Khúc mắc "3 lần thoát chết" của Ký sự Syria chưa có lời đáp

Quân Anh |

Lời giới thiệu 3 lần thoát chết đầy may mắn của ê-kíp thực hiện ký sự tại Syria tới nay vẫn là điều khiến khán giả truyền hình hết sức tò mò.

Mấy ngày nay, cứ hễ mở mạng, lướt 1 vài trang tin, diễn đàn, người ta lại thấy ngay các chủ đề có liên quan tới "Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến" do VTV24 thực hiện.

Trước ngày phát sóng, ký sự đặc biệt này đã được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông với những thước phim chân thật, lột tả sự khốc liệt của chiến tranh ở Syria và cả 3 lần thoát chết đầy may mắn của ê-kíp khi tác nghiệp...

Với bằng ấy nội dung, khán giả truyền hình cả nước có quyền hy vọng vào một ký sự đặc biệt với những câu chuyện, nhân vật chân thực trên mảnh đất đầy hỗn loạn ấy.

Tuy nhiên, sau khi ký sự dài hơn 30 phút được phát sóng vào tối 23/7, rất nhiều khán giả đã tỏ ra thất vọng và hụt hẫng bởi những gì họ được xem không như những kỳ vọng ban đầu.

Như nhiếp ảnh Na Sơn chia sẻ trên 1 tờ báo rằng những hình ảnh về cuộc chiến trong ký sự Syria là không nhiều, vì thế mà câu chuyện ê-kíp muốn truyền tải tới khán giả chưa thực sự đậm nét.

Những điểm đến của phóng viên đều là những nơi cuộc chiến đã đi qua, hoặc nơi quân đội Syria hộ tống nhóm phóng viên đến cũng chưa phải là những điểm nóng đang diễn ra chiến sự thực thụ.

Khúc mắc 3 lần thoát chết của Ký sự Syria chưa có lời đáp - Ảnh 1.

Bên cạnh đó câu chuyện 3 lần thoát chết của ê-kíp trong lời giới thiệu trước đó cũng được nhiều người đặc biệt quan tâm và đưa ra những lời bình luận trái chiều.

Như facebooker Truongnguyenthach đưa ra ý kiến rằng: "Lần thứ 2 "đối diện với cái chết" phải nói rằng ly kỳ không kém qua lời kể của nhà báo Lê Bình, nôm na là câu chuyện vừa rời đi 30 phút thì quả bom cài sẵn phát nổ ngay tại tu viện họ từng đến phỏng vấn.

Maaloula là thị trấn của người Cơ Đốc giáo. Đi đường cao tốc Damas - Aleppo theo hướng Bắc lên độ 40km, đi xuyên qua Ayn At Tina thì đến.

Vùng này nằm trọn trong vùng mà lực lượng thân chính phủ Syria đang kiểm soát, tức là vùng an toàn, mà an toàn thì làm gì có chuyện đối diện với cái chết.

Và trong khoảng thời gian qua, tôi đã tìm kỹ, không có một vụ tấn công nào nhằm vào tu viện Cơ Đốc Giáo tại khu vực này trong thời gian qua cả....

Lần thứ 3 đối diện với chết. Jobar là khu vực cách 2km về phía Đông Bắc thủ đô Damascus. Chỗ này, quân chính phủ giao tranh cùng với lực lượng "phe đối lập ôn hòa" FSA và Al - Nusra chứ cũng không có IS như nhiều người tưởng.

Mà tình hình khu vực chiến trường nơi mà chị Lê Bình đang tác nghiệp theo tôi quan sát thấy khá yên tĩnh.

Trong phóng sự tất cả mọi người ở khu vực chiến sự (kể cả binh lính và sĩ quan Syria) đều có vẻ thong thả khoan thai thay cho cái vẻ hối hả gấp gáp thường thấy của chiến trường.

Anh lính Syria còn bắt ghế nhựa ra ngồi bắn súng: Vậy thì nguy hiểm tính mạng, đối diện cái chết ở chỗ nào cơ chứ? ..."

Những nghi vấn, những lời bình của khán giả không phải là không có cơ sở. Và trong cuộc trả lời báo chí chiều nay (26/7), nhà báo Lê Bình đã giải đáp mọi thắc mắc từ mục đích tới Syria thực hiện ký sự, nội dung ký sự và thậm chí thừa nhận những thiếu sót trong trang phục khi tác nghiệp...

Tuy nhiên, những khúc mắc về 3 lần thoát chết khi thực hiện ký sự vẫn chưa được chị đề cập, giải đáp!?

Khúc mắc 3 lần thoát chết của Ký sự Syria chưa có lời đáp - Ảnh 2.

1 cảnh nhà báo Lê Bình giật mình vì tiếng súng trong ký sự.

Tạm kết

Có một thực tế là mỗi một tác phẩm khi ra đời đều nhận được những ý kiến trái chiều, khen, chê từ phía công chúng. Mỗi người đều sẽ có những sự tiếp nhận riêng, những cảm xúc riêng đối với tác phẩm đó.

Và trường hợp của "Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến" cũng không phải là ngoại lệ. Bỏ qua những ý kiến tranh cãi, thì việc tới một đất nước đang chiến tranh để ghi hình, thực hiện ký sự cũng là việc làm hết sức dũng cảm, đáng trân trọng của cả ê-kíp.

Dù không có những thước phim ghi lại cảnh giao tranh ác liệt, những màn đấu súng như người ta chờ đợi, nhưng những lời kể của các nhân chứng, những câu chuyện về tội ác kinh khủng nhất của loài người khiến người ta không thôi ám ảnh.

Đó là nước mắt của người cha người mẹ khi nhìn kể lại cảnh con cái bị hành quyết đầy dã man, là nụ hôn của người cha khi cứu được 2 đứa con sau đúng 1 năm chúng bị IS bắt cóc, là những ánh mắt hồn nhiên ngây thơ của những đứa trẻ Syria...

"Mình đã xem ký sự vào chiều hôm qua và cả buổi tối mình không thể ngủ được ví quá ám ảnh với những câu chuyện ở trong đó. Còn những vấn đề khác hãy để nhà chuyên môn nhận xét, còn mình chỉ là 1 khán giả bình thường", đó là bình luận của một bạn trẻ sau khi theo dõi ký sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại