Maria Sharapova: Mặt nạ đã rơi, cuộc chơi kết thúc!

Tiên Lâm |

Không hề có bất kỳ sự “vô tình” hay “sơ suất” nào ở đây cả. Không chỉ Sharapova mà đằng sau đấy là cả một hệ thống dùng doping có tổ chức.

Những con số không biết nói dối

Hai ngày trước, ngay sau khi Maria Sharapova công bố việc mình không qua được lần thử doping và phải đối mặt với án phạt cấm thi đấu, một con số được đưa ra khiến nhiều người phải giật mình:

17% (724/4316) vận động viên điền kinh Nga sử dụng Meldonium, chất cấm bị phát hiện trong mẫu thử của tay vợt này.

Điều này đồng nghĩa với việc cứ 6 vận động viên điền kinh Nga, thì có 1 người sử dụng thứ “thuốc chữa bệnh” này.

Chưa hết, ngày hôm qua một con số khác được công bố, càng làm rõ hơn bức tranh thực trạng của việc lạm dụng Meldonium trong thể thao: 490 vận động viên dương tính với Meldonium tại European Games tổ chức tại Baku (Azerbaijan) năm vừa rồi.

Con số được công bố dựa theo nghiên cứu của Tạp chí Y học Thể thao Anh quốc (BJSM), dựa trên các mẫu thử của các vận động viên được lấy tại kỳ đại hội thể thao này.

Cũng theo đó, có đến 13 tấm huy chương tại đây dương tính với Meldonium, và số vận động viên bị phát hiện có sử dụng Meldonium nằm ở 15 trong số 21 môn thể thao được tổ chức ở đại hội thể thao này.

Có chăng, Meldonium là thứ “thần dược”, ngoài tác dụng đến các bệnh tim mạch (như công bố của hãng sản xuất), lượng magiê thấp, cảm cúm hay tiểu đường (như phát biểu của Sharapova), còn là thứ “thuốc tiên” chữa bá bệnh cho các vận động viên khác?

Không! Đó là doping!

Câu hỏi cuối cùng đã có lời giải

Theo công bố trên The Times hôm qua, thông tin cập nhật về Meldonium được gửi đến cho “búp bê Nga” không chỉ 1 lần hay 2 lần mà ít nhất có đến 5 lần, trong đó chỉ đích danh Meldonium sẽ được đưa vào danh mục cấm.

Câu hỏi cuối cùng “Vì sao Sharapove biết về Meldonium, mà vẫn sử dụng, để rồi bị phát hiện?”

Một trong những tác dụng phụ của doping là khi sử dụng trong một khoảng thời gian dài sẽ gây ra tình trạng phụ thuộc vào thuốc, nhất là ở các môn thể thao cần sức bền như đua xe đạp, chạy đường trường và cả tennis.

Khi ngừng sử dụng, sẽ có khá nhiều hậu quả xảy ra với vận động viên: hụt hơi, giảm phong độ, thậm chí suy giảm khả năng miễn dịch.

Vậy nếu nghỉ thi đấu, vì lý do chấn thương chẳng hạn, thì có thoát khỏi các cuộc kiểm tra được không?

Từ năm 2013, trung bình mỗi năm Sharapova phải tham gia xét nghiệm doping 4-6 lần mỗi năm, trong các giải đấu. Ngoài ra, cô còn phải tham gia 7 lần mỗi năm các cuộc xét nghiệm đột xuất, hoàn toàn nằm ngoài thời gian tham gia thi đấu.

Như vậy, kể cả khi không thi đấu, khả năng tay vợt này dính phải xét nghiệm doping cũng cực cao.

Các nhà chuyên môn từng ví việc sử dụng doping trong thể thao với trò ru-lét kiểu Nga: cho một viên đạn vào ổ quay của súng và bóp cò cho đến khi súng nổ. Và lần này, với Sharapova - tay vợt từng 5 lần đoạt danh hiệu Grand Slam, viên đạn trong ổ quay đã nổ.


Điều Sharapova muốn là một cú “hạ cánh” nhẹ nhàng, và một sự cảm thông “không hề nhẹ” từ dư luận và người hâm mộ

Điều Sharapova muốn là một cú “hạ cánh” nhẹ nhàng, và một sự cảm thông “không hề nhẹ” từ dư luận và người hâm mộ

Chủ động tổ chức họp báo để công bố việc mình dính doping, trần tình về lý do và nhận mọi trách nhiệm về mình, điều Sharapova cùng ê kíp của mình mong muốn không phải là một án phạt nhẹ, hay cơ hội quay lại với quần vợt đỉnh cao.

Điều họ muốn là một cú “hạ cánh” nhẹ nhàng, một sự cảm thông “không hề nhẹ” từ dư luận và người hâm mộ.

Bởi dù người Nga vốn nổi tiếng thế giới về những thiên tài trong môn cờ Vua, nhưng trên bàn cờ của mình, “búp bê Nga” đã rơi vào thế bị chiếu bí, mọi sự kháng cự chỉ làm cuộc chơi trở nên xấu hơn mà thôi.

Kết thúc chỉ là khởi đầu

Sự nghiệp thể thao của Maria Sharapova coi như đã kết thúc, nhưng cuộc chiến giữa các cơ quan chống doping trên toàn thế giới với thể thao Nga dường như chỉ mới bắt đầu.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ năm 2013, các cuộc xét nghiệm doping với Sharapova được tăng lên đột ngột, thậm chí đến mức bất thường.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà các nghiên cứu chính thống và cả độc lập về tình trạng sử dụng thuốc trong thể thao, và đặc biệt là điền kinh Nga liên tiếp được thực hiện.

Meldonium, vốn được người Nga sử dụng từ rất lâu, núp bóng dưới dạng thuốc chữa bệnh, với nhiều biến thể giúp tăng sức bền, lượng oxy trong máu, theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu có tác dụng không khác gì EPO đã được “đặt vào tầm ngắm” từ rất lâu.


Lần này, thỏ non đã bị sói già tóm cổ

Lần này, "thỏ non" đã bị "sói già" tóm cổ

Cuộc chiến chống doping, tương tự cuộc chiến của những kẻ chuyên làm ra virus máy tính, và những người lập trình phần mềm chống virus: kẻ tiến lên, người bắt kịp. Và lần này, các cơ quan chống doping thế giới đã bắt kịp người Nga.

Tiếc cho Maria Sharapova, tiếc cho một tài năng, một mỹ nhân rực sáng của tennis thế giới, một tấm gương nỗ lực vượt khó vươn lên.

Nhưng không như mô típ truyền thống của bộ phim hoạt hình Nga “Hãy đợi đấy” từng một thời “khuynh đảo” chương trình Những bông hoa nhỏ trên đài truyền hình Việt Nam, lần này “chú thỏ tinh nghịch” Sharapova đã bị “chú sói” WADA tóm cổ.

Nước mắt đã rơi, và cuộc chơi kết thúc!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại