Hành trình “chạm” tới Mặt Trời của tàu thăm dò vũ trụ NASA

Hồng Anh |

Tàu thăm dò Parker Solar Probe đã làm nên lịch sử khi trở thành tàu vũ trụ đầu tiên “chạm” vào Mặt Trời.

Sự kiện này diễn ra khoảng 60 năm sau khi NASA đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về khám phá Mặt Trời và 3 năm sau khi con tàu Parker Solar Probe được đưa vào quỹ đạo.

Parker Solar Probe đã bay xuyên qua vành nhật hoa hay tầng khí quyển cao để lấy mẫu các phân tử và từ trường của Mặt Trời. Ông Thomas Zurbuchen, Phó giám đốc Sứ mệnh khoa học của NASA đánh giá: “Sự kiện tàu thăm dò Parker chạm vào Mặt Trời là một cột mốc quan trọng đối với khoa học nghiên cứu Mặt Trời và là một kỳ tích thực sự đáng chú ý”.

“Cột mốc quan trọng này không chỉ cung cấp cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc hơn về quá trình tiến hóa của Mặt Trời, tác động của nó đối với hệ Mặt Trời. Hơn nữa, mọi thứ chúng ta tìm hiểu về ngôi sao của chính mình cũng dạy cho chúng ta nhiều hơn về các ngôi sao khác trong vũ trụ”.

Thông tin trên được các nhà khoa học công bố trong cuộc họp của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ (AGU) hôm 15/12. Tàu thăm dò Parker Solar Probe được phóng lên vũ trụ vào năm 2018, có nhiệm vụ tìm hiểu về gió Mặt Trời và các hạt năng lượng cao đến từ Mặt Trời cũng như giải đáp câu hỏi tại sao vành nhật hoa còn nóng hơn của bề mặt của Mặt Trời. Điểm nóng nhất của vành nhật hoa đạt tới hơn 1 triệu độ C, trong khi bề mặt Mặt Trời chỉ nóng khoảng 5.500 độ C.

Nhờ việc tiếp cận gần nhất với Mặt Trời, Parker Solar Probe đã giúp các nhà khoa học giải mã được phần nào những bí ẩn về hành tinh này. Trước khi con tàu vũ trụ hoàn thành sứ mệnh, nó dự kiến sẽ bay 21 vòng quanh quỹ đạo Mặt Trời. Các nhà khoa học ước tính đến năm 2024, nó sẽ bay được khoảng 6,9 triệu km quanh bề mặt Mặt Trời.

Khi di chuyển gần nhất với Mặt Trời, các tấm chắn bức xạ làm bằng vật liệu composite sợi carbon dày gần 12 cm sẽ phải chịu nhiệt độ hơn 1.370 độ C. Tuy nhiên, phần bên trong con tàu và các thiết bị của nó vẫn dược duy trì ở nhiệt độ khá dễ chịu.

Nhà khoa học Nour Raouafi của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết: “Tàu thăm dò Parker Solar Probe hiện giờ đã cảm nhận được các điều kiện của bầu khí quyển lớp ngoài bao quanh Mặt Trời – điều mà chúng ta chưa từng biết trước đó. Sở dĩ chúng tôi xác định được con tàu bay qua vành nhật hoa là nhờ dữ liệu từ trường, dữ liệu gió Mặt Trời và hình ảnh trực quan”.

Hồi tháng 4 vừa qua, nhóm phụ trách tàu vũ trụ Parker Solar Probe nhận ra rằng, con tàu của họ đã vượt qua ranh giới và lần đầu tiên bay vào bầu khí quyển Mặt Trời trong chuyến bay lần thứ 8. Con tàu đã nhiều lần di chuyển vào và ra khỏi vành nhật hoa trong chuyến bay này. 

Điều đó đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu về bề mặt tới hạn Alfvén, đánh dấu sự kết thúc của khí quyển Mặt Trời và bắt đầu của không gian gió Mặt Trời. Đây không phải là một vòng tròn nhẵn xung quanh Mặt Trời, trái lại nó gồ ghề và có nhiều rãnh.

Hành trình “chạm” tới Mặt Trời của tàu thăm dò vũ trụ NASA - Ảnh 1.

Hình ảnh tàu thăm dò Parker Solar Probe chụp được khi bay vào vành nhật hoa vào tháng 4/2021. Ảnh: CNN

Trong hành trình này, Parker Solar Probe đã phát hiện ra một điều thú vị khác khi nó bay cách bề mặt Mặt Trời hơn 10,5 triệu km. Tại đây, con tàu chạm tới vùng giả dòng – một cấu trúc lớn nhô lên từ bề mặt của Mặt Trời – từng được quan sát thấy từ Trái Đất trong các lần nhật thực. Khi con tàu bay qua vùng này, mọi thứ trở nên yên lặng giống như “mắt của một cơn bão”.

Nếu như Parker bị va chạm mạnh với các hạt vật chất khi bay qua vùng gió Mặt Trời thì ở vùng này chúng di chuyển chậm hơn và theo hình zig-zag.

Chuyến bay tới Mặt Trời tiếp theo của tàu Parker dự kiến ​​diễn ra vào tháng 1/2022. Ông Nicky Fox, giám đốc phụ trách bộ phận nghiên cứu về vật lý Mặt Trời của NASA chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy những gì mà tàu vũ trụ Parker phát hiện ra khi nó bay qua vành nhật hoa. Cơ hội cho những khám phá mới là vô hạn”.

Con tày này có thể sẽ ở đúng nơi và đúng thời điểm khi tiếp tục thực hiện những chuyến bay khác trong thời gian tới khi Mặt Trời thực hiện cuộc chuyển mình lớn sau chu kỳ 11 năm.

Các nhà khoa học xác định được mỗi chu kỳ của Mặt Trời kéo dài 11 năm, trong đó có thời gian hoạt động bình lặng đến thời gian hoạt động cực đại với sự gia tăng những ngọn lửa Mặt Trời, những cơn bão giải phóng khối lượng vật chất cực quang, rồi lại suy yếu dần. 

Hiểu về điều này rất quan trọng, bởi các hoạt động của Mặt Trời có thể ảnh hưởng đến mạng lưới điện, vệ tinh, GPS, máy bay, tên lửa và hoạt động của các phi hành gia trong không gian.

Chu kỳ mới nhất của Mặt Trời, bắt đầu vào tháng 12/2019 đã được dự đoán là sẽ đạt mức cực đại vào tháng 7/2025. Một khi vành nhật hoa mở rộng, tàu thăm dò Parker có thể dành nhiều thời gian hơn để bay qua bầu khí quyển bí ẩn bên ngoài của Mặt Trời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại