Động lực nào đứng sau chương trình thám hiểm không gian đầy tham vọng của Trung Quốc?

Aozora |

Khi nói đến cuộc đua giữa các cường quốc trong lĩnh vực không gian vũ trụ, Trung Quốc xem ra vẫn là một “tân binh” mới nổi.

Song chỉ 15 năm sau lần đầu tiên đưa một phi hành gia bay vào quỹ đạo, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công một tàu tự hành xuống phần tối của Mặt trăng.

Và trong vài thập kỷ tới, họ đã lên kế hoạch xây dựng không chỉ một trạm vũ trụ mà cả một căn cứ quy mô trên Mặt trăng, và xa hơn nữa là tiến hành các sứ mệnh khám phá sao Hỏa.

Điểm đáng lưu ý là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai đưa ra lời ủng hộ "giấc mơ không gian" cùng với những khoản đầu tư khổng lồ về tài chính. Trong lúc đó, giới truyền thông tại quốc gia đông dân nhất hành tinh này liên tục ca ngợi "giấc mơ không gian" là một bước đi trên con đường "phục hưng Tổ quốc".

Vậy đâu là lý do khiến Trung Quốc hăm hở đến thế nhằm đánh dấu sự hiện diện của mình trong không gian vũ trụ, và điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với phần còn lại của thế giới?

Con đường Tơ lụa trong không gian

Theo nhận định của giáo sư Keith Hayward, thành viên Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Liên hiệp Vương quốc Anh, tham vọng của Trung Quốc đang được dẫn dắt bởi nguồn động lực giống như của Mỹ, Nga và những quốc gia khác.

Đầu tiên là yêu cầu từ phía quân đội, mà nếu không có nó thì "bạn sẽ chẳng nhận được nổi một nửa số kinh phí hoạt động đâu".

Thứ hai, đó là "một cách hay để thể hiện mình". "Bạn có thể gọi đây là một Con đường Tơ lụa trong không gian – nó cho thấy Trung Quốc là một thế lực đáng được để mắt tới," giáo sư Hayward lưu ý.

Thứ ba là vì nguồn tài nguyên trong vũ trụ cho đến nay vẫn chưa được khai thác, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi không tưởng cho bất kỳ ai tìm ra chúng.

"Đó là bộ ba động lực truyền thống đã thôi thúc sự đầu tư vào lĩnh vực không gian trong phần lớn của khoảng thời gian hơn 50 năm qua," ông phát biểu với hãng tin BBC.

Sự kiện tàu Hằng Nga 4 đáp xuống Mặt trăng vào tháng Một năm 2019 xem ra hoàn toàn phù hợp với hạng mục thứ hai – giúp đưa Trung Quốc nổi bật lên thành một thế lực đáng gờm, cả trong phạm vi khu vực lẫn trên bình diện quốc tế.

Động lực nào đứng sau chương trình thám hiểm không gian đầy tham vọng của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Hình ảnh gây tiếng vang với giới khoa học trong những ngày đầu năm mới 2019

"Đó là một việc cực kỳ, cực kỳ đáng mừng khi đã được hoàn thành," giáo sư Hayward nói. "Nó nói lên rằng, ‘chúng tôi có thể chưa đưa được người lên Mặt trăng, nhưng chúng tôi sắp làm được đến nơi rồi’. Và nó cũng gửi thông điệp đến các nước láng giềng – đó là một cách hay để thể hiện quyền lực ‘mềm’, kèm theo một chút ‘cứng’ nữa."

Bản thân những người Trung Quốc cũng thẳng thắn nói về giá trị của chương trình thám hiểm không gian trong vai trò nâng cao vị thế của đất nước trên bình diện toàn cầu.

"Thám hiểm Mặt trăng là sự phản ánh sức mạnh toàn diện của đất nước," giáo sư Ouyang Ziyuan – một trong những nhà khoa học hàng đầu cả nước – nói với tờ Nhân dân Nhật báo vào năm 2006. "Điều đó rất quan trọng để nâng tầm vị thế quốc tế của chúng ta và tăng cường tinh thần đoàn kết toàn dân."

Một cuộc chạy đua không gian mới?

Song đó không phải là vị thế có thể gây quan ngại cho các quốc gia như Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tiết lộ kế hoạch cho "Lực lượng Không gian Mỹ" vào tháng Tám năm 2018, và phát biểu rằng kế hoạch này là cần thiết bởi "các đối thủ của chúng ta đã biến không gian vũ trụ thành một chiến trường trọng yếu rồi". Vào thời điểm đó, câu nói này được hiểu là một đòn nhắm tới cả Nga lẫn Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp thành tựu mới đây nhất cũng như các kế hoạch tương lai của Trung Quốc, giáo sư Hayward dường như không nghĩ rằng Mỹ cần phải lo lắng gì cả.

Động lực nào đứng sau chương trình thám hiểm không gian đầy tham vọng của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Hình ảnh cho thấy bước đột phá của Trung Quốc so với các quốc gia khác

"Mỹ vẫn là một nước chi tiêu mạnh tay, rất mạnh tay – không nhất thiết là qua NASA, mà cả Lầu Năm Góc nữa," ông nói. "Tôi không tin Trung Quốc có thể sánh ngang được với mức độ chi tiêu đó."

Nhưng liệu đây có phải là một cuộc chạy đua không gian mới? Nói cho cùng, sự kiện tàu Hằng Nga 4 đáp xuống Mặt trăng diễn ra chỉ vài ngày sau khi tàu thăm dò New Horizon của NASA tiến hành thành công chuyến bay cắt ngang qua một "thế giới" toàn băng đá cách chúng ta xấp xỉ 6,5 tỉ km (khoảng 4 tỉ dặm).

Trong khi đó, Ấn Độ đã công bố sẽ đưa một phi hành đoàn ba người vào không gian lần đầu tiên vào năm 2022. Có vẻ như ai cũng hăng hái muốn để lại dấu ấn riêng của mình.

Vậy bước tiến của Trung Quốc có gây ra sự lo lắng cho các nước khác đủ để khiến họ phải điều chỉnh lại kế hoạch tương lai của mình không?

Ít có khả năng đó, giáo sư Hayward nói. "Sẽ rất khó để phản ứng lại một cách nhanh chóng – bạn đang phải đối phó với những kế hoạch rất dài hạn."

Hơn thế nữa, Bernard Foing, giám đốc điều hành của Tổ Thám hiểm Mặt trăng Quốc tế thuộc Cơ quan Không gian châu Âu, đã lưu ý rằng bất kỳ một bước tiến nào cũng là điều tốt với thế giới nói chung.

"Trung Quốc đã thể hiện một bước tiến vĩ đại và một thiện chí hợp tác với các đối tác quốc tế," ông nói.

Tuy vậy vẫn có một quốc gia mà họ không thể hợp tác: hệ thống luật pháp chống gián điệp của Mỹ đã giới hạn hoạt động hợp tác song phương giữa NASA với các cá nhân mang quốc tịch Trung Quốc nếu không có sự cho phép chính thức của Quốc hội.

Cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù Trung Quốc trông có vẻ đang đặt mục tiêu bắt kịp Mỹ và Nga, song có khả năng là họ không tự xem mình đang chạy đua với bất kỳ ai cả.

"Trung Quốc đang đi theo những mối quan tâm và nguồn động lực của riêng họ, hơn là điều chỉnh chương trình không gian của mình để cạnh tranh với bất kỳ ai khác," John Logsdon, nhà sáng lập của Viện Chính sách Không gian thuộc Đại học George Washington, phát biểu với tạp chí Wired vào năm ngoái.

"Theo quan điểm của tôi, Trung Quốc đang tự quyết định mình muốn làm gì, chứ không lao vào một cuộc cạnh tranh chính thức bằng những bản kế hoạch vô định với bất kỳ ai cả."

Song, tất nhiên, thám hiểm không gian không chỉ đơn thuần là cuộc chơi chính trị. Cũng có cả "những mục tiêu khoa học thuần túy" đối với tàu Hằng Nga 4, Tiến sĩ Robert Massey thuộc Hội Thiên văn học Hoàng gia Anh chỉ ra.

Động lực nào đứng sau chương trình thám hiểm không gian đầy tham vọng của Trung Quốc? - Ảnh 4.

Một mô hình tàu thăm dò Hằng Nga 4 được trưng bày

Giáo sư Ouyang cũng đã nói về những mục tiêu khoa học và công nghệ của đất nước mình trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin BBC vào năm 2013. "Trên khía cạnh khoa học, ngoài Trái đất ra, chúng ta cũng cần biết cả các anh chị em của mình như là Mặt trăng, nguồn gốc cùng sự phát triển tiến hóa của nó, và từ đó chúng ta có thể hiểu hơn về Trái đất," ông nói.

Và vẫn còn đó nguồn tài nguyên tiềm năng bao la vô tận, một vài trong số chúng có thể "giải quyết nhu cầu năng lượng của nhân loại trong ít nhất là 10.000 năm nữa".

Tuy nhiên việc mang được chúng về vẫn là một thách thức – nhưng là một thách thức mà Trung Quốc sẽ tìm cách giải quyết: tàu Hằng Nga 5 và 6 là các sứ mệnh với nhiệm vụ lấy mẫu, sẽ đem những mảnh đất và đá Mặt trăng về các phòng thí nghiệm trên Trái đất. Tương lai hứa hẹn sẽ còn vô số những bất ngờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại