Đồng minh thân thiết của Mỹ ở châu Á sắp có thay đổi quan trọng, giúp Mỹ tiếp đạn cho Ukraine

Minh Khôi |

Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết sự thay đổi này đến vào thời điểm không thể tốt hơn.

Đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng của lực lượng phòng không Ukraine và không có giải pháp dễ dàng nào cho tình trạng bế tắc tài chính tại Quốc hội, Washington ngày càng dựa vào các đồng minh để cung cấp hỗ trợ vũ khí khẩn cấp.

Nhật Bản dự kiến trong tuần này sẽ điều chỉnh chính sách, cho phép nước này xuất khẩu tên lửa Patriot sang Mỹ, một động thái sẽ lấp đầy kho dự trữ của Washington. Điều này sẽ mang lại cho Washington sự linh hoạt trong việc gửi thêm lực lượng phòng không tiên tiến tới Ukraine khi Kiev chuẩn bị đáp trả các cuộc không kích của Nga vào mùa đông này.

Theo các quan chức Mỹ giấu tên, sự thay đổi trong quy tắc xuất khẩu quốc phòng của Nhật không đề cập rõ ràng đến hệ thống Patriot nhưng sẽ đáp ứng yêu cầu quan trọng của chính quyền Tổng thống Biden.

Nhật Bản sản xuất tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot hàng đầu của quân đội Mỹ, theo giấy phép của tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ.

Tổng thống Biden đã nêu vấn đề này với Thủ tướng Fumio Kishida hồi tháng 8, trong hội nghị thượng đỉnh 3 bên lịch sử với Hàn Quốc và một lần nữa tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở San Francisco vào tháng trước.

Nhật Bản là quốc gia Đông Á đầu tiên tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.

Nội các Nhật Bản dự kiến sẽ công bố sự thay đổi sớm nhất là vào thứ Sáu. Patriot sẽ không đến thẳng Ukraine. Thay vào đó, Nhật Bản đang xem xét gửi hàng chục tên lửa tới Mỹ để nước này có thể bổ sung nguồn dự trữ dành cho Nhật Bản và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một quan chức cho biết Tokyo vẫn chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể nhưng quyết định về con số dự kiến sẽ được đưa ra "tương đối sớm".

Động thái này được đưa ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong chuyến thăm Washington tuần trước, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng phòng thủ của Ukraine, theo Washington Post.

Hệ thống phòng không của Ukraine đang phải "căng mình" bởi loạt tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Trong khi đó, vẫn chưa có triển vọng về việc các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa sẽ chấp thuận khoản hỗ trợ an ninh bổ sung 60 tỷ USD của Tổng thống Biden.

Cuộc xung đột Hamas-Israel đã làm nhu cầu về Patriot tăng cao. Các đợt không kích nhằm vào quân đội Mỹ ở Trung Đông khiến Lầu Năm Góc triển khai lực lượng phòng không tới khu vực.

Ukraine cho biết họ đã sử dụng hệ thống Patriot để bắn hạ các tên lửa đạn đạo của Nga, bao gồm cả tên lửa Kinzhal phóng từ trên không.

John Hardie, phó giám đốc chương trình Nga tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ, cho biết Patriot "rất, rất hữu ích đối với Ukraine - đây có lẽ là hệ thống phòng không có khả năng nhất của Ukraine".

Động thái của Tokyo đánh dấu một năm có nhiều thay đổi đáng chú ý trong chính sách quốc phòng của nước này, bao gồm việc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và kế hoạch mua hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất. Nước này cũng đang phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến mới với Anh và Ý.

Noriyuki Shikata, thư ký nội các Nhật Bản phụ trách các vấn đề quan hệ công chúng, cho biết việc nới lỏng các quy định xuất khẩu trong tương lai là "bước đầu tiên" trong việc xem xét các hướng dẫn xuất khẩu quốc phòng.

Tuy nhiên, điều này không diễn ra suôn sẻ.

Đảng Dân chủ Tự do (LPD) cầm quyền đã ủng hộ những thay đổi ngay từ đầu, nhưng liên minh của họ, Komeito, một đảng theo chủ nghĩa hòa bình thận trọng với việc mở rộng sức mạnh quân sự của Nhật Bản, đã phản đối trong nhiều tháng. Hai bên nỗ lực đạt được sự đồng thuận trong các lĩnh vực then chốt, trong đó có các chủng loại thiết bị được phép xuất khẩu.

Tháng trước, họ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép xuất khẩu quốc phòng do các công ty Nhật Bản sản xuất nhưng được sản xuất theo giấy phép của Mỹ. Các nhà lãnh đạo LDP lập luận rằng việc không đáp ứng các yêu cầu chuyển giao vũ khí như vậy của Washington có thể cản trở việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ Mỹ-Nhật.

Itsunori Onodera, cựu bộ trưởng quốc phòng, người đứng đầu nhóm làm việc gồm 12 thành viên gồm các thành viên LDP và Komeito đang thảo luận về những thay đổi, nói với các phóng viên: "Đây là một bước ngoặt đối với Nhật Bản thời hậu chiến, nhưng lập trường của chúng tôi với tư cách là một quốc gia hòa bình vẫn không thay đổi".

Quyết định này được mong đợi sẽ là sửa đổi đầu tiên đối với các quy định xuất khẩu quốc phòng của Nhật Bản kể từ năm 2014, sẽ cho phép dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu quốc phòng.

Một quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này cho biết: "Quyết định này đến vào thời điểm không thể tốt hơn".

John D. Hill, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc giám sát phòng thủ tên lửa và không gian, nói rằng phòng không có lẽ là nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine lúc này.

Lầu Năm Góc, vốn đã cắt giảm một khẩu đội được giao cho Ukraine, hồi tháng 10 tuyên bố rằng họ đang triển khai các đơn vị phòng không tới Trung Đông để bảo vệ quân đội Mỹ ở Iraq và Syria trước các cuộc tấn công do các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn phát động. Việc triển khai đó, cùng với những hoạt động khác, sẽ hạn chế hơn nữa số lượng hệ thống và thiết bị đánh chặn hiện có.

Nỗ lực của Ukraine phá thủng phòng tuyến Nga ở sông Dnipro hóa chiến dịch "tự sát"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại