Brad Pitt - Gã anh hùng yếu đuối trong Fury

Cẩm Giang |

Anh sẵn sàng đối đầu với bom đạn nhưng lại không đủ can đảm để bật khóc.

Một bộ phim chiến tranh ra rạp vào dịp Halloween xem chừng hơi bị lạc quẻ bên cạnh Annabelle hay Trò chơi gọi hồn nhưng hãy thử cho mình một lý do để thưởng thức Fury, bạn sẽ thấy đó là một sự lựa chọn không tồi. Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng không định chối bỏ việc mình đến với Fury chỉ vì tài tử điển trai Brad Pitt nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tôi trở nên dễ dãi với sản phẩm mới của đạo diễn David Ayer.

Fury lấy bối cảnh những ngày tháng cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Âu, nơi những người lính ra trận với tâm thế: “Giết hoặc bị giết”. Thế nên, bạn cũng đừng giật mình vì những cảnh bắn giết quá đỗi nhẫn tâm. Một buồng xe tăng loang lổ máu, một xe tải chở đầy xác chết hay những con đường ghê rợn đầy xác người bị treo cổ, tất cả đủ để người xem nhìn thấy được tội ác của chiến tranh, của những mất mát mà con người phải gánh chịu nếu không có cuộc sống yên bình.

Nhưng cho dù ở một nơi con người đã quen với cái chết thì một vị chỉ huy như Wardaddy (Brad Pitt) đằng sau gương mặt lạnh lùng và cách nói chuyện như chửi vào mặt đồng đội vẫn có những yếu mềm. Người đàn ông vẫn được gọi là con chuột nhà xí hung hăng đã có lúc ngồi sụp xuống, run rẩy hút thuốc và không giấu được sự sợ hãi.

Wardaddy sợ chiến tranh, sợ mất mát. Thế nên, khi nhìn thấy cậu tân binh Norman, anh đã lạnh lùng mà rằng: “Đừng có thân thiết với bất kỳ ai”. Đó không chỉ là yêu cầu, đó là cách họ giúp nhau vượt qua những khổ đau, dằn vặt và sợ hãi khi đồng đội ra đi. Hơn ai hết, Wardaddy hiểu rằng, chiến tranh không phải là một cuộc chơi, nó là cuộc chiến sống còn và chiến trường là nơi con người thường xuyên phải tạm gác bỏ sự sợ hãi để tự biến mình thành anh hùng.

Người phụ nữ cưỡi chổi và sự mất tích bệnh hoạn trong Gone Girl Người phụ nữ cưỡi chổi và sự mất tích bệnh hoạn trong 'Gone Girl'

Bằng sự dối trá, Nick Dunne đã biến thiên thần của anh thành một người phụ nữ mưu mô và gian xảo.

Song hành bên Wardaddy và đồng đội là Norman, một anh lính hiền lành được huấn luyện để đánh máy 60 chữ một phút chứ không phải để cầm súng. Thế nhưng, ở thời điểm quân Mỹ đang yếu thế, anh phải ra trận. Bài học đầu tiên của anh là giết một tên lính Đức. Chàng trai ấy đã vô cùng sợ hãi, anh vùng vẫy, tuyệt vọng và xin chỉ huy hãy bắn chết mình chứ đừng bắt ép anh ta làm điều tệ hại ấy.

Norman sợ hãi, cầu xin Wardaddy hãy giết anh thay vì bắt anh giết đi một lính Đức.

Norman sợ hãi, cầu xin Wardaddy hãy giết anh thay vì bắt anh giết đi một lính Đức.

Thế nhưng, chiến tranh không cho Norman được quyền mặc cả. Wardaddy thà dùng mọi sức lực để đẩy chàng trai hiền lành qua cánh cửa đầu tiên còn hơn nhìn thấy cảnh anh để đồng đội bị giết chết vì không đủ nhẫn tâm. Để rồi sau đó, chính Wardaddy cũng cảm thấy khổ sở, tổn thương. Giá như anh có đủ sự can đảm để bật khóc như Norman, mọi thứ đối với người chỉ huy có lẽ sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Norman giống với số đông còn lại trên thế giới, những người yêu hòa bình và không muốn bàn tay bị nhuốm máu. Vậy nhưng, anh không còn sự lựa chọn nào khác. Những cuốn sách anh đã đọc không đủ để làm chiến tranh chấm dứt, những đoạn nhạc anh chơi trên cây đàn dương cầm tha thiết đấy nhưng không thể khiến cuộc giao tranh bớt đi tiếng súng. Thế nên, anh phải làm anh hùng, tất nhiên chỉ đối với người Mỹ.

Chính chàng trai đầy sợ hãi ấy đã quyết định ở lại bên Wardaddy để chiến đấu với một tiểu đoàn lính đánh bộ trong khi ba người đồng đội của anh - Boyd Swan (Shia Labeouf), Trini Garcia (Michael Pena), Grady (Jon Bernthal) - cảm thấy do dự. Xem đến đây, có lẽ rất nhiều khán giả sẽ có chung suy nghĩ: Wardaddy nên cùng đồng đội rời khỏi cỗ xe tăng hư hỏng thay vì ở lại để chơi đùa cùng thần chết. Nhưng họ đã tự đưa ra quyết định, rồi cùng chia chai rượu với những người đồng đội có thể sẽ không kịp nói lời tạm biệt và... chiến đấu.

Đó thật sự là một cuộc chiến không khoan nhượng. Và dù tôi có yêu Brad Pitt đến thế nào cũng không thể cho mình quyền hy vọng: sẽ có những chiếc xe hú còi cùng cảnh sát xuất hiện để dẹp loạn cuộc chiến ấy. Fury là một bộ phim mà bạn nhìn thấy rõ sự tổn thương về tâm hồn lẫn thể chất của những người lính.

Sản phẩm mới của đạo diễn David Ayer giúp tôi nhận ra rằng, chiến tranh không phải là một bộ phim với kết thúc có hậu mà ở đó nhân vật các bạn yêu mến luôn dành chiến thắng. Nó là nơi những người lính chấp nhận đổ máu, đau đớn nhưng không đủ can đảm để bật khóc.

Trailer Fury

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Phim sẽ bắt đầu ra rạp từ ngày 31.10.2014.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại