Gia tăng động thái quân sự trên bán đảo Triều Tiên, lo ngại tình hình an ninh Đông Bắc Á

Thế giới hôm nay |

Các tuyên bố và hoạt động quân sự của Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ trong vài ngày đầu năm 2023 đang gây ra những lo ngại cho tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á.

Bắt đầu năm 2023, Triều Tiên đã thực hiện một loạt vụ phóng tên lửa . Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân có mức độ hủy diệt lớn và phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cải tiến, với khả năng tấn công đáp trả chớp nhoáng. Ông Kim Jong Un cho rằng, tình hình hiện nay đòi hỏi nước này tăng cường củng cố sức mạnh quân sự áp đảo nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia cơ bản.

Phía Hàn Quốc đã có những phản ứng tức thì với các tuyên bố từ Triều Tiên. Đầu tuần này, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thông báo việc thành lập một ban giám đốc mới để đưa ra các phản ứng với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Seoul cũng đang thảo luận khả năng tổ chức tập trận hạt nhân chung với Washington.

Gia tăng động thái quân sự trên bán đảo Triều Tiên, lo ngại tình hình an ninh Đông Bắc Á - Ảnh 1.

Hãng tin Yonhap đưa tin, hải quân Hàn Quốc ngày 4/1 đã tiến hành tập trận bắn đạn thật lần đầu tiên trong năm 2023. Cuộc tập trận hải quân thường niên diễn ra tại vùng biển ngoài khơi phía Đông, phía Tây và phía Nam Hàn Quốc nhằm kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hải quân nước này. Để phục vụ cuộc tập trận "cường độ cao", hải quân Hàn Quốc đã huy động 13 tàu, trong đó có 2 tàu khu trục cùng 4 máy bay.

Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng thành lập đơn vị đặc nhiệm máy bay không người lái có khả năng thực hiện các hoạt động giám sát và trinh sát. Động thái trên diễn ra sau khi quân đội Hàn Quốc phát hiện 5 thiết bị bay không người lái của Triều Tiên vượt qua biên giới liên Triều trong ngày 26/12/2022.

Lo ngại tình hình an ninh Đông Bắc Á

Phái viên hạt nhân hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành điện đàm, qua đó chỉ trích tuyên bố tăng cường phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng như số lượng đầu đạn hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, các phái viên của Mỹ, Nhật, Hàn cũng đều cho rằng, hành động của Triều Tiên đang đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Gia tăng động thái quân sự trên bán đảo Triều Tiên, lo ngại tình hình an ninh Đông Bắc Á - Ảnh 2.

Phản ứng trước động thái của Triều Tiên, các quan chức Nhật Bản cho biết, với vai trò là Ủy viên không thường trực, Nhật Bản sẽ thúc đẩy thảo luận vấn đề tên lửa, hạt nhân Triều Tiên tại Hội đồng bảo an, hướng tới phi hạt nhân hóa; vấn đề này cũng sẽ được thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Kishida vào ngày 13/1 tới.

Trong khi đó, Hàn Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ với hành động của Triều Tiên, tuy nhiên tái khẳng định, cánh cửa đối thoại vẫn rộng mở, tùy vào thái độ thiện chí của Triều Tiên trong vấn đề này.

Trong năm qua khi mà Triều Tiên liên tục thử tên lửa, Mỹ và các đồng minh thường xuyên gia tăng áp lực lên nước này với các lệnh trừng phạt và hoạt động tập trận, hợp tác quốc phòng chung, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hay Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đều có xu hướng cứng rắn hơn với Triều Tiên.

Gia tăng động thái quân sự trên bán đảo Triều Tiên, lo ngại tình hình an ninh Đông Bắc Á - Ảnh 3.

Trong khi đó, bảo đảm một lực lượng hạt nhân mạnh mẽ được Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un xem là giải pháp duy nhất để nước này chống lại sức ép và các mối đe dọa từ bên ngoài, do đó Triều Tiên được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân, một thông điệp cứng rắn mà Bình Nhưỡng gửi đến Washington và các đồng minh rằng các biện pháp trừng phạt không có tác dụng ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, các nước này nên quay lại bàn đàm phán với những nhượng bộ.

Theo các nhà quan sát, hiện chưa có bất kỳ một tín hiệu tích cực về việc các nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tương tự như hai hội nghị thượng đỉnh được tổ chức năm 2018 và 2019.

Nhiều chuyên gia nhận định, những diễn biến trong vài ngày qua của năm 2023 cho thấy bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng đáng quan ngại. Bình Nhưỡng không ngừng thử nghiệm các loại vũ khí mới, còn Seoul ngày càng đáp trả mạnh mẽ. Tình huống này tiềm tàng rủi ro là một sự việc đáng tiếc có thể khiến tình hình vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, các dự đoán hiện nay không quá bi quan, cho rằng leo thang căng thẳng sẽ không bùng phát thành xung đột trực diện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại