Thiếu linh kiện, nhà máy thiết giáp hàng đầu Nga chỉ sản xuất 20 xe tăng mỗi tháng

Thu Hằng |

Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn và vi điện tử gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất vũ khí ở Nga.

Thiếu linh kiện, nhà máy thiết giáp hàng đầu Nga chỉ sản xuất 20 xe tăng mỗi tháng - Ảnh 1.

Sản xuất xe tăng tại Uralvagonzavod. Ảnh mã nguồn mở

Theo trang Defense Express, người Nga tuyên bố ý định tăng sản lượng xe tăng lên gấp nhiều lần, nhưng họ đang phải đối mặt với những hạn chế về nguồn cung linh kiện công nghệ ở mức độ đáng kể so với các nước phát triển ở phương Tây.

Tuần trước, Điện Kremlin đã cảnh báo phương Tây rằng tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga sẽ có thể cung cấp cho quân đội Nga 1.600 xe tăng để thay thế những tổn thất đã phải gánh chịu.

Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa chứng minh được người Nga liệu có sản xuất 1.600 xe tăng chỉ trong 1 năm, như cựu Tổng thống Nga Medvedev đã nói, hoặc thậm chí trong 3 năm như lời Tổng thống Putin. Đặc biệt, yếu tố "chất lượng" của những "cú đấm bọc thép" này sẽ như thế nào cũng được quan tâm, khi Nga bắt đầu tháo dỡ các xe tăng cũ T-54 và T-55 để lấy phụ tùng. Điện Kremlin cũng nói về việc thành lập một sư đoàn chủ yếu là xe tăng T-34 đã được phục hồi tại các cơ sở của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga.

Thiếu linh kiện, nhà máy thiết giáp hàng đầu Nga chỉ sản xuất 20 xe tăng mỗi tháng - Ảnh 2.

Bên trong xưởng sản xuất xe tăng của nhà máy Uralvagonzavod. Ảnh mã nguồn mở

Theo tờ Business Insider, Uralvagonzavod – doanh nghiệp chính của Nga chịu trách nhiệm sản xuất xe bọc thép – hiện có tới 30 nghìn nhân viên, dựa trên dữ liệu vào cuối tháng 2/2023. Số lượng công nhân đã được tăng lên nhiều và số ca làm việc cũng tăng trong bối cảnh cuộc xung đột tiếp diễn ở Ukraine. Các công ty quân sự công nghiệp khác của Nga cũng đang đi theo xu hướng tương tự.

Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin trên, nhà máy thiết giáp hàng đầu của ngành công nghiệp quân sự Nga không thể vượt qua mức sản xuất 20 xe tăng mới mỗi tháng. Lý do chính liên quan đến các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt của phương Tây và tình trạng thiếu linh kiện điện tử.

Tất nhiên, một số bộ phận điện tử vẫn tìm đường đến được Nga thông qua các nhà cung cấp sử dụng các con đường khác nhau để né các lệnh cấm và hạn chế thương mại hiện có. Nhưng dòng tài nguyên vật chất này không đủ để thiết lập các hoạt động sản xuất quy mô lớn. Trong khi đó, những chiếc xe tăng hiện đại không thể thực sự hoạt động nếu không có hệ thống điều khiển kỹ thuật số tiên tiến.

Nhưng 20 xe tăng có phải là một con số lớn? Do chiến sự ở Ukraine tiêu hao khá mạnh vũ khí, thiết bị quân sự của cả hai phía.

Thiếu linh kiện, nhà máy thiết giáp hàng đầu Nga chỉ sản xuất 20 xe tăng mỗi tháng - Ảnh 3.

Bên trong xưởng chế tạo xe tăng của Nga. Ảnh: Defense Express

Thiếu linh kiện, nhà máy thiết giáp hàng đầu Nga chỉ sản xuất 20 xe tăng mỗi tháng - Ảnh 4.

Xe tăng tại xưởng của Uralvagonzavod. Ảnh mã nguồn mở

Đó là lý do tại sao Nga cũng đang tích cực nỗ lực đẩy nhanh việc khôi phục các xe tăng cũ, để bù đắp cho sự chênh lệnh giữa các xe bọc thép được sản xuất và xe bị loại bỏ trên chiến trường. Theo các báo cáo phương tiện truyền thông gần đây, ngay cả những mẫu xe tăng cũ như T-54 và T-55 cũng đang được đưa trở lại từ kho lưu trữ dài hạn với mục đích tháo dỡ để lấy các phụ tùng, linh kiện.

Hồi cuối tháng 2/2023, tờ Business Insider đã lưu ý trong ấn phẩm của mình rằng đội ngũ nhân viên của nhà máy Uralvagonzavod, đầu tàu của ngành công nghiệp thiết giáp Nga, hiện có tổng cộng 30.000 nhân viên. Tuy nhiên, công ty này không vượt được ngưỡng sản xuất 20 xe tăng mỗi tháng vì đang thiếu hụt nghiêm trọng chất bán dẫn cần thiết cho sản xuất thiết bị điều khiển hỏa lực.

Các nhà máy sửa chữa xe tăng của Nga có thể "vắt kiệt" tới 70 xe tăng trong một tháng, nhưng chất lượng phục hồi của những chiếc xe này còn gây nghi ngờ.

Thiếu linh kiện, nhà máy thiết giáp hàng đầu Nga chỉ sản xuất 20 xe tăng mỗi tháng - Ảnh 5.

Xe tăng hạng nặng T-10 - phương tiện tiếp theo mà Nga sẽ loại bỏ sau tăng T-54 và T-55. Ảnh: Defense Express

Trong những tháng gần đây, Moskva đã tăng cường tìm nguồn cung các linh kiện điện tử có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí mới. Theo tờ Telegraph, những giao dịch này đang được bảo đảm dưới dạng các mặt hàng gia dụng thông thường, như phụ tùng ô tô, máy giặt hoặc máy ảnh kỹ thuật số. Những sản phẩm này có thể được tháo rời thành các bộ phận riêng lẻ và được tái sử dụng cho mục đích quân sự.

Vì lý do này, Ủy ban Châu Âu đang nỗ lực thiết kế một vòng trừng phạt mới nhằm hạn chế hoạt động của các công ty giúp Nga có được các linh kiện điện tử lưỡng dụng, tức có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại