Houthi nã tên lửa về phía tàu chiến: Tình huống khẩn cấp, Mỹ lần đầu kích hoạt lớp phòng thủ cuối cùng

Duy Anh |

CNN cho biết, một tên lửa hành trình của Houthi phóng xuống Biển Đỏ đã bay cách một tàu khu trục Mỹ trong phạm vi rất gần.

Tàu khu trục Mỹ kích hoạt hệ thống CIWS

Nguồn tin quan chức Mỹ nói với hãng tin CNN rằng, một tên lửa hành trình do lực lượng Houthi phóng xuống Biển Đỏ vào tối 30/1 đã bay cách một tàu khu trục Mỹ trong phạm vi 1 dặm (khoảng 1,6km) trước khi bị bắn hạ. Đây là lần tấn công gần nhất từ phía Houthi nhắm vào một tàu chiến Mỹ.

Các quan chức cho biết trong quá khứ, những tên lửa này bị các tàu khu trục Mỹ đánh chặn trong phạm vi 8 dặm hoặc hơn. Tuy nhiên, lần này, tàu khu trục của Mỹ USS Gravely đã phải sử dụng Hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) lần đầu tiên kể từ khi Mỹ bắt đầu đánh chặn tên lửa của Houthi vào cuối năm ngoái.

CIWS là một hệ thống được thiết kế để đánh chặn ở cự ly gần. Đây là một trong những tuyến phòng thủ cuối cùng mà tàu khu trục sử dụng để bắn hạ một tên lửa đang lao tới khi các lớp phòng thủ khác không phát huy được tác dụng. 

Theo đánh giá của CNN, sự việc khẳng định mối đe dọa mà Houthi đang tiếp tục tạo ra đối với lực lượng hải quân và dịch vụ vận chuyển thương mại của Mỹ trên Biển Đỏ, bất chấp nhiều cuộc tấn công của Mỹ và Anh vào cơ sở hạ tầng của lực lượng này bên trong Yemen. 

231230212247-uss-gravely-12-05-2023.webp

Tàu khu trục USS Gravely trên Vịnh Ả Rập hôm 5/12/2023. Ảnh: Hải quân Mỹ

Hôm 31/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã lên án các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu chiến và tàu thương mại của Mỹ trong khu vực. Trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Anh, ông Austin cho rằng tình trạng này có liên quan tới Iran.

Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Tom Karako bày tỏ lo ngại khi tên lửa Houthi tiến đến một tàu chiến Mỹ với cự ly gần như vậy.

Ông Karako cho biết, Houthi mua phần lớn công nghệ vũ khí từ Iran. Đồng thời ông cũng chỉ ra, thách thức phòng không mà lực lượng Mỹ phải đối mặt là vấn đề về năng lực vì các tàu chiến Mỹ có nguồn cung tên lửa hữu hạn. "Chúng ta không thể ngồi đây và chơi trò đuổi bắt vô thời hạn (với Houthi)," ông Karako nói.

Mỹ không muốn một cuộc chiến với Iran

afp2024011734fh8gcv2previewusyemenisraelpalestinianconflict-1706746800576139769422.webp

Máy bay chiến đấu Mỹ xuất phát từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower ngày 12/1 trong chiến dịch chống Houthi ở Biển Đỏ - Ảnh: AFP

Houthi vẫn tiếp tục phóng tên lửa và máy bay không người lái vào các tàu ở Biển Đỏ. Nhưng sáng 31/1, lực lượng này đã chuẩn bị phóng một tên lửa đất đối không, đe dọa tới các máy bay Mỹ hoạt động trong khu vực, Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM) cho biết. Cơ quan này cũng cho biết thêm, lực lượng Mỹ đã phá hủy thành công tên lửa trước khi nó được phóng.

Một quan chức Mỹ nói với CNN hôm 31/1 rằng Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào một số máy bay không người lái của Houthi ở Yemen - đây là cuộc tấn công mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công của Mỹ vào nguồn vũ khí của Houthi trước khi chúng được sử dụng để nhằm vào các tuyến đường vận chuyển quốc tế và các tàu chiến của Mỹ trong khu vực.

Các quan chức quân sự cho biết, kể từ ngày 11/1, Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bên trong Yemen nhằm vào các kho vũ khí, nút chỉ huy và kiểm soát cũng như các cơ sở lưu trữ của Houthi. Các quan chức đã từ chối nêu chi tiết bao nhiêu phần trăm khả năng vũ khí của Houthi bị suy giảm do các cuộc tấn công.

Mỹ tin rằng Iran vẫn đang tiếp tục gửi vũ khí cho lực lượng Houthi. 

Tuy nhiên, giữa bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng trên nhiều mặt trận trong khu vực, các quan chức Mỹ nhiều lần khẳng định họ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Iran. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại