Hiện đại hóa quân đội - Hướng đi nào cho Việt Nam? (Phần 2)

Hoàng Thái |

Trong những năm qua, nhờ sự đầu tư lớn từ ngân sách, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong việc đổi mới trang bị để tiến thẳng lên hiện đại.

Hiện đại hóa quân đội - Hướng đi nào cho Việt Nam?

Tuy vậy, vẫn còn đó nhiều thách thức cho mục tiêu xây dựng một lực lượng hải quân mạnh, xứng tầm với nhiệm vụ và tầm vóc của một quốc gia biển như Việt Nam.

Hải quân bắt đầu “xanh”

Trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, chiến trường mang tính chất quyết định là trên bộ, tuy nhiên hầu hết lực lượng can thiệp của địch lại đến từ hướng biển.

Do địa hình hẹp ngang, một binh đoàn đổ bộ lớn là đủ để chia cắt đất nước thành nhiều phần, gây bất lợi cho sức kháng cự của quân và dân ta.

Cùng với đó, các phương tiện chiến tranh hiện đại của đối phương gần như chỉ có phía biển là hướng trọng yếu để triển khai. Vì vậy gánh nặng phòng thủ biển đặt trọn trên đôi vai các chiến sĩ hải quân.


Hướng biển là hướng phòng thủ chính của Việt Nam

Hướng biển là hướng phòng thủ chính của Việt Nam

Nhiệm vụ đó càng nặng nề khi đất nước còn nhiều khó khăn, trong hàng thập kỷ, Việt Nam chỉ tập trung vào tàu tuần tiễu nhỏ, tạm hài lòng với các hệ thống tên lửa bờ có tầm bắn hạn chế và sự hỗ trợ của không quân với những chuyến tuần tra bằng Su-22.

Tới nay, khi tình hình biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, tàu chiến của đối thủ tiềm năng xuất hiện ngày một công khai, thường xuyên và táo bạo hơn đã tạo cớ cho các bên gia tăng việc quân sự hóa biển Đông.

Những quốc gia xung quanh Việt Nam gần đây liên tục tăng cường sức mạnh hàng hải của mình. Do vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, tiến trình hiện đại hóa cấp bách Hải Quân Nhân dân Việt Nam là điều không thể đảo ngược.


Tàu ngầm là lực lượng tác chiến phi đối xứng mạnh của Việt Nam

Tàu ngầm là lực lượng tác chiến phi đối xứng mạnh của Việt Nam

Khu vực đã được chứng kiến sự thay đổi trong đường lối quân sự của Việt Nam, chúng ta bắt đầu có các đơn vị hàng đầu khu vực như hạm đội tàu ngầm, tàu chấp pháp. Đó là lực lượng để đánh những đòn phi đối xứng và gia tăng kiểm soát vùng biển.

Tuy vậy chừng đó thôi là chưa đủ, Hải quân Nhân dân Việt Nam vẫn có những nhược điểm không thể chối bỏ:

- Lực lượng chống ngầm cực mỏng hoặc hạn chế, trong khi lòng biển Đông không hề êm ả. Hàng chục tàu ngầm nước ngoài đang hoạt động công khai lẫn trái phép, không loại trừ khả năng thực hiện hành vi do thám, răn đe, tuần tra dưới nước.

- Phòng không hạm đội kém, chưa có năng lực phòng thủ tầm trung, điều nguy hiểm với hải chiến hiện đại là gần như sự tồn tại của con tàu được quyết định ở tầng phòng thủ này.

- Hải quân bộ kém hiện đại, không chỉ là điểm yếu trong tác chiến, nó còn giới hạn khả năng thực hiện các hành động cứu trợ thiên tai.

- Không quân Hải quân có sức chiến đấu thấp.

- Chưa tự chủ sản xuất được tàu chiến cỡ lớn, phần đông tàu mặt nước nhỏ, lạc hậu.

Rõ ràng với những nhược điểm trên, cần thiết phải có những hướng đi riêng cho Việt Nam nhằm tiến gần tới một lực lượng "Hải quân nước xanh" để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại mới.

Những hướng đi chủ đạo

Tham khảo trong khu vực ASEAN, chúng ta không thể bỏ qua thành công của một quốc gia hiện cũng đang chồng chất khó khăn, đó là Myanmar.

Chính phủ Myanmar liên tục ủng hộ chính sách “tiên quân” tức là ưu tiên cho quân đội, vì vậy hải quân Myanmar thực sự là lực lượng đáng gờm. Bằng chứng là mới đây họ đã tự hạ thủy chiến hạm tàng hình 3.000 tấn dưới sự giúp đỡ của Trung Quốc.


Thành công của Myanmar đáng để Việt Nam nghiên cứu học tập

Thành công của Myanmar đáng để Việt Nam nghiên cứu học tập

Chúng ta nên học tập Myanmar trong việc lựa chọn đối tác, khi quan hệ cạnh tranh giữa các cường quốc đang xảy ra gay gắt mà Việt Nam lại là một đối tượng được tâm đặc biệt, hãy tận dụng tất cả những củ cà rốt của họ để biến thành cây gậy cho chính bản thân mình.

Cần thiết phải nâng cao năng lực quốc phòng dựa trên sự đối đầu của các bên mà không rơi vào vòng xoáy của bất cứ bên nào bày ra. Đặc biệt khi Hải quân Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đang mong muốn có sự cân bằng tại biển Đông.

Việt Nam cần tận dụng và học hỏi ở họ công nghệ đóng tàu để cho ra những lớp chiến hạm chất lượng, phối hợp với các hợp đồng chuyển giao thiết bị hỏa lực như tên lửa từ Nga, thậm chí nên bắt đầu tự thiết kế và bắt tay đóng tàu chiến cỡ lớn.

Bên cạnh đó, cùng cần cảnh giác và tránh để bị lôi kéo vào một khối quân sự và trở thành con cờ đưa đẩy giữa các cường quốc.


Tàu chiến của Hải quân Nhật Bản thăm Việt Nam

Tàu chiến của Hải quân Nhật Bản thăm Việt Nam

Tái cơ cấu hoàn chỉnh các cơ sở đóng tàu dân sự để phục hồi nền công nghiệp đóng tàu trong nước, đầu tư có trọng điểm các dự án công nghiệp nặng, cung cấp thép, chế tạo từng phần thiết bị động lực cho tàu thuyền.

Từ đó xây dựng nguồn nhân lực, công nghệ để đóng tàu quân sự, gia tăng số lượng, phủ rộng tầm kiểm soát của những con tàu vỏ thép Việt Nam ra biển Đông.

Mua sắm có trọng điểm, đóng nhanh các tàu chiến cỡ nhỏ, trong ngắn hạn, Việt Nam cần thiết phải có một đội tàu tuy không lớn về lượng giãn nước, nhưng phải có ô phòng không hạm tương đối mạnh, để bao phủ kín 3 chiều của một trận hải chiến hiện đại.

Đây cũng đồng thời là chiếc ô che chở cho các biên đội tàu nhỏ hơn, bắn phá đội hình địch một cách độc lập, mang tới hiệu quả cao tương đương với một hạm đội đang chiến đấu.

Đồng thời cần chú ý phát triển Không quân Hải quân, khi chưa đủ tiền trang bị các loại tiêm kích, hãy mua những máy bay do thám có tầm quan sát xa và chỉ huy tốt để đảm bảo “thấy trước” nhằm “bắn trước”.

Việc đóng nhanh nhiều tàu tuần tra cỡ nhỏ như TT-400, mặc dù năng lực tác chiến không quá cao, nhưng lại là công cụ gia tăng sự hiện diện rất tốt trên biển.

Hãy thử tưởng tượng vài chục con tàu như vậy nằm rải rác trên các vùng biển nhạy cảm, ngay lập tức có thể phối hợp với cảnh sát biển, hình thành những cụm răn đe mọi đối tượng có ý đồ xấu.

Khi đã có năng lực tác chiến 3 chiều thì tập trung đầu tư xây dựng lính thủy đánh bộ. Đây là lực lượng không chỉ cần cho việc tái chiếm, phản công mà còn cần thiết cho công tác tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy diễn tập và tác chiến.

Điều này đồng nghĩa với việc hải quân đánh bộ cần có một đợt hiện đại hóa sâu rộng nữa, không dừng lại ở trang bị cá nhân mà còn phải bao gồm khí tài hạng nặng.

Hiện nay tại Đông Nam Á, vượt trội nhất đang là Indonesia, tuy vậy quy mô của họ lại khá nhỏ, chưa xứng tầm với một quốc gia đại dương.


Lính thủy đánh bộ Indonesia trong một cuộc duyệt binh

Lính thủy đánh bộ Indonesia trong một cuộc duyệt binh

Tương tự như lục quân, có thể hình thành các thao trường kỹ thuật, thao trường chiến đấu trên biển để đào tạo con người thường xuyên, nhằm sử dụng nhuần nhuyễn vũ khí trang bị, tránh thao tác lúng túng khi tác chiến.

Tích cực tham gia các hoạt động hàng hải quốc tế nhằm do thám, thu thập thông tin, tích lũy kinh nghiệm cho chiến đấu. Ví dụ như tham gia chống cướp biển, tuần tra chung, tập trận hòa bình…

Tăng cường năng lực sản xuất thiết bị do thám, cảnh báo sớm như radar, phao thủy âm… để đảm bảo kiểm soát vùng biển rộng lớn của mình, tránh bị bất ngờ trước sự hiện diện của đối phương trên và dưới mặt nước.


Lực lượng chống ngầm và Không quân Hải quân Việt Nam không thể mạnh lên một sớm một chiều

Lực lượng chống ngầm và Không quân Hải quân Việt Nam không thể mạnh lên một sớm một chiều

Trên đây là một số hướng đi nhằm hiện đại hóa Hải quân Nhân dân Việt Nam, rõ ràng bất kỳ giải pháp nào dù có vẽ ra cũng cần phải có một cú hích tư duy, đó là cách duy nhất để Việt Nam xây dựng thành công lực lượng hàng hải mạnh.

Chúng ta nên bắt đầu từ việc hạn chế mua sắm mà tập trung vào nghiên cứu và sản xuất trong nước. Một khi năng lực đóng tàu, năng lực hàng hải mạnh, câu hỏi duy nhất cần phải trả lời chỉ là "Bao nhiêu" mà thôi.

*** Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại