Giới Ngoại giao và Quân sự Nga mâu thuẫn về Cam Ranh

Thiên Nam |

Các quan chức ngoại giao và giới học giả Nga không đồng tình với phát biểu của giới chức quốc phòng nước này về vấn đề Nga trở lại Cam Ranh.

Việt Nam không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự

Bài viết trên hãng thông tấn đa phương tiện và phát thanh Sputnik Nga cho biết, ngày 13/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã tuyên bố rằng, lập trường nhất quán của Việt Nam là "không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam".

"Lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Tất cả các luận điểm tôi đã nêu là không thay đổi" - ông Lê Hải Bình nói.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết, trong thời gian, qua quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Nga cũng như với các đối tác lớn khác trên thế giới đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ.

Việt Nam luôn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Các chuyên gia Nga lưu ý rằng, tuyên bố này đã được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận của giới truyền thông Nga về việc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đang xem xét khả năng "quay trở lại" Cuba và Việt Nam, nơi trước đây đã có căn cứ quân sự Liên Xô (Nga).

Đây là điều mà Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov đã đề cập đến hồi tuần trước, trong buổi điều trần trước Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga về việc nước này sẽ lập căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous, thuộc tỉnh Latakia của Syria.

Giới Ngoại giao và Quân sự Nga mâu thuẫn về Cam Ranh - Ảnh 1.

Hai tàu chiến Nhật Bản Ariake (DD109) và Setogiri (DD156) sang thăm cảng Cam Ranh ngày 12/4/2016

Thứ trưởng Nikolai Pankov công bố trước Hạ viện Nga rằng, Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét khả năng trở lại căn cứ quân sự ở các nước đã từng bố trí trong thời Liên Xô như Việt Nam và Cuba. "Chúng tôi nhìn thấy vấn đề quan trọng này và đang tiến hành công việc đó" - ông Pankov nói.

Tiếp theo đó, Phó Chủ tịch đảng "Nước Nga công bằng" Oleg Nilov phát biểu trong phiên họp của Duma Quốc gia Nga về việc phê chuẩn Hiệp định với Syria về triển khai nhóm Không quân Nga vô thời hạn rằng, Nga nên trở lại các căn cứ quân sự ở Việt Nam và Cuba.

"Nếu cần thiết, thì những căn cứ như vậy, cần trở lại cả ở Việt Nam và Cuba. Nếu người ta không muốn nói chuyện với chúng ta bằng ngôn ngữ ngoại giao, thì chúng ta sẽ đấu tranh với các mối đe dọa trên thế giới. Điều đó áp dụng trước hết với những tổ chức tân phát-xít Nhà nước Hồi giáo IS và tất cả những kẻ bảo trợ chúng" - ông Oleg Nilov nói.

Bộ ngoại giao Nga không hài lòng về phát ngôn của Bộ quốc phòng

Trong một cuộc phỏng vấn với "Sputnik", một quan chức có thẩm quyền muốn ẩn danh của Bộ Ngoại giao Nga bình luận về cuộc tranh luận này như sau, giới truyền thông Nga không cần phải xôn xao, bởi "không có gì mới, không có gì giật gân trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam".

Cảng Cam Ranh đã từng được 2 cường quốc lớn nhất thế giới sử dụng. Năm 1965, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho phép Mỹ sử dụng Cam Ranh làm căn cứ quân sự. Đến năm 1972, Mỹ bàn giao căn cứ này cho quân đội Sài Gòn.

Sau đó, quân cảng nằm ở vị trí trọng yếu bên bờ Biển Đông này là địa điểm mà hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Liên Xô (sau này là Nga tiếp quản) thuê làm căn cứ quân sự trong 24 năm, từ 1979 đến 2002.

Năm 2002, Nga đã quyết định rút khỏi căn cứ quân sự Cam Ranh và sau đó Việt Nam đã tuyên bố rằng, ở Việt Nam sẽ không có các căn cứ quân sự nước ngoài. Lập trường nhất quán của Việt Nam là cơ sở hạ tầng của các căn cứ phải được sử dụng vì lợi ích của đất nước.

Từ đó, lập trường nhất quán của Nga khi bàn bạc về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, đặc biệt là về cảng Cam Ranh và Biển Đông cũng dựa trên quan điểm mà Việt Nam đã công bố.

Do đó, tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov về việc Bộ quốc phòng Nga đang xem xét khả năng quay trở lại các căn cứ cũ, ví dụ như ở Việt Nam là đáng ngạc nhiên, bởi vì giới chức lãnh đạo Nga không ai đặt ra vấn đề như vậy.

Nhà khoa học chính trị, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov cũng nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng, Việt Nam hoạt động theo phương châm chiến lược nhất quán của mình là bảo vệ các lợi ích quốc gia, dựa trên những nguyên tắc chủ đạo bất biến.

Trước đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định chính sách "ba không": Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Giới Ngoại giao và Quân sự Nga mâu thuẫn về Cam Ranh - Ảnh 2.

Căn cứ Cam Ranh đã từng được cả Liên Xô và Mỹ sử dụng

Việt Nam đã nghiêm túc thực thi chính sách này nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia. Về mặt này Việt Nam có ưu thế nổi bật so với các nước láng giềng, ví dụ như Thái Lan, Philippines, mà trên lãnh thổ các nước đó có bố trí các căn cứ quân sự Mỹ.

Việt Nam không cho nước nào bố trí căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình và chỉ sử dụng cơ sở hạ tầng ở Cam Ranh để cung cấp hậu cần cho các tàu chiến nước ngoài hoạt động ở Biển Đông và Thái Bình Dương, các tàu chiến Nga cũng được cấp dịch vụ sửa chữa kỹ thuật, nạp nguyên liệu.

Tàu chiến của Mỹ và những quốc gia khác như Nhật Bản và thậm chí là cả Trung Quốc khi tiến hành các hoạt động trên Biển Đông cũng được mời cập cảng này, nếu đạt được các thỏa thuận với phía Việt Nam.

Gần đây các tàu hải quân của một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đã đến thăm hỏi, giao lưu với hải quân Việt Nam tại Cam Ranh. Khu trục hạm USS John S. McCain và tàu tiếp liệu USS Frank Cable của Mỹ hồi đầu tháng 10 cũng đã lần đầu tiên ghé thăm Cam Ranh.

Vì vậy, không có thông tin gì giật gân từ phát biểu của Bộ Ngoại giao Việt Nam như tin đưa trên các phương tiện truyền thông thế giới, tất cả mọi việc đang diễn ra như bình thường như nó vốn có.

Chỉ có việc không hiểu tại sao giới chức lãnh đạo quân sự không chú trọng tới đường lối chính trị mà Việt Nam đang thực thi trong những năm qua. Đáng lẽ Bộ quốc phòng Nga nên kiềm chế không đưa ra những tuyên bố mà chưa thống nhất với Bộ Ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại