Không phấn, không son, không mỹ phẩm nhưng phụ nữ Việt thời xưa không thiếu cách làm đẹp

Lê Thái Dũng |

Phụ nữ Việt Nam thời xưa làm đẹp bằng loại mỹ phẩm nào? Đó là điều không phải ai cũng biết bởi nguồn tư liệu cổ ít đề cập đến việc này.

Thời xưa, nguyên liệu làm đẹp đều có nguồn gốc thiên nhiên, được lựa chọn, chế tác theo những công thức khác nhau từ đơn giản, dễ làm đến cầu kỳ, phức tạp với bí quyết được giữ kín.

Dưới đây là một vài loại mỹ phẩm còn được nhắc đến hoặc thấy ghi chép ngắn gọn nhưng cũng rất hiếm hoi trong sách sử.

Nước hoa:

Một trong những mỹ phẩm thiết yếu, nhất là đối với các tiểu thư con nhà khuê các, các công nương, công chúa, phi tần thường sử dụng, đó là nước thơm hay còn gọi là nước hoa.

Không rõ nước hoa ngày xưa được chế tạo từ nguồn nguyên liệu gì, cách thức ra sao, ngoài các loài hoa có mùi thơm như hoa nhài, hoa hồng… được sử dụng để bào chế, người ta có dùng những nguyên liệu như tinh dầu chiết xuất từ cây hồi, cây quế… để làm nước hoa hay không?

Không phấn, không son, không mỹ phẩm nhưng phụ nữ Việt thời xưa không thiếu cách làm đẹp - Ảnh 1.

Người xưa thường hái hoa để nấu nước thơm.

May mắn thay, trong sách Vân đài loại ngữ của Lê Qúy Đôn (1726-1784) có nhắc đến một loại nước hoa như sau: "Sách Quế Hải ngu hành chí" nói: "Bào hoa, người Nam gọi là Du hoa (hoa bưởi); hoa nở về cuối mùa xuân, nhị tròn, trắng như hạt châu lớn đã chiết thì giống hoa trà, hương rất thơm nhẹ.

Người Phiên [người bản thổ] hái hoa để nấu nước thơm, phong vị rất thú". Nay, tục nước nhà, người ta hái hoa bưởi, theo cách cất rượu mà cất nước hoa. Lấy mấy giọt nước hoa ấy, bôi vào đầu thì thấy thơm mát. Những nhà quý phái thường dùng để tặng nhau".

Dầu gội, dưỡng tóc:

Có lẽ đây là cách làm đẹp đơn giản, dễ làm, phổ thông và còn thấy cho đến nay mặc dù bị các loại dầu gội, dầu dưỡng tóc của nền công nghiệp hiện đại lấn lướt.

"Cái răng, cái tóc là góc con người", chính vì vậy người phụ nữ Việt thời xưa rất quan tâm, chăm sóc mái tóc của mình. 

Loại dầu gội được sử dụng để đem lại mái tóc dài, đen mượt, sạch sẽ, thơm mát chính là nước đun từ qủa bồ kết khô, quả bồ hòn hoặc từ lá mùi, lá hương nhu, củ sả, chanh, vỏ bưởi, … Ngoài ra, người ta còn sử dụng nước vo gạo, nước cốt chanh, dầu dừa để làm sạch tóc, giúp tóc sáng bóng và mềm mại.

Sáp thơm:

Sách Vân đài loại ngữ có đoạn viết về cách làm sáp thơm như sau: "Tục nước Nam nhà, lấy sáp ong thái mỏng, hòa với dầu sở hay dầu vừng, cho vào nồi đun cách thủy, lấy ra để nguội, nhậu (nhào) hàng trăm lần cho nhuyễn, nặn làm thành bánh, ướp hoa thơm, để cách đêm hôm sau lại nhậu cho thật mượt, thơm mát.

Thứ này, dùng làm sáp thơm, để phụ nữ dùng trang điểm. Khi nấu, người ta pha thêm châu sa, thì sắc đỏ tươi, sau pha bạch lạp, thì sắc hơi trắng, mà hơi tươi sáng". 

"Kem dưỡng da":

Để có làn da sáng đẹp, mịn màng, thơm mát, ngoài việc tắm bằng các loại thảo dược có mùi thơm, người phụ nữ, nhất là ở giới quyền quý sử dụng một số cách dưỡng da cầu kỳ. Một trong số đó là sử dụng nghệ.

Không phấn, không son, không mỹ phẩm nhưng phụ nữ Việt thời xưa không thiếu cách làm đẹp - Ảnh 2.

Ngày nay nghệ vẫn được tin dùng.

Theo khoa học hiện đại, ngoài có tác dụng đối với sức khỏe nghệ còn là dược liệu trị mụn, làm lành sẹo và vết thâm, trị nám da hiệu quả.

Thời xưa, nghệ dùng làm thuốc, gia vị chế biến món ăn… và để làm đẹp. Củ nghệ được chọn lựa kỹ càng, sao tẩm cùng một số vị thuốc bắc như hồng hoa, cúc hoa, đương quy, …sau đó đem hạ thổ trong thời gian nhất định tạo thành một chất tổng hợp sử dụng hàng ngày giúp làn da trắng đẹp hoàn hảo.

Một loại mỹ phẩm khác dùng để dưỡng da đó là phấn nụ cung đình Huế được chế tạo bởi công thức bí truyền từ thạch cao, hoa và một số vị thuốc bắc.

Các loại mỹ phẩm khác:

Một số tài liệu cho biết bột tro tán mịn từ gỗ cây điên điển dùng để tô kẻ lông mày, sáp dưỡng môi làm từ sáp ong trộn với một số hương liệu để tạo mùi thơm. Son môi được tạo từ phẩm màu tự nhiên, như màu hồng lấy từ hoa hồng, màu đỏ từ đất sét đỏ,… 

Không phấn, không son, không mỹ phẩm nhưng phụ nữ Việt thời xưa không thiếu cách làm đẹp - Ảnh 3.

Nhai trầu cũng là một cách làm môi đỏ của người phụ nữ xưa.

Một số sách dư địa chí cho biết về những nơi có đất sét đỏ như ở Sơn Tây, Vĩnh Yên; trong sách Hải Dương phong vật chí chép rằng ở huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng có loại đất màu đỏ như sơn.

Đặc biệt là ở khu vực núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh thuộc phủ Nam Sách (nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương) "dưới núi có giếng, đáy giếng có thứ sơn tốt mềm nhuyễn như bùn, đem phơi khô thành sơn".

Tài liệu tham khảo:

- Hải Dương phong vật chí

- Vân đài loại ngữ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại