Chưa chào năm mới, điện 'đe' tăng giá

Theo Pháp Luật Việt Nam |

Những tháng đầu năm 2013, ngành điện cung cấp thông tin “nóng hổi”: giá điện sẽ tăng 7,2%.

Năm 2012, tập đoàn điện lực Việt Nam tăng giá hai lần; lần 1, tăng giá kể từ ngày 1/7/2012 với iá bán điện bình quân là 1.369 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 65 đ/kWh (5%) so với bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đ/kWh).

Tiếp đến ngày 22/12, giá điện tăng lần 2, tăng thêm 5%, đưa mức bình quân từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh. Những hộ tiêu thụ từ 401 kWh trở lên, giá là 2.307 đồng/kWh.

Chiều 11/1, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng Giám đốc EVN công bố, doanh thu bán điện ước đạt 143,419 tỷ đồng. Sản xuất kinh doanh điện có lợi nhuận, đã giảm lỗ lũy kế các năm trước được 3.500 tỷ đồng. Năm 2013, giá bán điện bình quân sẽ là 1.459 đồng/kWh, tăng 7,2% so với năm 2012.

Theo báo cáo của EVN, doanh thu bán điện năm 2012 của EVN đạt 143.419 tỷ đồng. Sản xuất kinh doanh điện có lợi nhuận, đã giảm lỗ luỹ kế các năm trước được 3.500 tỷ đồng. Giá điện bình quân năm 2012 là 1.361 đồng/kWh, tăng hơn 10% so với năm 2011.

EVN cho rằng, năm 2013 sẽ xuất hiện một số yếu tố không thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của tập đoàn như: mức nước tích được ở các hồ thuỷ điện cuối năm 2012 thiếu hụt so với mức nước dâng bình thường tương đương 1,43 tỷ kWh điện, tình hình khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên đã xuất hiện từ các tháng cuối năm 2012 và có khả năng trầm trọng hơn trong 2013; Có khả năng thiếu khí cho phát điện ở miền Nam vào tháng 7 và tháng 9, dự kiến sẽ phải huy động 1.8-2.4 tỷ kWh chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam; việc điều chỉnh tăng giá than, dầu cho phát điện; biến động lớn trong cơ cấu các nguồn điện huy động trong điều kiện thị trường phát điện cạnh tranh...

 

Một số chỉ tiêu EVN đặt ra cho năm 2013: tổng sản lượng điện thương phẩm là 117 tỷ kWh, tăng 11,5% so với năm 2012; Giá bán điện bình quân toàn ngành đạt 1.459 đồng/kWh; Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm xuống còn 8,8%; Đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, lưới điện với tổng giá trị 106.605 tỷ đồng; và trả nợ gốc và lãi vay của toàn tập đoàn 30.289 tỷ đồng.

Dự kiến, điện sản xuất và mua 130,53 tỷ kWh tăng 11% so với năm 2012. Trong đó điện sản xuất của EVN là 26,23 tỷ kWh, điện mua 104,3 tỷ kWh (nhập khẩu Trung Quốc 3,6 tỷ kWh.

Từ năm 2013 là toàn bộ khâu phát điện chuyển sang hoạt động trong cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh, vì vậy vấn đề điều hành tối ưu hệ thống điện, giảm chi phí khâu phát điện sẽ phức tạp hơn nhiều so với trước đây.

EVN cho biết, để đảm bảo cho sản xuất và cung ứng điện năm 2013, Tập đoàn đã hoàn thành nhiều công việc chuẩn bị từ cuối năm 2012. Tuy nhiên, khả năng nhu cầu điện của năm 2013 sẽ tiếp tục tăng cao.

Nỗi lo tiếp nỗi lo

Thông tin từ EVN, lần đầu tiên tỷ lệ tổn thất điện năng đã được đưa xuống 9%. Trước đó, trong nhiều năm tỷ lệ tổn thất đều trên 10%. Theo tính toán, tiết kiệm mức tiêu hao điện được 0,1% thì tương đương 100 triệu kWh, vào khoảng 100 tỷ đồng. Như vậy, tiết kiệm được 0,2% tiêu hao điện thì EVN sẽ tiết kiệm được tới 200 tỷ đồng. Liệu năm 2013, tỷ lệ tổn thất điện năng sẽ giảm được bao nhiêu?

Hiện nay, EVN mới chỉ bù được khoản lỗ khoảng 3.500 tỷ đồng, còn khoản nợ to đùng gồm hơn 11.000 tỷ đồng kinh doanh điện và 26.600 tỷ chênh lệch tỷ giá, nếu chỉ dựa vào tăng giá điện, thì đến bao giờ mới trả hết nợ, và giá điện sẽ cao tới mức nào.

Thêm nữa, cho dù năm 2012 không còn tình cảnh “cắt bụp” vô cớ, không thèm báo trước của nhà đèn, nhưng tần suất số lần mất điện, thời gian mất điện vẫn rất nhiều. Chất lượng dịch vụ cung ứng điện còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Trước đó, Thủ tướng cũng yêu cầu rút ngắn thị trường điện bán buôn, bán lẻ cạnh tranh, mục tiêu năm 2015 mới có thị trường bán buôn, năm 2020 mới có thị trường bán lẻ cạnh tranh, nhưng có thể làm sớm hơn, đồng thời phải hết sức minh bạch.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012 ngành điện, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, những vấn đề tồn tại đang ở tình trạng báo động, phải xử lý khẩn trương ở EVN, đó là “vấn đề quá tải, mất điện, chất lượng điện năng kém... phải có chương trình khắc phục. 80% thời gian ngành điện đi tập trung xây dựng cơ bản thì thật đáng lo".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại