Bà trùm BĐS Trung Quốc giàu hơn nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey

Zhang Xin lớn lên trong nghèo khó và bắt đầu công việc lao động chân tay trong một nhà máy ở tuổi 14. Giờ đây, bà còn giàu hơn cả Donald Trump, Steven Spielberg và Oprah Winfrey.

Theo Forbes, bà Zhang là một nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Bà là người phụ nữ tự lập giàu có xếp hàng thứ 7 thế giới, với khối tài sản trị giá 3,6 tỷ USD. Bà giàu hơn Oprah Winfrey, nữ tỷ phú tự lập danh tiếng nhất thế giới, 800 triệu USD.

Câu chuyện tiền bần hậu phú của bà Zhang là tấm gương phản chiếu sự thay đổi của chính đất nước Trung Quốc. Bà Zhang là người đã định hình nên nhiều kiến trúc đô thị của quốc gia này, với sự xuất hiện của logo công ty SOHO Trung Quốc trên các tòa nhà mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu tại Bắc Kinh.

Soho Trung Quốc có 18 dự án triển khai tại Bắc Kinh, rất nhiều trong số đó là các tòa nhà mang tính biểu tượng. Và gần đây công ty mở rộng tới Thượng Hải với 11 khu đất đã được mua hoặc xây dựng.

Hai trong số các dự án của bà – một được hoàn thành năm ngoái và một đang trong quá trình xây dựng – được thiết kế dưới bàn tay của kiến trúc sư đoạt giải Pritzker - Zaha Hadid.

Bà Zhang, 47 tuổi, sinh ra tại Bắc Kinh ngay trước cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, vào thời mà những người trí thức như cha mẹ của bà bị bắt làm việc tại các đồng ruộng để “cải tạo”. Sau đó, bà quay trở lại Bắc Kinh cùng với mẹ, nhưng phải trải qua cảnh bần hàn và khó khăn.

Bà trùm BĐS Trung Quốc giàu hơn nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey
Zhang Xin tại World Economic Forum.

Bà Zhang nói: “Tôi được sinh ra và lớn lên khi thành phố rất yên tĩnh: không ô tô, không cửa hiệu, không ánh đèn, không máy móc. Mọi người chỉ có những chiếc xe đạp”.

Ở tuổi 14, bà và mẹ chuyển tới Hong Kong, tại đây bà trải qua 5 năm lao động lương thấp trong các nhà máy sản xuất đồ chơi, quần áo và đồ điện, cố gắng tiết kiệm đủ tiền để đi du học Anh.

Bà cho biết: “Là một người nhập cư mới đến, không có học, không có nền tảng, thậm chí không thể nói được tiếng địa phương Quảng Đông thì thật khó để sống được ở Hong Kong”.

Zhang mất 5 năm để tiết kiệm đủ tiền cho một chiếc vé máy bay và một khóa học tiếng Anh. Bà đã giành được một học bổng đại học, theo học khóa thạc sĩ kinh tế tại Đại học Cambridge và có được công việc đầu tiên tại Goldman Sachs ở New York.

Thay vì duy trì cuộc sống an nhàn tại Phố Wall, Zhang quay trở lại Bắc Kinh, tại đây bà đã gặp người chồng hiện tại, và cùng nhau họ đã khởi đầu công ty Soho Trung Quốc.

“Mọi người đều hào hứng nói về sự thay đổi tại Trung Quốc, và đó là thời khắc rất sôi nổi đầy tri thức”, bà nói. “Tôi cũng cảm thấy quê hương mình đang thực sự chuyển đổi và tôi muốn là một phần trong đó”.

Từ khi Zhang và chồng bà – ông Pan Shiyi thành lập SOHO Trung Quốc vào năm 1995, công ty đã trở thành nhà phát triển bất động sản thương mại lớn nhất Trung Quốc, sở hữu hơn 5.200.000 mét vuông thuộc các dự án phát triển hàng đầu tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Câu chuyện phi thường của Zhang đem lại cho bà địa vị danh tiếng tại Trung Quốc. Nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất. Trong sách 24 nữ tỷ phú tự lập cửa Forbes năm 2013, có sáu người đến từ Trung Quốc (bao gồm một người đến từ Hong Kong), nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác ngoài nước Mỹ.

Bà Zhang nói: “Tôi nghĩ phụ nữ của thế hệ chúng tôi đã trải qua Cách mạng Văn hóa, đã đi qua những khó khăn, bất ngờ xuất hiện và đột nhiên nhìn thấy cơ hội tuyệt vời tại Trung Quốc. Vì vậy, phụ nữ chỉ việc nắm lấy cơ hội”.

Bà Zhang có hơn 5 triệu người theo trên Weibo, mạng truyền thông xã hội Trung Quốc thường được so sánh với Twitter, nơi bà chia sẻ những quan điểm về công việc, kiến trúc và các vấn đề hiện thời.

Nhưng trái ngược với thành công về mặt tài chính, bà Zhang, vốn là người theo đạo Baha'i, lại tránh đi cạm bẫy của sự giàu sang, thậm chí bà còn gợi ý con trai 14 tuổi tìm việc trong cửa hàng McDonand's hoặc KFC. Chú bé đã thử, nhưng không được nhận vì còn quá nhỏ.

Bà nói: “Làm con trai của tôi không hề dễ dàng bởi vì chúng tôi rất nổi tiếng. Chúng tôi cố gắng rất nhiều để con cái có một cuộc sống bình thường”.

“Tôi rất, rất khiêm khắc với chúng về khoản tiền bạc. Tôi không cho con cái tiền trừ khi chúng nói: 'Con cần 100 tệ để đóng phiếu ăn', và ngoại trừ những việc cần thiết. Do đó chúng không bao giờ có tiền thừa. Nhưng tôi nghĩ như thế vẫn chưa thể so sánh được với tình cảnh của chúng tôi trước kia, khi chúng tôi khởi nghiệp”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại