Dù thế giới chao đảo, Việt Nam vẫn kiên trì chính sách để thành điểm đến hàng đầu

Dy Khoa |

Trong khuôn khổ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có phát biểu như trên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững" diễn ra vào sáng 17/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ.

Tại đây, Thủ tướng cho biết trong bối cảnh khó khăn vừa qua, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi trong kiểm soát.

Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm lớn, quý báu của Việt Nam: Kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhân dân là người làm nên lịch sử; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống văn hóa, lịch sử phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và bối cảnh thế giới hiện nay; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu còn hạn chế nhưng độ mở lớn, một biến động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong, do đó nền kinh tế cần có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết.

Dù thế giới chao đảo, Việt Nam vẫn kiên trì chính sách để thành điểm đến hàng đầu- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024.

Cùng với đó, Việt Nam xác định xuyên suốt là yếu tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. 

Việt Nam phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.

Cùng với đó, Việt Nam có cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn, mới nổi như chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh…

"Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Dù thế giới có chao đảo thì chúng tôi vẫn kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro. Đây chính là sự cân bằng lớn nhất", Thủ tướng nói.

Tổng Giám đốc WTO: Việt Nam là điểm đến điển hình của phát triển năng động

Đến chiều 17/1 giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF Davos năm 2024.

Theo Bộ Ngoại giao, chia sẻ tại phiên thảo luận ở WEF DAVOS 2024 tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng mang lại thành tựu phát triển của ASEAN hiện nay: Một là, đoàn kết thống nhất trong đa dạng; Hai là, phát huy tính tự lực, tự cường của nội khối và của từng nước; Ba là, thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, lấy người dân làm chủ thể, trung tâm, mục tiêu và động lực của sự phát triển.

Trong phiên này, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng ASEAN có môi trường đầu tư thân thiện và là điểm đến mà các nhà đầu tư, đối tác cùng có lợi. Theo đó, chuỗi cung ứng đang phi tập trung hóa theo hướng chuyển sang một số quốc gia ASEAN, như một phần của quá trình "tái toàn cầu hóa".

Theo bà Okonjo-Iweala, Việt Nam là một điểm đến điển hình với sự phát triển năng động và những câu chuyện tuyệt vời. Điều này không chỉ là một hay một vài quốc gia được hưởng lợi mà cả thế giới được hưởng lợi.

Tờ Bloomberg của Mỹ nhận định nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý 1/2024 và 6,5% trong quý 2/2024. Tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6% trong năm 2024 và 6,4% trong năm 2025.

Kỳ vọng giá cả sẽ tăng ở mức 3,6% trong quý 1/2024 và 4,05% trong quý 2/2024, tăng so với mức 2,9% và 3,3% lần lượt trong quý 1/2023 và quý 2/2023.

Lạm phát trong cả năm 2024 được dự đoán sẽ ở mức 3,5% (so với mức 3% trong năm 2023), trước khi giảm xuống mức 3,2% trong năm 2025. Mức lạm phát được dự đoán này vẫn thấp hơn mục tiêu của chính phủ là 4 - 4,5%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại