Ca sỹ Phương Thanh: Con cái là tương lai của mình

Phương Thanh là một trong số ít ca sĩ mà những người tiếp xúc với cô luôn có cảm giác chân thành.

 

Vẫn là thẳng, thật của bản chất

Hơn 20 năm khán giả biết đến Phương Thanh và họ vẫn muốn nghe lại định nghĩa "thẳng, thật” về con người của chị.

- Thẳng, thật nó nằm ở bản chất, mà bản chất thì nó theo mình cả đời. Xã hội này có rất nhiều hạng người mà mình không thể nhìn thấy hết được. Thẳng, thật ở đây là bản chất đẹp chứ không phải bản chất xấu. Thẳng là thẳng thắn và thật là chân thật.

Xã hội này mình không thể làm vừa lòng hết tất cả mọi người. Mình cứ sống đúng với những gì trời cho mình, cha mẹ sinh con trời sinh tính mà. Nếu tôi có làm gì sai thì trời phạt.

Nhưng đã là người của công chúng người ta buộc lòng phải giữ hình ảnh, không phải cho riêng mình mà còn cho những người bên cạnh mình. "Câu chuyện Nini Khanh” vẫn có thể nhắc mãi?

- Lúc đó tôi chỉ có 20 mấy tuổi . Tuổi trẻ cho bạn sự nóng tính và xử trí mọi việc theo một lý lẽ riêng. Bây giờ tôi cũng đã gần 40.

Bây giờ Phương Thanh có đằm thắm hơn trước không? Nếu bạn bè chị bị "bắt nạt” thì chị sẽ giải quyết như thế nào?

- Bây giờ Phương Thanh vẫn vậy. Vẫn sẽ cứu bạn vì đó là bản chất của mình, nhưng sẽ có cách giải quyết khác. Bản chất không bao giờ thay đổi, nó chỉ xoay và uyển chuyển theo tình huống.

Tôi dừng lại để   tôi chạy

Khán giả đợi chờ sản phẩm âm nhạc của chị rất lâu và album gần đây nhất thật sự rất khó nghe.

- Nói là album gần nhất nhưng nó cũng đã được phát hành cách đây 2 năm và album "Quay về đây” dù chỉ có 4 ca khúc nhưng cũng đã mất ít nhất là 3 năm để hoàn thành nó. Và "Quay về đây” trước khi phát hành, tôi cũng đã nói nó là một sản phẩm âm nhạc rất khó nghe.

Một album "dự báo thời tiết”, xã hội đang ngày một đi xuống bởi những suy nghĩ ấu trĩ. Nếu tôi làm nhạc thị trường nhiều quá thì bản thân tôi cũng chán. Làm những gì người ta thích mà bản thân mình lại không thích thì sẽ bị "lục nghề”.

Đĩa này tôi làm theo ý thích của tôi. Khi nào tôi nói đĩa này là đĩa thị trường mà mọi người nghe không được thì lúc đó mới là lỗi của tôi. Cái gì mà "Dự báo thời tiết” thì tức là mình chưa trải qua, khi mình đã trải qua thì mình thấy sợ và mình dừng lại.

Chị sợ và chị chững lại?

- Không phải tôi chững lại mà là dừng lại. Làm bất cứ việc gì ai cũng muốn thành công vượt trội hay nói cách khác đó là danh vọng mà mình đặt ra và đeo theo danh vọng rất mệt và cực kỳ tốn sức. Tôi dừng lại để nghỉ ngơi. Nếu bạn chỉ nghĩ cuộc đời này tất cả mọi thứ đều tốt hết thì bạn chưa trưởng thành. Con người trưởng thành là phải vượt qua được tận cùng của đau khổ. Bạn qua được thì bạn là người hạnh phúc.

Khi mình trải qua nhiều thứ thì mình phải gánh vác gia đình, công việc, trách nhiệm…?

- Khi tôi chưa là người của công chúng, tôi đã là người gánh vác. Trong một gia đình, người con nào tốt về tiền bạc, tài chính, người con đó phải lo cho gia đình nhiều nhất. Nhưng trong một gia đình có 4 người con, 3 người con trưởng thành thì gia đình đó quá hạnh phúc, vì anh em chia sẻ gánh vác, bao bọc nhau.

Không hẳn là mình người thành đạt thì mình mới bao bọc gia đình, mà dù mình làm kinh tế không tốt thì mình vẫn phải lo cho gia đình.

Sự gánh vác đó có đôi lúc làm chị cảm thấy mệt mỏi?

- Đối với tôi, gánh vác là cho những người mình giúp đỡ bằng cách cho họ cần câu và cùng họ đi câu cá chứ không câu cá dùm. Tôi sẽ mua 2 cái cần câu và cùng đi ra  câu. Nếu tôi câu được nhiều thì tôi sẽ bù qua cho họ.

Từ trong nhà cho tới xã hội, nếu mình làm ra quá nhiều tiền mà bạn bao bọc hết cho gia đình từ a đến z thì cuộc đời của bạn sẽ bị sai. Mỗi một người sinh ra đều phải làm việc. Người khác chỉ chia sẻ chứ không làm hết cho mình.

Tôi chỉ giúp mua dùm cái cần câu vì họ không có tài chính, nhưng lao động thì họ phải làm. Làm bằng cách nào giúp người ta mới là đúng, chứ làm hết dùm người ta là sai. Để mà cân bằng được, định được cái gì nên làm, cái gì không nên làm thì phải có thứ tự.

"Cha mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương cha mẹ tính tháng tính ngày”. Nhưng nếu "ở đâu đó” ép buộc người con cũng phải lo lắng cho cha mẹ như cha mẹ đã từng lo thì sao?

- Trách nhiệm của người con là phải trả hiếu cho bố mẹ. Đó là điều bắt buộc. Ngày xưa khi ông bà sinh ra bố mẹ thì trách nhiệm của bố mẹ là báo hiếu. Dòng tộc là một sự luân hồi. Ông bà lo cho bố mẹ, bố mẹ lo cho con, con lo cho cháu, như vậy là một vòng xoay thuận chứ không xoay ngược.

Người lớn thì phải bao dung. Ông bà không trách bố mẹ, bố mẹ không trách con, con không trách cháu. Tất cả phải xây dựng cho cái vòng xoay thuận đó thật đẹp. Và càng đi thì càng phải làm tốt hơn điều bố mẹ đã làm cho mình.

Nhưng cũng không nên vì chăm lo cho bố mẹ quá mà bỏ rơi con cháu. Người lớn đừng bắt người nhỏ phải suy nghĩ, đối đãi ngược lại với mình mà phải cho đi xuôi. Vì thế hệ con cháu sau này mới là tương lai của mình

Còn riêng những chuyện con cháu mà đánh bố mẹ, thì người con đó sẽ bị phạt rất nặng. Tội bất hiếu không thể độ lượng. Loại bất hiếu là loại không có trí tuệ. Con người có trí tuệ thì sẽ có suy nghĩ đúng, sai.

Trách nhiệm của mỗi người đều xuất hiện từ cái tâm của mình, không ai ép?

- Phật nói rằng: "Ta đã từng đi con đường đó, nếu các con muốn đi con đường đó thì ta sẽ soi đèn chứ ta không bắt các con đi”. Không ai bắt ai đi đường đó, nhưng tôi đi trước tôi thấy hay thì tôi nói cho mọi người, mọi người thích thì đi theo, không thích thì thôi.

Cảm ơn Phương Thanh về những chia sẻ!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại