Hãng hàng không Mỹ đặt mục tiêu tàu bay điện cất cánh trước năm 2030

Dy Khoa |

Hãng hàng không này đặt mua 100 tàu bay và kỳ vọng sẽ giảm phát thải khí carbon bằng không vào năm 2050.

Theo đó, United Airlines đang đặt mục tiêu có tàu bay điện bay các chặng trong khu vực vào cuối thập kỷ này. Đây nằm trong một phần mục tiêu của công ty này là giảm hoàn toàn lượng khí phát thải carbon xuống mức không vào năm 2050.

Những chiếc tàu bay chạy bằng pin này đang được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Heart Aerospace của Thụy Điển. United Airlines đã đặt hàng 100 chiếc từ tháng 7/2021. United Airlines cũng đã đầu tư một số tiền, không được tiết lộ, vào công ty thông qua nhánh đầu tư mạo hiểm của hãng tại thời điểm thỏa thuận.

United Airlines đã đẩy mạnh đầu tư vào các loại hình vận tải hàng không có lượng phát thải thấp hơn. Hãng hàng không của Mỹ đã công bố kế hoạch mua hãng taxi hàng không điện và máy bay thẳng đứng, cũng như động cơ điện hydro. Thậm chí, hãng bay còn đầu tư vào các công ty đứng sau các công nghệ đang phát triển mạnh mẽ.

"Chúng tôi không thể tiếp tục làm và điều hành công việc kinh doanh của mình theo cách chúng tôi vẫn làm. Chúng tôi bắt buộc chúng tôi phải thay đổi nó và cách chúng tôi sẽ thay đổi nó là thông qua đầu tư vào công nghệ", Mike Leskinen, Chủ tịch United Airlines Ventures, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trong khuôn khổ hội nghị ảo ESG Impact do CNBC tổ chức hôm thứ Năm này.

Leskinen nói: "Công nghệ hiện tại sẽ khiến thời gian bay của chúng ta ít hơn, đó là một giải pháp thay thế không thể chấp nhận được hoặc tiếp tục tạo ra lượng khí thải carbon mà chúng tôi tin rằng cũng không thể chấp nhận được".

Hãng hàng không Mỹ đặt mục tiêu tàu bay điện cất cánh trước năm 2030 - Ảnh 1.

Một tàu bay của United Airlines tại Sân bay LaGuardia (New York, Mỹ). Ảnh: CNBC.

Heart Aerospace, công ty gần đây đã tái thiết kế mẫu tàu bay điện đầu tiên của mình, hiện được gọi là ES-30, có kế hoạch đưa máy bay vào hoạt động vào năm 2028. Anders Forslund, Giám đốc điều hành và người sáng lập của công ty đã cho biết như vậy.

Các tàu bay 30 hành khách được điều khiển bằng động cơ điện với năng lượng từ pin, cho phép các tàu bay có phạm vi hoạt động hoàn toàn bằng điện trong khoảng 200 km (tương đương 124 dặm). Các tàu bay này cũng sẽ bao gồm một động cơ hybrid chạy bằng nhiên liệu hàng không bền vững, cho phép nó có tầm bay mở rộng lên đến 400 km với một chuyến bay đầy đủ.

Heart Aerospace, cũng đã nhận đơn đặt hàng từ Air Canada, Mesa Air Group và Icelandair, đã nhận được các khoản đầu tư từ các công ty liên doanh năng lượng đột phá của Bill Gates và công ty liên doanh EQT.

Leskinen cho biết những chặng đường ngắn đó là tính toán ban đầu của United Airlines về cách công nghệ sẽ được sử dụng. Sân bay Quốc tế Chicago O’Hare và Sân bay Quốc tế Denver được xem là những thị trường chính cho lô tàu bay điện đầu tiên này.

Kỳ vọng tàu bay điện sẽ cung cấp ở nhiều khu vực hơn tàu bay truyền thống

Ông nói: "Ban đầu chúng tôi muốn bay trên các tuyến đường dài 200 dặm hoặc ít hơn. Nhưng khi mật độ tăng lên, cùng một chiếc tàu bay đó sẽ có tầm bay 250 dặm, 300 dặm, điều này sẽ mang lại cho chúng tôi nhiều lợi ích hơn khi kết nối các trung tâm hàng không của chúng tôi".

Forslund cho biết, các tàu bay điện sẽ có thể nạp năng lượng trong vòng chưa đầy 30 phút và có khả năng mở lại các đường bay trong khu vực, vốn không thể được cung cấp bởi các máy bay phản lực hiện đại.

Theo Leskinen, United Airlines có thể cung cấp những tuyến đường ngắn hơn không chỉ với tần suất lớn hơn mà còn với chi phí thấp hơn.

Ông nói: "Khi chúng tôi sử dụng tàu bay điện, tôi nghĩ rằng chi phí cho tàu bay 30 chỗ, tàu bay 50 chỗ vào thời điểm ngành công nghiệp phát triển sẽ thấp hơn so với máy bay truyền thống. Đối với các thành phố nhỏ, điều này có nghĩa là họ sẽ nhận được một trong hai dịch vụ mà trước đây họ không có hoặc có cơ hội tiếp cận với tần suất dịch vụ lớn hơn".

Cuối tháng trước, tàu bay điện lần đầu cất cánh thành công. Cụ thể, chiếc tàu bay điện, chạy hoàn toàn bằng điện, mang tên Alice đã đánh dấu bước tiến quan trọng của công ty khởi nghiệp Israel Eviation. Diễn biến đến sau nhiều tháng thử nghiệm trên mặt đất và lịch bay trên không trung bị trì hoãn. Nguyên nhân do thời tiết xấu, Covid-19, vấn đề công nghệ và sự xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo công ty.

Hãng hàng không Mỹ đặt mục tiêu tàu bay điện cất cánh trước năm 2030 - Ảnh 2.

"Tàu bay chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới". Ảnh: Eviation.

Những người trong ngành hàng không rất mong chờ sự kiện này, khi Eviation tự hào giới thiệu Alice sẽ là "tàu bay chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới".

Chuyến bay đầu tiên diễn ra tại sân bay quốc tế hạt Grant (KMWH), bang Washington của Mỹ, vào 21h10 ngày 27/9 (giờ Việt Nam). Chuyến bay kéo dài trong 9 phút 3 giây ở độ cao 1.067m.

Chủ tịch kiêm CEO Eviation Gregory Davis cho biết: "Hôm nay đánh dấu kỷ nguyên mới của ngành hàng không. Lần đầu tiên chúng ta đã điện khí hóa thành công máy bay với chuyến bay đầu tiên không thể nào quên của Alice. Giờ đây, thế giới sẽ lần đầu tiên biết đến một ngành hàng không giá cả phải chăng, sạch sẽ và bền vững là như thế nào trên một chiếc máy bay chạy hoàn toàn bằng điện.

Cột mốc mang tính đột phá này sẽ dẫn đầu sự đổi mới du lịch hàng không bền vững, và định hình cách chúng ta di chuyển trong tương lai".

Chiếc tàu bay điện này có thể chở 9 hành khách và hai phi công. Đuôi dạng chữ T, cánh quạt gắn ở đuôi trông khá độc đáo. Theo Eviation, Alice có phạm vi hoạt động 250 hải lý (463 km), tốc độ tối đa 482 km/h với động cơ Magni650 640 kilowatt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại