cổ đông, ông Tâm cho biết, khoản nợ hơn 3.000 tỷ đồng của KBC sẽ được ngân hàng cho giãn nợ từ 3 đến 5 năm. Đại hội cũng đã thông qua việc không chia cổ tức và dùng khoản lợi nhuận tích lũy để ưu tiên trả nợ. Trong khi đó, KBC cũng đã chào bán được 100 triệu cổ phiếu, trị giá 1.000 tỷ đồng để cấn trừ công nợ.

Nhập mô tả cho ảnh
Phục hồi sức khỏe, kinh doanh khả quan, ông Đặng Thành Tâm và DN của mình đang dần 'đỏ da thắm thịt'.

Theo báo cáo, đối tượng mua cổ phiếu để cấn trừ công nợ là cá nhân và tổ chức không nắm giữ cổ phiếu KBC, nhưng có quan hệ "thân thiết" với công ty này. Việc này chắc chắn sẽ giúp khoản vay nợ ngắn và dài hạn hàng nghìn tỷ đồng của KBC giảm xuống, qua đó chi phí lãi vay sẽ tiếp tục giảm, giúp doanh nghiệp có thêm lợi nhuận.

Nhìn chung các thông tin đến với ông Tâm kể từ cuối 2013 tới nay là rất nhiều và hầu hết là tích cực. Giá cổ phiếu KBC, ITA của ông Tâm đều tăng mạnh và doanh nhân này cũng đã lấy lại được một vị trí trong tốp 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.

Gần đây, nhiều NĐT xem xét đầu tư cổ phiếu KBC không hẳn chỉ vì những kết quả khá tích cực của doanh nghiệp này, mà còn là còn trong chờ vào cái thần thái của một đại gia lấy lại được sự tự tin và hưng phấn. Nó trái ngược với tâm trạng "tôi sợ lắm rồi" hay "chỉ muốn uống thuốc sâu tự tử" trong một bộ dạng yếu đuối cách đây khoảng một năm.

Chiến lược tập trung vào ngành nghề thế mạnh với những kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng vọt năm 2014... cho thấy niềm tin và đam mê kinh doanh ở vị doanh nhân này đã trở lại.

Quay đầu là bờ

Nhìn phong thái và nghe những lời nói của ông Đặng Thành Tâm trong thời gian gần đây, nhiều người thấy được sự hồi sinh ấn tượng của một doanh nhân bị sóng gió khủng hoảng vùi dập. Ông Tâm cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014 tăng gấp đôi so với năm trước.

Ông Đặng Thành Tâm vốn được coi là ông trùm trong lĩnh vực phát triển bất động sản công nghiệp, phát triển khu công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Theo tính toán của đại gia này, các doanh nghiệp của ông thu hút FDI chiếm tới 10% của cả nước. Tất nhiên, đi kèm theo đó là đóng góp gián tiếp vào các thành tích xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế.

Nhập mô tả cho ảnh
Các doanh nghiệp của ông Tâm hồi phục tương đối nhanh nhờ sự phục hồi chung của nền kinh tế, nhờ lãi suất giảm xuống cũng như sự thay đổi nhận thức hướng đi của một doanh nhân đã từng trải.

Cũng chính bất động sản công nghiệp đã giúp ông Tâm hồi phục. Giải thích về việc lợi nhuận tăng mạnh vào cuối năm 2013, KBC cho biết, là nhờ tình tình hình thu hút FDI trong năm qua tăng trưởng đáng kể, công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng lớn với các tập đoàn nước ngoài. Đến quý IV/2013 doanh nghiệp đã hoàn thành việc bàn giao đất và nhà xưởng cho khách hàng, đủ điều kiện ghi nhận doanh thu.

Lợi nhuận đến với doanh nghiệp còn do chi phí lãi vay giảm đáng kể nhờ lãi suất chung trên thị trường giảm xuống và KBC đã thanh toán được một phần công nợ.

Trước đó, giới đầu tư biết đến một đại gia Đặng Thành Tâm suy sụp bởi vay nợ quá nhiều, dựa vào ngân hàng, lấn sân đầu tư tài chính, vươn sang cả lĩnh vực viễn thông không phải sở trường. Món nợ tự khai lên tới 500 triệu USD khiến nhiều người giật mình, và nó cũng là điều khiến ông Tâm mất ăn mất ngủ, suy sụp.

Tuy nhiên, bước ngoặt với sự thừa nhận thất bại, rút lui khỏi tài chính, quay về với sở trường BĐS công nghiệp và thu hút FDI dường như đang giúp doanh nhân này trở lại với một thời kỳ 'đỏ da thắm thịt'.

Thông tin mới nhất cho thấy, KBC cũng đã ngừng khoản đầu tư sang Lào, vì đây là hoạt động ngoài ngành và hiện 80% vốn của doanh nghiệp đang tập trung vào lĩnh vực cốt lõi. Nhiều dự án hàng tỷ USD cũng đang xem xét vào các khu công nghiệp của doanh nhân này.

Theo ông Tâm, trong năm 2013 vừa qua, dù không vay được vốn ngân hàng nhưng doanh nghiệp của ông vẫn có doanh thu rất tốt. Việc ngân hàng giãn nợ từ 3 đến 5 năm là đủ để KBC tập trung sản xuất kinh doanh.

Có thể thấy, việc các doanh nghiệp của ông Tâm hồi phục tương đối nhanh cũng là điều dễ hiểu nhờ sự phục hồi chung của nền kinh tế, nhờ lãi suất giảm xuống cũng như sự thay đổi nhận thức hướng đi của một doanh nhân đã từng trải. Quay về cốt lõi là tốt, và biến chủ nợ thành ông chủ cũng là hướng đi đúng đắn nhưng tất cả cũng chỉ là tương đối. Ông Tâm kiếm triệu đô mỗi ngày nhờ cổ phiếu tăng giá, nhưng có lẽ các doanh nghiệp của ông vẫn còn nhiều nỗi lo giữa bộn bề khó khăn và nợ nần.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại