Không quân Nga lộ điểm yếu trong trận chiến Aleppo

Tuấn Hưng |

Để đạt được mục đích của mình tại Aleppo, Không quân Nga buộc phải thay đổi chiến thuật là dùng căn cứ ở Iran, tuy nhiên Moskva đã để lộ điểm yếu.

Hãng thông tấn Reuters trích dẫn nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lý do Nga phát động không kích từ căn cứ ở Iran là do lực lượng của họ tại Syria gặp khó khăn trong việc tiêu diệt các nhóm vũ trang nổi dậy tại Aleppo.

Bắt đầu từ giữa tháng 8/2016, Nga đã điều các máy bay ném bom đến Iran để tăng cường tấn công thành phố Aleppo tại Syria. Kết quả đạt được của chiến dịch này không như kỳ vọng và khiến nhiều quan chức Iran phản đối do luật pháp nước này không cho phép nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự tại đây.

 Không quân Nga lộ điểm yếu trong trận chiến Aleppo  - Ảnh 1.

Máy bay Tu-22M3 không kích IS

Thông tấn Anh khẳng định, sự cố gắng tăng cường không kích ở Aleppo nhưng lại thất bại khiến những quan chức trong chính phủ Nga, vốn có tư tưởng ủng hộ đàm phán để giải quyết xung đột ở Syria, trở nên có tiếng nói hơn.

Vào ngày 16/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, họ đã đưa máy bay chiến đấu đến căn cứ quân sự Hamadan tại Iran, và tiến hành các cuộc không kích tại Syria từ đây.

Nhưng đến ngày 22/8, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng máy bay Nga hoạt động tại Iran đã trở về nước. Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận thông tin này và cho biết, các máy bay ném bom đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Thành viên ủy ban đối ngoại của thượng viện Nga, ông Andrei Klimov nhận định rằng, chi phí của chiến dịch tại Syria có thể là một nguyên nhân dẫn đến sự kết thúc chớp nhoáng trên:

"Chúng tôi đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria với một mức ngân sách có hạn. Bộ Quốc phòng còn có các khoản phải chi tiêu khác nên cố gắng giảm bớt các chi phí hoạt động. Bất kỳ nước nào cân nhắc đến vấn đề ngân sách sẽ làm điều tương tự".

Trong khi đó, Vasily Kashin, nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích và Công nghệ ở Moskva và là cố vấn về lĩnh vực quốc phòng, cho rằng việc Nga mong muốn được sử dụng căn cứ tại Iran "liên quan đến việc tăng cường hoạt động quân sự ở Aleppo. Dường như theo quan điểm của các chỉ huy Syria, Nga và Iran, thời điểm bước ngoặt đang tới".

Vị chuyên gia này cho biết thêm, căn cứ tại Iran là cơ sở hậu cần quan trọng trong cuộc leo thang ở Aleppo bởi nếu không có nó, các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga phải bay một đoạn đường dài hơn từ Nga tới Syria và ngược lại.

Điều đó đồng nghĩa rằng các máy bay phải mang theo nhiều nhiên liệu hơn, do đó phải giảm bớt lượng bom chuyên chở và bởi thời gian bay dài hơn khiến các máy bay phải giảm số lần xuất kích.

Theo nhà phân tích Kashin, các căn cứ không quân ở các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát không phù hợp cho các máy bay Tupolev và việc điều chỉnh cho phù hợp sẽ rất tốn kém. Hiện nay, Nga không có năng lực quân sự để tiếp tục tăng cường ném bom ở Syria, cho dù họ được tiếp cận căn cứ ở Iran hay không.

Và điều đó đồng nghĩa rằng Nga đang gánh chịu nhiều phí tổn hơn, trong bối cảnh họ đang vật lộn để lấp đầy khoảng trống ngân sách, chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội tháng 9 tới và đang chứng kiến chiến dịch tại Syria kéo dài hơn kế hoạch ban đầu của Điện Kremlin.

Hồi tháng 5/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “bộ phận chính” của lực lượng vũ trang Nga tại Syria sẽ bắt đầu rút quân, và nói rằng sứ mệnh của họ đã "được hoàn tất". Tuy vậy, các cuộc không kích vẫn diễn ra.

Khó khăn trong việc đạt được tiến triển về mặt quân sự đã khiến Điện Kremlin chú ý hơn tới giải pháp thông qua đàm phán. Các quan chức Liên hợp quốc cho biết ngày 25/8, Nga đã nhất trí lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài 48 giờ ở Aleppo để cho phép viện trợ được chuyển tới đây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp gỡ tại Geneva hôm 26/8 để bàn về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại