Giải mã "bí quyết" sau chương trình tên lửa: Một thói quen đáng nể của người Triều Tiên

Hải Võ |

Một số nhà phân tích chỉ ra nguyên nhân Triều Tiên đạt được những bước tiến rất nhanh trong chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.

Việc Triều Tiên tuyên bố lần đầu tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), có khả năng phóng tới bang Alaska của Mỹ, làm dấy lên nghi vấn về nguyên nhân đằng sau việc quốc gia bị cô lập về nhiều mặt này nắm bắt được các công nghệ hiện đại với tốc độ đáng nể.

Nền tảng được Moskva hỗ trợ

Các chuyên gia phân tích hình ảnh những tên lửa của Triều Tiên nói rằng chúng mang những đặc điểm rõ ràng của Nga, nhưng hầu hết được Triều Tiên tự thân phát triển dựa trên công nghệ mà họ học tập được qua hàng thập kỷ.

"Tất cả các tên lửa được Bình Nhưỡng hé lộ cho đến lúc này đều có thể truy về nguồn gốc là một vài mẫu tên lửa cũ của Nga mà họ (Triều Tiên) có được vài chục năm trước," ông Zhao Tong, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, đánh giá.

Nhận định của ông Zhao bao gồm loại tên lửa Hwasong-14, được Triều Tiên phóng thử hôm 4/7 với tầm xa ước tính đạt hơn 6.000 km, đủ tiêu chuẩn của ICBM.

Theo ông, động cơ của Hwasong-14 và cả tên lửa đời trước đó, Hwasong-12, đều có nguồn gốc từ loại tên lửa R-27 Zyb của Liên Xô.

Bình Nhưỡng có thể đã tận dụng được cơ hội để sở hữu những kỹ thuật của R-27 Zyb, loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có thể mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 2.400 km, vào năm 1992, nhờ tình trạng hỗn loạn sau khi Liên Xô tan rã.

Sun Xingjie, chuyên gia về chính trị bán đảo ở Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, cho biết vào thời kỳ đầu cuộc Chiến tranh Lạnh, Bình Nhưỡng đã đưa việc chế tạo vũ khí hạt nhân thành một chiến lược cơ bản của quốc gia. Họ được Liên Xô, và sau này là Nga, đóng góp những sự hỗ trợ trọng yếu.

Theo ông Zhao Tong, Liên Xô đã cung cấp cho đồng minh Triều Tiên các chuyên gia cố vấn, chương trình giáo dục và đào tạo, thậm chí cả các bản thiết kế vũ khí. Ban đầu Bình Nhưỡng phát triển loại tên lửa chủ chốt của mình trên cơ sở các tên lửa Scud của Liên Xô hồi thập niên 1970. Họ phát triển thành các loại tên lửa Rodong và Taepodong đời đầu.

Nhiều thế hệ kỹ sư tài năng của Triều Tiên đã được cử sang học tập tại các viện nghiên cứu tên lửa và hạt nhân ở Moskva, như Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna. Các chuyên gia này sau đó trở thành thành viên cốt lõi trong chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.

Giải mã bí quyết sau chương trình tên lửa: Một thói quen đáng nể của người Triều Tiên - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ phóng tên lửa Hwasong-14 ngày 4/7/2017, do hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA công bố

Luôn nỗ lực và không than phiền

Andrei Chang, nhà sáng lập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, cho rằng lý do chủ yếu đằng sau sự phát triển nhanh chóng của chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên thời gian qua là các chuyên gia của nước này không chỉ tài giỏi, được đào tạo tốt, mà còn có thói quen "lao động tận tụy và không than phiền chút nào".

"Các học giả từ những viện nghiên cứu quân sự của Nga nói với tôi rằng trong các bộ phận nghiên cứu tên lửa và kỹ sư thời Liên Xô, những sinh viên giỏi nhất và cần cù nhất đều đến từ Triều Tiên," ông Chang nói.

Sau khi Liên Xô tan rã, Bình Nhưỡng cũng thuê về nhiều chuyên gia Nga. Vào năm 1992 có các báo cáo nói rằng một nhóm nhà khoa học Nga và chuyên gia tên lửa bị bắt giữ khi tìm cách đến Bình Nhưỡng, nhưng đã có nhiều nhóm khác tới và làm việc ở Triều Tiên.

Nhà bình luận quân sự người Trung Quốc, ông Song Zhongping nói: "Không có nhiều điểm tương đồng đặc trưng trong các mẫu [tên lửa] của Trung Quốc có thể tìm được trên tên lửa Triều Tiên. Lý do rất đơn giản: Trung Quốc chưa bao giờ muốn Triều Tiên sở hữu và phát triển tên lửa hiện đại."

Nhưng các lãnh đạo của Triều Tiên đã bỏ qua sự phản đối của Bắc Kinh, bất chấp các lệnh cấm vận nghiêm khắc. Theo ông Song, Bình Nhưỡng rất quyết tâm trở thành "sức mạnh tên lửa dẫn đầu ở châu Á".

Đến nay Triều Tiên vẫn chưa thể đạt được vị thế này, bởi những kỹ thuật từ R-27, được Liên Xô phát triển trong giai đoạn 1968-1988, vẫn lạc hậu so với các loại tên lửa tối tân nhất của Mỹ, Nga, trung Quốc, Ấn Độ hay Israel.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã trao đổi công nghệ tên lửa với Iran, và giúp Tehran phát triển chương trình tên lửa của mình. Ông Song cho hay, một vài công nghệ của R-27 vẫn được nhìn thấy trên các tên lửa Safir và Simorgh của Iran.

Bất chấp các nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nỗ lực của các nhà khoa học Triều Tiên vẫn đưa tên lửa Hwasong-14 đạt khả năng phóng tới Alaska hay Hawaii. Chỉ còn sớm muộn trước khi Triều Tiên phát triển được đầu đạn hạt nhân để gắn trên các loại tên lửa này.

"Họ đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu, dựa trên những quá trình sẵn có và năng lực của mình" ông Andrei Chang khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại