Hàng trăm "bóng ma" niên đại 120.000 năm xuất hiện giữa sa mạc Ả Rập

Thu Anh |

Dấu vết vĩnh cửu như những "bóng ma" được tìm thấy ở Ả Rập Saudi, nơi dừng chân của 7 Homo sapiens cổ đại và đàn lạc đà, trâu, voi… khổng lồ hơn bất cứ sinh vật cùng loài nào ngày nay.

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, những dấu chân đã được lưu giữ một cách kỳ dị, hóa thạch và tồn tại bất chấp thiên nhiên ở khu vực đó đã thay đổi "180 độ" từ một thảo nguyên xanh tươi, đầy hồ nước thành sa mạc Nefud cằn cỗi của Ả Rập Saudi.

Tiến sĩ Mathew Stewart, thuộc Viện Sinh thái Hóa học Max Planck (Đức), một trong các tác giả chính của nghiên cứu, cho biết những dấu chân đầu tiên được phát hiện trong quá trình nghiên cứu thực địa năm 2017, sau sự xói mòn của lớp trầm tích bên trong một hồ cổ đại mà tiếng địa phương gọi là "Alathar", tức "Dấu Vết".

"Dấu chân là một dạng bằng chứng hóa thạch độc đáo vì chúng cung cấp những "bức ảnh" chụp nhanh, đại diện cho vài giờ hoặc vài ngày của quá khứ, ở một độ phân giải cao" – tiến sĩ Stewart ví von.

Các dấu chân cho thấy 7 người cổ đại, được xác định chính là tổ tiên Homo sapiens của chúng ta, đã dừng chân tạm nơi đây để uống nước và kiếm thêm thức ăn. Hồ nước cũng in dấu sự lui tới của hàng trăm con voi, lạc đà, trâu, hà mã… cổ đại, thuộc những loài đã tuyệt chủng với kích thước khổng lồ vượt xa tất cả họ hàng hiện đại của chúng.

Ngoài các dấu chân, 223 mẫu hóa thạch cũng được tìm thấy, ít khi nguyên vẹn, cho thấy các loài ăn thịt cũng bị thu hút bởi các con thú ăn cỏ lảng vảng nơi đây.

Kỹ thuật phát quang kích thích quang học, tức đo lường ánh sáng phát ra từ các tinh thể thạch anh siêu nhỏ, đã giúp xác định niên đại các dấu chân "bóng ma" là khoảng 120.000 năm. Điều này cho thấy 7 Homo sapiens này chính là một trong những nhóm người đang trên đường rời khỏi châu Phi để đi tìm "đất hứa", giúp giống loài chúng ta phủ khắp năm châu như ngày nay.

Theo giáo sư Michael Petraglia từ Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck (Đức), tác giả cao cấp, sự hiện diện của các loài động vật lớn như voi và hà mã, cùng với đồng cỏ rộng lớn và nguồn nước dồi dào, có thể đã khiến miền Bắc Ả Rập trở thành một nơi đặc biệt hấp dẫn đối với con người khi di chuyển giữa châu Phi và châu Á – châu Âu. 

Điều này có nghĩa nơi đây có thể là một "thánh địa khảo cổ" vĩ đại chưa được khai phá hết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại