Kết quả bầu cử chấn động ở Hong Kong: Phe dân chủ thắng đậm

Tất Đạt |

Kết quả bầu cử địa phương đã thể hiện sự bất mãn của người dân Hong Kong với chính quyền thành phố.

Kết quả bất ngờ

Trong ngày hôm qua (24/11), một số lượng kỉ lục người dân Hong Kong đã tham gia bầu cử địa phương tại 18 quận của thành phố.

Sự không hài lòng của cử tri đã thể hiện rõ nét qua kết quả kiểm phiếu, khi phe ủng hộ dân chủ thắng lớn tại tất cả các khu vực - từ những khu vực dân cư thu nhập thấp cho tới nơi thu nhập cao, từ những vùng bị thiệt hại nặng do biểu tình và những nơi không có biểu tình, tại khu trung tâm thành phố cũng như bên ngoài ngoại ô.

Theo kết quả tới 7 giờ sáng (giờ địa phương), phe ủng hộ dân chủ đã giành được ít nhất đa số phiếu tại 12 trong tổng số 18 quận, chiếm 278 ghế. Trong cuộc bầu cử năm 2015, tất cả các ghế hội đồng đều thuộc quyền kiểm soát của phe ủng hộ chính quyền và Đại lục. Tuy nhiên, tại kì bầu cử năm nay, phe ủng hộ Đại lục hiện mới chỉ bảo đảm được 42 ghế. Đảng Độc lập - phe trung lập trong cuộc bầu cử - giành được 24 ghế.

SCMP cho rằng những ứng cử viên trẻ - và tham gia tích cực trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hong Kong trong 6 tháng qua - đã đóng vai trò quan trọng trong kết quả bầu cử mang tính lịch sử này. Kỉ lục bỏ phiếu được ghi nhận khi 2,94 triệu cử tri tham gia bầu cử, đạt 71,2% số lượng cử tri đăng kí, cao hơn tỉ lệ 47% hồi năm 2015.

Kết quả bầu cử chấn động ở Hong Kong: Phe dân chủ thắng đậm - Ảnh 1.

Ảnh: EPA-EFE

Một trong những đảng ủng hộ chính quyền lớn nhất Hong Kong là Đảng DAB (Liên minh Tiến bộ Dân chủ) với 179 ứng cử viên. Theo kết quả kiểm phiếu tới thời điểm hiện tại, đảng này chỉ giành được 21 ghế.

Mặc dù các ủy viên hội đồng quận chỉ giải quyết các vấn đề địa phương và không có quyền can thiệp trực tiếp tới quyết định của Đặc khu trưởng Hong Kong, nhưng bầu cử đã trở thành thước đo rõ nét nhất đối với phong trào biểu tình và thể hiện thái độ của người dân đối với bà Carrie Lam và cách xử lí vấn đề của lãnh đạo thành phố trong thời gian qua.

Khó khăn của 2 phe

SCMP cho rằng, bà Lam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian điều hành sắp tới, mặc dù chính Đặc khu trưởng cũng tuyên bố rằng cuộc bầu cử ngày 24/11 chỉ mang tính chất chọn ra những người xử lí vấn đề địa phương.

Trong 6 tháng qua, nhiều người Hong Kong đã xuống đường biểu tình để đòi chính quyền thực hiện 5 yêu cầu. Chính quyền thành phố đã thực hiện yêu cầu đầu tiên là hủy bỏ luật dẫn độ gây tranh cãi, tuy nhiên từ chối thực hiện các yêu cầu còn lại.

5 yêu cầu của người biểu tình bao gồm:

1. Rút hoàn toàn dự luật dẫn độ

2. Không gọi các cuộc biểu tình là hành vi bạo loạn

3. Xóa các cáo buộc đối với những người biểu tình bị bắt

4. Mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát

5. Mở cuộc bỏ phiếu phổ thông để chọn đặc khu trưởng và cơ quan lập pháp thành phố vào năm 2020.

Thách thức lớn nhất của người biểu tình hiện tại là buộc bà Lam và chính quyền thực hiện các yêu cầu nói trên. Bà Lam luôn khẳng định rằng sẽ không xem xét bất kì yêu cầu nào cho tới khi tình hình thành phố trật tự và yên bình trở lại.

Trước đó, rất nhiều người biểu tình đã tấn công các ga tàu điện ngầm, các cửa hàng có liên quan tới đại lục và gây trở ngại cho hệ thống giao thông bằng các chướng ngại vật.

Hơn 5.000 người đã bị bắt giữ từ khi các cuộc biểu tình nổ ra từ hồi tháng 6 và những người quá khích đã ngày càng có nhiều hành vi bạo lực trong các cuộc xô xát với cảnh sát.

Cũng trong ngày 24/11, những người bỏ phiếu ủng hộ dân chủ đồng loạt mặc áo nhiều màu, tránh mặc áo màu đen như khi tham gia biểu tình.

Trên trang mạng xã hội Hong Kong, nhiều người tỏ ra hào hứng trước kết quả cuộc bỏ phiếu, nhưng cũng cho rằng đây chỉ là "thành công nhỏ" trong quá trình giành lại dân chủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại