"Hàng đã về" lính không quân vui như mở hội với tiêm kích Su-27SK: Indonesia tăng lực

Tuấn Sơn |

Hôm 03/08 vừa qua, sau chặng bay dài nhiều nghìn km, chiếc máy bay vận tải hạng nặng khổng lồ Antonov An-124-100M-150 đã đưa 2 chiếc tiêm kích Su-27SK về với Không quân Indonesia.

Su-27SK nằm sân quá lâu...

Sau chuyến bay dài từ Belarus, chiếc máy bay vận tải hạng nặng Antonov An-124-100M-150 (số đăng ký UR-82009) đã nhẹ nhàng đáp xuống căn cứ sân bay quân sự Sultan Hasanuddin ở Makassar, Sulawesi, bàn giao cho Không quân Indonesia 2 chiếc tiêm kích Su-27SK vừa được sửa chữa xong.

Theo trang fajaronline.com, 2 chiếc tiêm kích Su-27SK (số hiệu chiến đấu trên thân TS-2701 và TS- 2702) này thuộc biên chế phi đội 11 nằm trong đội hình liên đội không quân số 5 của Không quân Indonesia đồn trú tại căn cứ sân bay trên.

Hàng đã về lính không quân vui như mở hội với tiêm kích Su-27SK: Indonesia tăng lực - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-27 và Su-30MK của Không quân Indonesia.

Chúng đã được đưa tới Nhà máy Sửa chữa máy bay số 559 của Công ty OJSC ở Baranovichi, Belarus để bảo dưỡng, sửa chữa trước khi bào giao lại cho Không quân Indonessia vào hôm 03/08/2017.

Cả 2 chiếc tiêm kích Su-27SK (số hiệu nhà máy 36911040103 và 36911040205) được sản xuất bởi Liên hiệp chế tạo máy bay thành phố Thanh niên cộng sản bên sông Amur (KnAAZ) và bàn giao cho Không quân Indonesia từ tháng 8/2003 cùng 2 tiêm kích đa năng Su-30MK (2 người lái) và 2 trực thăng tấn công Mi-35P.

Đây là số máy bay được sản xuất theo hợp đồng ký giữa không quân Indonesia với Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport trị giá 192 triệu USD có hiệu lực từ tháng 4/2003.

Trước đó, những chiếc Su-27SK này được một máy bay vận tải hạng nặng An-124-100 của Hãng vận tải hàng không Volga-Dnepr (Nga) chở đến Baranovichi (Belarus) ngày 09/12/2015.

Theo dữ liệu công khai trên diễn đàn quân sự nổi tiếng của Nga là airforce.ru, cả 2 chiếc Su-27SK này của Không quân Indonesia được sử dụng rất hạn chế mà không rõ lý do. Tổng số giờ bay của chúng lần lượt là 693 giờ và 348 giờ, có nghĩa là, tính tới thời điểm phải sửa chữa, số giờ bay bình quân 1 năm của chúng chỉ từ khoảng 30 cho tới 58 giờ.

Hàng đã về lính không quân vui như mở hội với tiêm kích Su-27SK: Indonesia tăng lực - Ảnh 2.

Đội hình máy bay tiêm kích họ Sukhoi đông đảo của Không quân Indoneisa.

Số giờ bay của các chiến đấu cơ như thế là thấp so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á và là rất thấp so với trung bình trên thế giới. Nguồn dữ liệu trên còn tiết lộ, vài năm trước khi được đưa đi sửa chữa ở Belarus, cả 2 máy bay này đều ở trong tình trạng "đắp chiếu", không thể bay được.

Tiếp sau đó, trong năm 2010, theo hợp đồng mới, Không quân Indonesia lại nhận thêm 3 chiếc tiêm kích Su-27SMK hiện đại háo (số hiệu chiến đấu trên thân từ TS-2703 tới TS-2705), cũng được sản xuất bởi KnAAZ, và được bổ sung cho phi đội không quân số 11 đóng ở căn cứ sân bay quân sự Sultan Hasanuddin.

... đến lượt Su-30MK

Tại thời điểm này, 2 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK đầu tiên của Không quân Indonesia (số hiệu chiến đấu trên thân TS-3001 và TS-3002; số hiệu sản xuất của nhà máy 79810384513 và 79810384614) nhận cuối năm 2003 cũng đang bắt đầu được sửa chữa tại Nhà máy Sửa chữa máy bay số 559 ở Baranovichi, Belarus.

Các máy bay Su-30MK này cũng thuộc biên chế phi đội 11 và được sửa chữa theo hợp đồng cùng với 2 chiếc tiêm kích Su-27SK kể trên. Kể từ năm 2015, 2 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK đã bị rút ra khỏi biên chế từ năm 2015, sau đó chúng được chuyển từ căn cứ Sultan Hasanuddin tới Baranovichi vào ngày 15/03/2017 trên máy bay vận tải hạng nặng An-124.

Hàng đã về lính không quân vui như mở hội với tiêm kích Su-27SK: Indonesia tăng lực - Ảnh 3.

Tiêm kích F-16 (ở gần) của Không quân Indonesia.

Có thể thấy, loạt máy bay chiến đấu hiện đại gồm 2 Su-27SK và 2 Su-30MK mà Không quân Indonesia nhận từ Nga năm 2003 trong những năm gần đây đều có thời gian nằm sân, không thể bay khá lâu, cụ thể đã là khoảng 5 năm với Su-27SK và 2 năm với Su-30MK.

Căn cứ vào tiến độ sửa chữa Su-27SK mất gần 2 năm, có thể dự đoán rằng 2 chiếc Su-30MK của Không quân Indonesia cũng sẽ mất chừng ấy thời gian ữa phải nằm trong Nhà máy 559, trước khi được bay thử, nghiệm thu kỹ thuật và bàn giao lại cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu.

Thậm chí, thời gian sửa chữa Su-30MK có thể còn dài hơn vì dòng máy bay tiêm kích đa năng này chứa nhiều công nghệ hiện đại, tinh vi hơn so với Su-27SK.

Chắc chắn các sĩ quan, binh sĩ rất sốt ruột với tình trạng máy bay chiến đấu hiện đại, xương sống của lực lượng Không quân nước này phải nằm sân quá lâu. Nay "hàng đã về", lính không quân Indoneisa còn chờ gì nữa mà không mở hội ăn mừng, chung vui với sự kiện trọng đại của hợp đồng đặt mua hơn 10 chiếc tiêm kích Su-35 hiện đại của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại