Duterte mới sang thăm, TQ đã mơ tưởng hão huyền địa vị "thiên triều thượng quốc" Đông Á

Hải Võ |

Động thái "xoay trục" sang Trung Quốc của Philippines hay Malaysia khiến giới học giả người Hoa bắt đầu vẽ ra một "thời đại hoàng kim" mới mà Bắc Kinh làm "anh cả ở Đông Á".

Trung Quốc là trung tâm của một "đại liên minh" Đông Á?

Tiến sĩ Lưu Học Vĩ, chuyên gia khách mời của Trung tâm nghiên cứu chính trị thế giới, Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) gần đây có một bài phân tích, nói rằng sự "xoay trục" từ Mỹ sang Trung Quốc của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là có thật.

Điều này đã tạo ra "lỗ hổng" trong chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương mà chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi 8 năm qua và khiến tình hình biển Đông "tạm lắng" như ý muốn của Bắc Kinh.

Ông Lưu tin rằng sự chuyển dịch thái độ của Manila không phải ngẫu nhiên mà là một xu thế lớn mà Trung Quốc cần nắm bắt để đặt mục tiêu lâu dài và lớn lao là "thiết lập khối đại đồng minh Đông Á", vượt khỏi khuôn khổ các tranh chấp trên biển.

Trong bài phân tích ngày 4/11, nhà bình luận thời sự nổi tiếng Trung Quốc Đinh Đông nhận xét, mục tiêu mà Lưu Học Vĩ đề cập về thực chất chính là khôi phục vị thế "thiên triều thượng quốc" mà Trung Quốc từng có ở Đông Á trong lịch sử cổ đại. Nói cách khác, là xây dựng liên minh mà Bắc Kinh đóng vai trò "hạt nhân".

Ở một mức độ nào đó, mục tiêu mà học giả họ Lưu đề ra có phần tương đồng với các khái niệm "giấc mơ Trung Hoa", "phục hưng dân tộc Trung Hoa" mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần tuyên bố.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Đông, chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 10 của ông Duterte, mà truyền thông Trung Quốc mô tả như một "đại thắng về ngoại giao", trên thực tế không đem lại cho Bắc Kinh nhiều điều đáng mừng đến vậy.

Xét về quan hệ Trung Quốc-Philippines và tình thế của Trung Quốc ở Đông Á hiện nay, nước này đã không hề thu được bất kỳ lợi ích nào.

Hiện trạng thay đổi chỉ là những chuyển biến tích cực hơn trong thái độ của một số chính khách Philippines như tổng thống Duterte, hay việc Bắc Kinh thỏa hiệp và viện trợ quy mô lớn cho Manila.

Duterte cũng mang về các thỏa thuận và hợp đồng hợp tác có tổng giá trị lên đến 24 tỉ USD sau 3 ngày ở Bắc Kinh. Đối với một quốc gia có diện tích, dân số và quy mô kinh tế tương đương một tỉnh của Trung Quốc, đây là khoản đầu tư không nhỏ.

Bên cạnh đó, một thực tế khác được nhìn thấy là ngư dân Philippines đã trở lại bãi cạn Scarborough để đánh cá và Manila "hài lòng" với sự thỏa hiệp của hai nước trong vấn đề này.

Duterte mới sang thăm, TQ đã mơ tưởng hão huyền địa vị thiên triều thượng quốc Đông Á - Ảnh 1.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 20/10/2016. (Ảnh: Xinhua)

Ông Đinh Đông đặt ra vấn đề: Những gì đang diễn ra trên biển Đông về thực chất có thể xem là "thành quả hợp tác" của chính quyền Duterte và chính quyền tiền nhiệm Aquino.

Hồi tháng 7, phán quyết vụ kiện biển Đông, do chính phủ Aquino đệ đơn kiện Trung Quốc, của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông và căn cứ pháp lý của yêu sách "đường lưỡi bò".

Kết quả này được xã hội quốc tế thừa nhận giá trị pháp lý và sẽ không mất giá trị chỉ vì những thay đổi tạm thời trong chính sách đối ngoại của Duterte. Bản thân tổng thống Duterte cũng chưa từng phủ nhận tính hợp pháp của phán quyết.

Đồng thời, chính sách xoa dịu giúp chính quyền Duterte thu được viện trợ và lấy lại quyền đánh cá.

Theo ông Đinh, điều này khiến tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở bãi cạn Scarborough "chỉ còn ý nghĩa tượng trưng". Ông này mô tả, việc này giống như Trung Quốc vui mừng vì Manila "xuống nước", Bắc Kinh gỡ được thể diện nhưng mất một số lợi ích.

Nhiều năm đối đầu, Trung Quốc thu được gì?

Mục tiêu ông Tập Cận Bình đề ra là đưa Trung Quốc thành nước có tiếng nói hàng đầu ở khu vực.

Nhưng việc Trung Quốc cố gắng trở thành "anh cả" bằng cách đối đầu các bên như ở biển Đông hay Hoa Đông, theo tác giả Đinh Đông, không chỉ làm Bắc Kinh mất chỗ dựa về pháp lý từ xã hội quốc tế, mà còn khiến Trung Quốc phải tiêu tốn thêm lượng lớn tiền đầu tư và viện trợ để bù đắp khoảng trống do bị cô lập bởi hành vi của mình.

Khi chính phủ Philippines tự rút khỏi thế đối đầu, "quả bóng" bị đẩy sang sân Trung Quốc và nước này không có sự lựa chọn ngoài "phối hợp nhịp nhàng" với Manila.

"Trung Quốc không hề giống anh cả, mà giống một học sinh mắc sai lầm thì đúng hơn," ông Đinh Đông bình luận.

Duterte mới sang thăm, TQ đã mơ tưởng hão huyền địa vị thiên triều thượng quốc Đông Á - Ảnh 2.

Ngư dân Philippines về cảng Subic với mẻ cá đánh được từ khu vực bãi cạn Scarborough hôm 1/11. (Ảnh: Reuters)

Tiến sĩ Lưu Học Vĩ đưa ra 5 luận cứ cho lý thuyết "đại đồng minh Đông Á" của mình, đó là: Các nước thuộc cộng đồng người da vàng; có nền văn hóa lâu đời dựa trên cơ sở Nho giáo; Trung Quốc giữ vị trí trung tâm Đông Á; ưu thế kinh tế đi lên của toàn thể Đông Á; và tính đồng đều của người dân.

Nhà phân tích họ Đinh bác bỏ tất cả luận điểm của Lưu và khẳng định, nếu các nhân tố trên có thể tổ hợp thành một khối đồng minh ở Đông Á thì liên minh Mỹ-Nhật có lẽ không thể duy trì đến ngày nay.

Bên cạnh thực tế Nho giáo ngày nay không thể trở thành một nền tảng kết nối các nước "quanh Trung Quốc" theo dạng ý thức hệ, nền kinh tế Trung Quốc hiện cũng không thể so sánh với các chỉ số của phương Tây, trong khi cố gắng xây dựng một nhóm hành động theo ý thức chung lấy Bắc Kinh làm chủ đạo dường như bất khả thi.

Trung Quốc từng là đế quốc trung tâm của Đông Á thời cổ đại, nhưng lịch sử hiện đại sẽ không tái diễn.

Ông Đinh Đông cho rằng, điều kiện để các liên minh như NATO hay liên minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương bền vững là các nước thành viên có cùng chế độ xã hội và nhìn nhận các giá trị chung, cũng như sự tương đồng trong chính sách và lập trường về quan hệ quốc tế.

Đối với Bắc Kinh, luận thuyết "Trung Quốc là trung tâm" chỉ là một sự ảo tưởng mang hơi hướng của chủ nghĩa Sô-vanh.

"Chiến lược đối ngoại thực tế của Trung Quốc rõ ràng chưa đủ thành thục, đồng thời gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện, dẫn đến cái giá đánh đổi rất lớn," ông Đinh nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại