Hiện đại hóa quân đội - Hướng đi nào cho Việt Nam?

Hoàng Thái |

Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hiện đại hóa, tăng cường tiềm lực quân sự vẫn là chặng đường dài cần được tiếp nối, vậy đâu là hướng đi đúng cho nền quốc phòng nước nhà?

Từ sự lạc hậu rõ rệt của Lục quân

Đã nhiều năm kể từ khi cuộc chiến tranh cuối cùng mà Việt Nam tham gia chấm dứt (Chiến tranh Biên giới Tây Nam, Biên giới phía Bắc) để lại nhiều bài học quý báu cho việc xây dựng quân đội để bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam thời kỳ đó thực sự là một quân đội mạnh, trang bị hiện đại và có khả năng chiến đấu thuộc hàng cao trong khu vực cũng như trên thế giới.

Nhưng từ đó đến nay, những khó khăn chồng chất về kinh tế đã khiến chúng ta chững lại trong việc gia tăng tiềm lực quốc phòng so với các nước láng giềng.


Quân đội nhân dân Việt Nam từng là lực lượng rất mạnh

Quân đội nhân dân Việt Nam từng là lực lượng rất mạnh

Kẻ thù đã mở rộng không gian chiến đấu, nhưng đối với Việt Nam, mặt trận chính vẫn là bảo vệ đất nước. Do đó, lục quân là lực lượng nòng cốt đảm bảo sức kháng cự quốc gia trước mọi nguy cơ.

Mặc dù thế, so với trình độ khu vực, mức độ cơ giới hóa, thông tin hóa của Lục quân Việt Nam đã thua kém nhiều, không chỉ trước các cường quốc quân sự mà cả các quốc gia có quân đội tương đối lớn ở bên cạnh như Myanmar, Thái Lan, Indonesia…

Chẳng hạn, việc cơ động bộ đội chủ lực của Việt Nam hiện vẫn chỉ bằng đôi chân chiến sĩ là chủ yếu, như vậy sẽ giới hạn khả năng tiến hành các chiến dịch quy mô và thần tốc.

Điều này thấy rõ tại Trung Quốc, khi các bài tập cho lục quân Trung Quốc thường xuyên là cơ động hàng nghìn km trong vòng vài ngày và triển khai chiến đấu nhanh.


Trung Quốc thường xuyên luyện tập yêu cầu các đơn vị cơ động hàng nghìn km

Trung Quốc thường xuyên luyện tập yêu cầu các đơn vị cơ động hàng nghìn km

Các binh chủng hỏa lực như pháo binh, tên lửa đối đất… của Việt Nam vẫn thiếu nhiều khí tài điện tử hiện đại, dẫn đến tính hiệu quả và nhanh chóng trong tác chiến bị chênh lệch rõ rệt với các nước khác.

So sánh với Thái Lan, Myanmar, Indonesia... lực lượng pháo binh của họ mặc dù không quá lớn nhưng tầm hỏa lực, mức độ cơ động, tính toán phần tử bắn, trinh sát pháo binh… thì vẫn vượt trên Việt Nam.


Pháo binh Thái Lan với trang bị hiện đại tự sản xuất

Pháo binh Thái Lan với trang bị hiện đại tự sản xuất

Lực lượng tăng thiết giáp của Việt Nam cũng đang gặp vấn đề trong đổi mới trang bị, các phương tiện lỗi thời đã đến lúc cần thay mới bằng những loại hiện đại hơn, không thể mãi trông cậy vào lòng quả cảm của con người bởi tính chất chiến trường đã thay đổi.

Tăng thiết giáp là mũi đột kích, do đó cực kỳ cần thiết phải hiện đại hóa để làm mũi giáo sắc, không chỉ hỗ trợ hiệu quả bộ binh trong những màn đấu chiến thuật mà còn trong cả những lần quyết chiến chiến lược như Chiến dịch Hồ Chí Minh.


Myanmar - Một trong những lực lượng thiết giáp mạnh tại khu vực Đông Nam Á

Myanmar - Một trong những lực lượng thiết giáp mạnh tại khu vực Đông Nam Á

Như vậy, khách quan nhìn nhận, Lục quân Việt Nam đang có nhiều tụt hậu so với khu vực, điều đó đặt ra nhu cầu bức thiết cần giải quyết đó là phải được hiện đại hóa. Nhưng trong bối cảnh hầu bao có hạn, hướng đi nào mà Việt Nam cần phải nghĩ tới?

Những hướng đi chủ đạo

Chúng ta có thể nhìn qua cách làm của những nước xung quanh để nhanh chóng đạt hiệu quả trong quá trình hiện đại hóa lục quân, một số phương pháp cụ thể bao gồm:

Mua cái cần mua, sản xuất cái tự sản xuất được: Việt Nam hoàn toàn có thể mua một số lượng hạn chế phương tiện hiện đại, từng chút một để dần nâng tầm trình độ tác chiến.

Từng bước thành lập các đơn vị có trình độ cơ giới hóa, thông tin hóa cao để làm lực lượng cơ động nhanh, giữ vai trò chủ lực dự phòng cho những đòn đánh quan trọng khi chiến tranh nổ ra, sau đó dùng kinh nghiệm từ những đơn vị này nhân rộng ra toàn quân.

Đây là phương án khá hay của các nước Trung Đông, khi song song tồn tại những quân đoàn “Vệ Binh Quốc Gia” rất hiện đại và thiện chiến, tổ chức tốt bên cạnh một quân đội nhẹ hơn một chút về trang bị.

Nhưng kết quả cuối cùng, vẫn là phải hướng đến quân đội chính quy, trang bị tốt, trình độ cơ giới hóa và thông tin hóa cao.


Tự sản xuất đạn pháo cấp chiến dịch. Ảnh minh họa

Tự sản xuất đạn pháo cấp chiến dịch. Ảnh minh họa

Để tiết kiệm chi phí, cần triệt để tận dụng khả năng của nền công nghiệp trong nước, chẳng hạn khi đã chế tạo được đạn pháo, đạn cối, nâng cấp thành công vũ khí…cần bắt tay ngay vào sản xuất đại trà để sử dụng và xuất khẩu, tránh việc tiêu tốn ngân sách .

Nhờ những khoản tiết kiệm này, chúng ta lại quay vòng tái đầu tư mở rộng, hoặc mua mới vũ khí hiện đại như xe tăng, pháo, tên lửa… cho lục quân.

Quy hoạch công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ việc sản xuất vũ khí: Cách làm này phổ biến ở Liên Xô những năm trước đây, do đầu tư hiện đại hóa quân đội - mà lực lượng lớn nhất là lục quân cần sự hỗ trợ rất lớn, nên công nghiệp quân sự thường đi trước khối dân sự.

Do Việt Nam đang ở trình độ thấp, thiếu công nghiệp phụ trợ, nên giống như mô hình “Vệ binh Quốc gia”, chúng ta có thể quy hoạch các vùng công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, vật tư cho quốc phòng rồi tận dụng sức sáng tạo, năng lực của chúng phục vụ cho nền kinh tế.

Với lục quân, nên tập trung vào hướng tự chủ sản xuất phương tiện cơ động, tự hành hóa các loại pháo lớn, từng bước sửa chữa rồi chế tạo thiết bị thay thế cho xe tải, xe bọc thép chở quân, cuối cùng là hệ thống hóa lại để cho ra đời những dòng vũ khí “Made in Việt Nam”.


Pháo tự hành “Made in Việt Nam”

Pháo tự hành “Made in Việt Nam”

Ngoài ra, cần quy hoạch các cơ sở công nghiệp tiềm năng trong khu vực dân sự để giảm giá thành sản xuất và kích thích nền kinh tế đi lên bằng đơn đặt hàng phục vụ quốc phòng, khuyến khích hoạt động nghiên cứu trong những trường kỹ thuật.

Cách làm trên đã được Trung Quốc triển khai thành công trong những năm gần đây, họ có hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân đủ khả năng làm ra được cả pháo cấp chiến dịch.


Pháo binh Trung Quốc - Nhiều thiết bị sản xuất từ tư nhân

Pháo binh Trung Quốc - Nhiều thiết bị sản xuất từ tư nhân

Thường xuyên đưa trang bị mới vào hoạt động huấn luyện, một quan điểm sai lầm phổ biến rằng "vũ khí càng hiện đại càng cần giữ bí mật", dẫn tới việc huấn luyện thường xuyên với vũ khí mới không được triển khai sâu rộng.

Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ có điểm chững lại nếu xảy ra chiến tranh, do người lính chưa quen với vũ khí hiện đại đã phải sử dụng để chiến đấu.

Với lục quân, cần đặc biệt nhấn mạnh tới huấn luyện sử dụng tăng thiết giáp, trang bị cá nhân như kính nhìn đêm, các bài tập phối hợp hiệp đồng binh chủng có sự tham gia của khí tài hiện đại, như vậy mới sử dụng nhuần nhuyễn được ngay lập tức nếu xảy ra tình huống xấu.

Cuối cùng, đó là khi mua sắm có trọng điểm các loại vũ khí, cần triệt để tận dụng khả năng mua cả dây chuyền sản xuất. Chẳng hạn với hợp đồng vài trăm xe tăng T90, chúng ta nên tính tới việc tự lắp ráp, đó chính là cơ sở để Việt Nam nâng cao trình độ công nghiệp quốc phòng.

Khi đã có đủ năng lực, việc hiện đại hóa lục quân chỉ còn phải trả lời câu hỏi "Muốn có bao nhiêu", đây là bài học mà Ấn Độ đã áp dụng cực kỳ thành công.


Xe tăng T-90 Ấn Độ - Một sản phẩm của dây chuyền lắp ráp tới từ Nga.

Xe tăng T-90 Ấn Độ - Một sản phẩm của dây chuyền lắp ráp tới từ Nga.

Trên đây là một số hướng đi trong việc hiện đại hóa Lục quân Việt Nam, kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu phương hướng hiện đại hóa lực lượng phòng không không quân cũng như hải quân mà Việt Nam nên tiến hành để có một quân đội hiện đại toàn diện.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại