Dùng chai lọ nhựa bỏ đi, nhóm sáng chế Việt “điêu khắc” thành bàn ghế: Sáng tạo lạ giúp bảo vệ môi trường

Mạnh Kiên |

Từ chiếc máy in 3D thông thường, nhóm bạn trẻ yêu môi trường sáng tạo ra cách thức dùng rác thải nhựa để có thể in ra những bộ bàn ghế làm bằng nhựa gỗ.

Máy in 3D nhựa tái chế - Sáng tạo với nhiều chất liệu mới

Rác thải nhựa không còn là vấn đề xa lạ đối với người dân Việt Nam nhưng thực trạng báo động này trong nhiều năm qua đã không được nhìn nhận đúng mức.

Tiện dụng và dễ vứt bỏ nhưng nhựa lại rất khó phân hủy khi thải ra môi trường. Hóa chất phụ gia bên trong nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật và tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

Dùng chai lọ nhựa bỏ đi, nhóm sáng chế Việt “điêu khắc” thành bàn ghế: Sáng tạo lạ giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Chung tay với các nỗ lực khắc phục rác thải nhựa trên thế giới, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, từ áp dụng công nghệ sản xuất và tái chế phù hợp với môi trường đến các các chính sách kinh tế tăng thuế bao bì nhựa, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân.

Tuy nhiên, không chỉ là những giải pháp mang tầm vĩ mô mà ngay từ những cách thức xử lý mang tính cá nhân, tập thể cũng đóng góp và mang lại hiệu quả tích cực trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa.

Xuất phát từ niềm đam mê, cùng tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, anh Nguyễn Tiến Ước cùng Nhóm Tái chế nhựa ở TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và triển khai sản phẩm máy in 3D sử dụng nhựa phế liệu.

Đây là một trong những sản phẩm đầu tiên trên thế giới có khả năng in 3D trực tiếp từ nhựa PET – thứ thường sử dụng trong các chai, lọ đồ uống (một trong các loại nhựa phổ biến nhất trên thị trường) cũng như nhựa phế liệu PP.

Dùng chai lọ nhựa bỏ đi, nhóm sáng chế Việt “điêu khắc” thành bàn ghế: Sáng tạo lạ giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Máy in 3D của Nhóm Tái chế nhựa

In 3D ngày nay không phải công nghệ quá mới mẻ. Máy in 3D hoạt động bằng cách sử dụng các vật liệu như nhựa đắp chồng lên nhau và được định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính để tạo ra vật thể ba chiều theo ý muốn.

Tuy nhiên, các máy in 3D thông thường sẽ có những yêu cầu về chất liệu nhựa đầu vào cũng như đòi hỏi loại nhựa chuyên dụng. Có những loại nhựa không phải máy in nào cũng có thể sử dụng và ngược lại, không phải loại nhựa nào cũng có thể dùng trên máy in 3D.

Được đánh giá là ý tưởng sáng tạo và tiên phong trong việc xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa, máy in 3D nhựa tái chế được kỳ vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ trong số những giải pháp chất lượng mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và giải quyết thực trạng rác thải nhựa đáng báo động.

Theo anh Ước – người đứng đầu dự án - máy in nhựa tái chế 3D có khả năng in 3D trực tiếp từ nhựa phế liệu, tái chế các loại nhựa phổ thông trên thị trường như nhựa PET từ các chai lọ nước, hay nhựa phế liệu PP, từ đó làm cơ sở phối trộn với mùn cưa để tạo ra nhựa gỗ.

Điều này cho phép nhóm tạo ra bất kỳ hình dạng sản phẩm nào từ máy in 3D, thậm chí là có thể in 3D bàn ghế gỗ, tượng gỗ, thay thế gỗ tự nhiên, nếu xây dựng được các máy in cỡ lớn.

Dùng chai lọ nhựa bỏ đi, nhóm sáng chế Việt “điêu khắc” thành bàn ghế: Sáng tạo lạ giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 4.

Máy in 3D sử dụng nhựa phế liệu của nhóm đang tạo hình.

Việc in nhựa PP trên thế giới vẫn chưa phổ biến do nhựa PP không dính vào bàn in. Nhưng nhựa PP thực tế lại cho ra sản phẩm rất đẹp, nhẹ, bền dai, an toàn với người sử dụng. Từ loại nhựa tái chế này, người sử dụng có thể tạo ra những sản phẩm hữu ích như có thể làm chi giả, nẹp tay chân với giá thành rất rẻ.

Bằng cách tái chế nhựa PET từ chai lọ và nhựa phế liệu PP, giá thành của các loại nhựa tái chế sẽ được giảm xuống từ 230.000/kg xuống còn dưới 20.000/kg. Nhờ máy in nhựa phế liệu của nhóm, các sản phẩm từ nhựa, nhựa gỗ tái chế sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn đối với nhiều người, đồng thời kéo dài vòng đời của nhựa tái chế.

Từ những sáng tạo nói trên, Nhóm Tái chế nhựa đã và đang triển khai hoạt động nghiên cứu, sáng chế, sản xuất ra máy in 3D dùng nhựa phế liệu theo những cách phối trộn mới, không chỉ trộn mùn cưa để tạo thành nhựa gỗ mà còn dùng trạc thải như gạch, cát, xi măng, bê tông.

Sau thử nghiệm, nhóm nhận thấy sản phẩm tạo ra cũng có độ cứng bền như trộn cùng bột đá, mở ra tiềm năng rất lớn để tái chế thêm cả các thành phẩm xây dựng vứt bỏ ngoài môi trường nhằm tạo ra chất liệu mang đặc tính mới.

Dùng chai lọ nhựa bỏ đi, nhóm sáng chế Việt “điêu khắc” thành bàn ghế: Sáng tạo lạ giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 5.

Lan tỏa và truyền cảm hứng

Người Việt lạm dụng rất nhiều thứ làm từ nhựa, từ cốc nhựa, chai lọ nhựa, bát nhựa, ống hút nhựa… trong mọi hoạt động đời sống, khi ăn uống, tổ chức sự kiện…. Sự bùng nổ của bán hàng take away hay gọi món về nhà trong vài năm gần đây cũng khiến cho lượng nhựa được sử dụng tăng theo.

Với những người có thói quen sử dụng nhựa như trên, một ngày họ có thể vứt bỏ từ một đến vài món đồ làm từ nhựa. Khi nhân con số này với dân số hàng chục triệu của Việt Nam, lượng nhựa thải ra môi trường lớn đến mức nào là điều ai cũng có thể hình dung được.

Nếu cần một con số chính xác hơn, số liệu được Bộ Tài nguyên Môi trường mới đây công bố đã cho thấy một cái nhìn toàn cảnh.

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon và 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Việt Nam cũng đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu về tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6%.

Là dự án tâm huyết và hướng tới tính bền vững, nhóm Tái chế nhựa mong muốn mang đến những sản phẩm vừa có độ bền cơ học, vừa có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao đồng thời góp phần vào công cuộc giảm thiểu rác thải nhựa ngoài môi trường của Việt Nam.

Dùng chai lọ nhựa bỏ đi, nhóm sáng chế Việt “điêu khắc” thành bàn ghế: Sáng tạo lạ giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 7.

Các thành viên trong Nhóm Tái chế nhựa.

Hơn cả, nhóm muốn lan truyền ý tưởng của mình để truyền cảm hứng và tạo nên cộng đồng tái chế nhựa theo công nghệ mới. Bên cạnh phổ biến kiến thức về công nghệ in 3D, nhóm còn đưa ra những hướng dẫn để cải tiến máy in 3D thông thường thành máy in 3D sử dụng phế liệu nhựa.

Chỉ cần thay thế cụm in thường bằng cụm in nhựa tái chế được nhóm sáng chế nghiên cứu, cũng như lắp đặt thêm một số bộ phận cấp nhựa tự động – với chi phí toàn bộ chỉ khoảng 2,5 triệu - bất cứ ai sở hữu máy in 3D cũng có thể thỏa sức sáng tạo phối trộn các chất liệu mới, trong khi vẫn mang đến những đóng góp ý nghĩa cho công cuộc chống rác thải nhựa.

Dự án đã thiết lập sự hợp tác với Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để tiếp tục cải tiến sản phẩm máy in 3D hoàn thiện hơn.

Dùng chai lọ nhựa bỏ đi, nhóm sáng chế Việt “điêu khắc” thành bàn ghế: Sáng tạo lạ giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 8.

Một số thành phẩm được in ra từ máy in nhựa phế liệu của nhóm.

Nhóm Tái chế nhựa kỳ vọng trong tương lai sẽ phát triển loại máy in 3D đa dạng, có khả năng in 3D từ nhiều loại hạt nhựa, từ nhựa PET tái chế đến các loại khác như PVC, PE v.v…

Là sản phẩm ứng dụng phần mềm, công nghệ tiên tiến cùng các kiến thức cơ bản về cơ khí, vật lý, hóa nhựa - Nhóm tái chế nhựa truyền cảm hứng đến cộng đồng về cách thức bảo vệ môi trường đến từ những công cụ đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện - chống rác thải nhựa theo cách dễ dàng nhất nhưng cũng sáng tạo nhất.

Với những đóng góp trên, máy in 3D từ nhựa phế liệu của Nhóm Tái chế nhựa đã được vinh danh trong Hạng mục Ý tưởng của giải thưởng Human Act Prize 2023, khi chứng minh được là sáng kiến đột phá, có tính ứng dụng cao, tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho xã hội, hướng đến một cộng đồng phát triển bền vững.

"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org/

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Dùng chai lọ nhựa bỏ đi, nhóm sáng chế Việt “điêu khắc” thành bàn ghế: Sáng tạo lạ giúp bảo vệ môi trường - Ảnh 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại