Khẳng định chỉ "3 chiếc MiG-31 có khả năng bảo vệ toàn bộ Israel", Nga tiến bước trở thành "ông vua vũ khí" Trung Đông

Mạnh Kiên |

Có một điều không ai ngờ rằng Nga đã từng đề nghị bán MiG-31 và hệ thống S-300 cho Israel trong quá khứ.

"3 chiếc MiG-31, bảo vệ toàn bộ Israel"

Trong Triển lãm hàng không Paris năm 1991, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Arens đã hoàn toàn bất ngờ khi Bộ trưởng Công nghiệp Máy bay Liên Xô Apollon Systsov đề nghị bán máy bay chiến đấu MiG-31 Foxhound cho Israel.

"Chỉ với ba chiếc MiG-31, ngài có thể bảo vệ toàn bộ Israel", Systsov nói với Arens.

Lời đề nghị thực sự gây ngạc nhiên bởi Moscow không bao giờ bán vũ khí quân sự cho Israel. Trong suốt phần lớn thời gian Chiến tranh Lạnh, Nga đã bán số lượng lớn vũ khí cho các đối thủ Ả Rập của nước này.

Theo tờ The New Arab, vào năm 1991, Liên Xô đang lâm vào cảnh thiếu tiền mặt và tỏ ra linh hoạt hơn trong các đề nghị bán vũ khí.

Liên Xô cũng đề nghị bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Israel, tự tin cho rằng đó là tên lửa vượt trội so với các hệ thống tương đương của Mỹ, như Patriot được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh hồi đầu năm đó.

Theo ông Noah Shachar, người phát ngôn của công ty quốc phòng RAFAEL của Israel vào thời điểm đó, "trong mỗi cuộc gặp mặt đối tác, Liên Xô đều cho thấy họ sẵn sàng bán vũ khí trong kho của mình".

Cũng trong thời điểm này, Moscow đã đàm phán để bán cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - một đồng minh của Mỹ - chiến đấu cơ MiG-31.

Không có thỏa thuận nào nói trên thành hiện thực, và cả Israel lẫn UAE đều không mua MiG-31 trước khi Liên Xô sụp đổ chỉ sáu tháng sau cuộc gặp kỳ lạ giữa Aren với Systsov.

Tuy nhiên, Nga đã bán thành công cho Iran một phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum. Mỹ và phần còn lại của phương Tây đã phớt lờ thương vụ vì họ bận tâm với việc chống lại nhà lãnh đạo Saddam Hussein của Iraq.

Nga cũng đã bán tàu ngầm lớp Kilo cho Iran vào đầu những năm 1990. Iran đã đặt mua S-300 từ Nga vào năm 2007, nhưng chúng không được giao cho đến năm 2016 sau nhiều năm chịu áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và Israel.

Ngoài ra, trong nhiều thập kỷ, Washington cũng đã ngăn chặn thành công một số thỏa thuận vũ khí khác giữa Nga-Iran.

Có thể thấy rằng, thời kỳ Liên Xô thực hiện các thỏa thuận vũ khí quy mô lớn với các quốc gia Trung Đông so với ngày nay đã có sự khác biệt rõ ràng.

Ngày nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách thiết lập đất nước của mình như một nhà xuất khẩu vũ khí lớn cho khu vực. Trong những năm gần đây, Nga đã thực hiện các thỏa thuận với hầu hết là các đồng minh của Mỹ, vốn có truyền thống chỉ mua vũ khí phương Tây.

Đáng chú ý nhất là Nga đã bán các hệ thống phòng không S-400 cho một thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ trong một thỏa thuận được cho là phi thường và đầy bất ngờ, giống như lời đề nghị bán máy bay cho Israel năm xưa của Liên Xô.

Mỹ rời đi, Nga thế chỗ

Khẳng định chỉ 3 chiếc MiG-31 có khả năng bảo vệ toàn bộ Israel, Nga tiến bước trở thành ông vua vũ khí Trung Đông - Ảnh 1.

Tổng thống Putin đang biến Nga trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu Trung Đông.

Trong những năm gần đây, Ai Cập, một đồng minh khác của Mỹ, đã mua một phi đội MiG-29 và S-300 từ Nga , bằng phần lớn số vũ khí mà nước này đã mua từ Moscow trong nửa thế kỷ.

Năm nay, Ai Cập cũng ký thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD để mua một phi đội Su-35. Washington cảnh báo Cairo rằng họ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt liên quan đến CAATSA nếu tiến hành thỏa thuận này. Không rõ liệu Ai Cập có lùi bước hay không.

Ngoài ra, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ gần đây đã suy đoán rằng Iran có thể mua máy bay chiến đấu Su-30 và hệ thống S-400 khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Tehran được dỡ bỏ vào tháng 10/2020.

Vào tháng 2/2017, công ty quốc phòng Rostec của Nga và UAE đã công bố thỏa thuận chế tạo máy bay chiến đấu mới, được cho là máy bay tàng hình thế hệ thứ năm. Dự án ước tính mất từ ​​bảy đến tám năm để hoàn thành.

Rostec cũng đề xuất rằng máy bay có thể được chế tạo ngay tại UAE. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy dự án đã bắt đầu.

Tháng 11 này, Giám đốc điều hành của Rostec Sergei Chemezov đề xuất rằng các quốc gia mua Su-57 cũng có thể sản xuất một số bộ phận của máy bay, mang đến những điều kiện "hời" hơn so với Mỹ.

Cho đến hiện tại và có khả năng trong tương lai gần, Mỹ vẫn là quốc gia bán vũ khí lớn nhất cho Trung Đông. Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính, từ năm 2014 đến 2018, Mỹ đã bán 54% số vũ khí cho khu vực trong khi Nga bán được ít hơn khá đáng kể, chỉ 9,5%,

Tuy nhiên, các giao dịch của Moscow ở Trung Đông trong những năm gần đây là rất quan trọng. Nó có tiềm năng phát triển, đặc biệt vào thời điểm các đồng minh trong khu vực hoài nghi về cam kết an ninh của Washington đối với họ.

Như tờ Washington Post lưu ý, "các đồng minh như Saudi Arabia và UAE có thể coi Nga là một lựa chọn thay thế đáng tin cậy hơn - ngay cả khi nước này đối đầu với Mỹ và liên minh với nhiều đối thủ của chính họ".

Vào tháng 9, các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất cho Saudi Arabia đã thất bại trong việc đánh chặn tên lửa hành trình và máy bay không người lái bị cáo buộc đến từ Iran nhắm vào các mỏ dầu của nước này.

Tổng thống Putin đã khéo léo tận dụng sự cố để thúc giục Saudi Arabia đi theo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để mua hệ thống phòng không của Nga, điều mà Riyadh có thể sẽ làm trong tương lai gần.

Như cây bút Frank Gardner của BBC lưu ý, trong khi Nga gia tăng sự hiện diện trong khu vực kể từ khi can thiệp vào Syria năm 2015, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, "dường như đang hướng đến lối ra".

Điểm mấu chốt hơn cả là Saudi và các đồng minh Ả Rập ở vùng Vịnh đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối tác của họ và rời khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào phương Tây.

Ngược lại với tình huống đó, chúng ta có thể sẽ thấy thiết bị quân sự của Nga xuất hiện nhiều hơn trong kho vũ khí ở Trung Đông trong tương lai không xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại