Hạm đội tàu ngầm Nga "đe" ai khi chỉ là... cái bóng thời Liên Xô?

Hải Vy |

Theo chuyên gia Michael Kofman, lực lượng tàu ngầm Nga mới bừng tỉnh sau cơn hôn mê và đang đặt ra thách thức cho NATO, song điều đó chưa thấm vào đâu so với thời Chiến tranh Lạnh.

Nga tăng cường hoạt động tàu ngầm

Trong bài viết trên đài CNN (Mỹ), nhà phân tích Michael Kofman cho biết, hạm đội tàu ngầm của Nga đã cựa mình trở lại, sau 2 thập kỷ "ngủ đông" do không có đợt tuần tra nào hoặc không có đủ tiền để tiến hành chúng.

Nhiều báo cáo tuần trước cho biết, các tàu ngầm tấn công của Nga đã "lảng vảng" quanh bờ biển Scotland, Scandinavia và Địa Trung Hải với tần suất chưa từng thấy trong nhiều năm qua.

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh hầu hết quốc gia thành viên NATO đang sao nhãng, hoặc thậm chí đã hoàn toàn bỏ bê năng lực tác chiến chống ngầm từ khi các hoạt động dưới nước của Nga vắng bóng hơn.


CNN đưa tin Nga đang tăng cường đáng kể quy mô và hoạt động của lực lượng tàu ngầm.

CNN đưa tin Nga đang tăng cường đáng kể quy mô và hoạt động của lực lượng tàu ngầm.

Cần lưu ý rằng, mối quan hệ chính trị giữa Nga và NATO khá căng thẳng nhưng không có nhiều biến động về quân sự, trong khi đó, lực lượng tàu ngầm Nga vẫn chưa được triển khai đầy đủ, nhiều chiếc thậm chí đang bị gỉ sét ăn mòn tại cầu tàu.

Sau tai nạn thảm khốc năm 2000 của tàu ngầm Kursk (lớp Oscar), khiến toàn bộ thủy thủ trên tàu thiệt mạng, các hoạt động của lực lượng tàu ngầm Nga gần như bị đình chỉ hoàn toàn.

Trong lúc này, Hải quân Mỹ tập trung hỗ trợ các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, Libya và lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh không-biển có thể xảy ra ở Thái Bình Dương.

Còn các lực lượng hải quân châu Âu góp sức vào các hoạt động cướp biển và nhiều sứ mệnh đa quốc gia khác thay vì lo đối phó với đối thủ ngang hàng như Nga.

Tàu ngầm nguyên tử Kursk sau khi được trục vớt
Tàu ngầm nguyên tử Kursk sau khi được trục vớt

Sau thời kỳ đó, hoạt động của tàu ngầm Nga tăng nhẹ, ở mức ổn định. Những thay đổi thực sự bắt đầu sau chương trình hiện đại hóa quân đội mà Nga thông báo năm 2011.

Lực lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công từ thời Xô Viết đã được tân trang và hiện đại hóa, tăng khả năng trở lại tuần tra trên biển.

Trong khi đó, các thế hệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới đang được triển khai trong Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương, khôi phục khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Nga.


Tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk đề án 885 lớp Yasen.

Tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk đề án 885 lớp Yasen.

Một lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân mới tinh vi hơn, yên tĩnh hơn sẽ sớm sẵn sàng hoạt động, chiếc đầu tiên trong lớp hiện vẫn đang trải qua các thử nghiệm trên biển.

Thế hệ tàu ngầm mới, định danh là Yasen, đã giúp Nga thu hẹp khoảng cách lớn với Hải quân Mỹ về ưu thế công nghệ và đặc biệt, đây chính là chiếc tàu ngầm khiến các quan chức quốc phòng phương Tây lo lắng.

Trước đây, lực lượng tàu ngầm Liên Xô có nhiều lợi thế - như tốc độ cao, khả năng lặn sâu hơn, số lượng lớn - nhưng lại rất ồn ào và dễ dàng bị phát hiện.

Trước nguy cơ tàu ngầm Nga tiến vào Đại Tây Dương thông qua eo biển giữa Iceland, Greenland và Anh (nơi thường diễn ra các hoạt động săn tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh), nhiều đồng minh của Mỹ- như Anh - đã đầu tư trở lại hàng tỷ USD để mua máy bay tuần thám P-8.

Căn cứ không quân Keflavik tại Iceland đang được khôi phục lại, trong khi một số quốc gia khác đang trông chờ các tàu ngầm phi hạt nhân riêng để củng cố sự hiện diện hải quân tại các vùng biển Bắc và biển Baltic.

Sự thay đổi rõ nét nhất là ở Biển Đen và Đông Địa Trung Hải. Tại đây, Nga đang triển khai 1 hạm đội với 6 tàu ngầm lớp Kilo cải tiến, trang bị tên lửa hành trình chống tàu và tấn công mặt đất Kalibr.

Tàu ngầm Kilo của Nga phóng tên lửa Kalibr tiêu diệt IS

Cùng với lực lượng hải quân thường trực của Nga ngoài khơi Syria, hạm đội tàu ngầm cho phép Nga cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Địa Trung Hải, nơi các hạm đội Mỹ thường xuyên luân chuyển để hỗ trợ hoạt động của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) ở Iraq và Afghanistan.

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga hứa hẹn sẽ có một hạm đội tương tự, bổ sung cho các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hiện đại hóa đang đóng quân tại đây.

Có phải mối đe dọa lớn?

Những thay đổi này khá đáng lo ngại, trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác như lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc hay khả năng tác chiến chống ngầm mà Mỹ hoặc nhiều đồng minh châu Âu đang thiếu hụt.

Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng tàu ngầm Nga chỉ là cái bóng của hạm đội tàu ngầm đáng sợ thời Liên Xô (với số lượng lên tới hàng trăm chiếc).

Bất chấp những tuyên bố của Moscow về khả năng sẵn sàng hoạt động, giới chuyên gia đánh giá chỉ một nửa lực lượng tàu ngầm Nga là có thể triển khai ra biển bất cứ lúc nào, còn phần lớn rất cần được hiện đại hóa.

Dù được tán dương nhưng những thiết kế mới như lớp Yasen vẫn tiếp tục gặp phải nhiều vấn đề, thử nghiệm trên biển kéo dài tới mấy năm.

Trong khi đó, kế hoạch đóng mới cả 2 loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm tấn công hạt nhân đều bị trì hoãn. Ngoài ra, chương trình đóng tàu của nước này nói chung đang hứng chịu nhiều nghi ngờ do những khó khăn kinh tế mà Nga gặp phải.

Nga cũng chưa phát triển được hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) cho các tàu ngầm phi hạt nhân, hoặc triển khai thiết kế tàu ngầm diesel-điện mới để thay thế tàu ngầm Kilo.

Nhờ có tên lửa Kalibr, lực lượng tàu ngầm Nga đã cải thiện đáng kể khả năng tấn công mặt đất để bắt kịp với mẫu tên lửa Tomahawk mà Mỹ triển khai từ lâu, nhưng với số lượng trang bị nhỏ hơn nhiều.

Và dù tần suất hoạt động của lực lượng tàu ngầm Nga đã tăng đáng kể, theo tuyên bố của các quan chức cấp cao hải quân Nga, song những con số đó chỉ ấn tượng nếu đem so với thời đầu những năm 2000, khi tàu ngầm chẳng mấy khi được sử dụng.

Những nhận định trong các báo cáo cho rằng lực lượng tàu ngầm Nga đang hoạt động với "cấp độ thời Chiến tranh Lạnh" chỉ là phóng đại mà thôi. Điều đó không thể xảy ra.


Theo nhà phân tích Michael Kofman, lực lượng tàu ngầm Nga ngày nay chỉ là cái bóng của hạm đội tàu ngầm Liên Xô.

Theo nhà phân tích Michael Kofman, lực lượng tàu ngầm Nga ngày nay chỉ là cái bóng của hạm đội tàu ngầm Liên Xô.

Đây là một lực lượng mới bừng tỉnh sau "cơn hôn mê", đang đặt ra những thách thức quen thuộc cho NATO tại Địa Trung Hải và Bắc Đại Tây Dương, song điều đó không thấm vào đâu so với các hoạt động của tàu ngầm Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Tất nhiên, trong bối cảnh Hải quân Mỹ đã thu hẹp quy mô, đặc biệt là ở mặt trận châu Âu và những lỗ hổng trong năng lực tác chiến tinh vi của các đồng minh NATO, thậm chí một lực lượng nhỏ như thế này cũng có thể mang lại rủi ro và gây khó khăn cho việc phát hiện, tìm kiếm.

Vì thế, các quan chức quân sự cũng đúng khi lo ngại trong bối cảnh mối quan hệ bất ổn định và đối đầu Nga như hiện nay.

Nhìn chung, lực lượng tàu ngầm Nga chỉ là một phần trong chương trình khôi phục toàn diện quân đội của Moscow, đóng vai trò như một cụ hữu ích để củng cố sức mạnh quốc gia.

Dẫu vậy, khả năng Nga có duy trì được cấp độ hoạt động này hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Michael Kofman

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại