“Donald Trump của Philippines” đắc cử nhờ bạo ngôn?

Thi Anh |

Rodrigo Duterte sẽ đắc cử vì các phát ngôn táo bạo của mình? Thực ra, cuộc chuyển giao quyền lực của Philippines còn cho thấy nhiều hơn thế.

Bị truyền thông mỉa mai là "Donald Trump" của Philippines vì những phát ngôn táo bạo, thậm chí có phần khiếm nhã và phản cảm, nhưng hình ảnh của ông Rodrigo Duterte lại có vẻ không bị ảnh hưởng trong mắt dân chúng.

Điều đó đã được chứng minh qua kết quả kiểm phiếu sơ bộ. Tính tới thời điểm này, 94% số phiếu đã được kiểm và ông Duterte vẫn bỏ xa các ứng viên khác với hơn 38% phiếu ủng hộ.

Vậy nguyên do là vì sao?

Philippines của thời điểm hiện tại

Hãy nhìn vào những tin tức được đăng tải trong tháng 4 vừa qua, theo Pulse Asia, một công ty khảo sát ở Philippines. Hiện tượng thiếu gạo ở miền Nam đất nước đã dẫn tới cái chết của 3 người nông dân, trong cuộc bạo động giữa người biểu tình và cảnh sát.

Nữ doanh nhân Janet Napoles, người bị bắt giữ vì dính líu tới cáo buộc hối lộ các thượng nghị sĩ, thì được tại ngoại.

Cảnh sát trưởng Alan Purisima thì vi phạm Luật Chống Hối lộ và Tham nhũng, đạo luật nổi lên sau bê bối của Chính phủ Ferdinand Marcos hồi thập niên 60.

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố tham gia tuần tra cùng Philippines trên Biển Đông. Ngoài ý đồ của Mỹ, ta có thể thấy được tình trạng quốc phòng yếu kém của nước này.

Kể từ khi Philippines lật đổ Marcos năm 1986, người dân đã chứng kiến sự thất bại của cải cách ruộng đất, cơ sở hạ tầng xuống cấp và phản ứng chậm trễ của Chính phủ trong việc ứng phó thảm họa thiên nhiên.

Đặc biệt, tình trạng tham nhũng bùng phát, dính líu tới 2 Tổng thống của nhiệm kỳ 1998 và 2001 Trong đó, ông Joseph Estrada còn bị bắt giam.

Các biện pháp quân sự bị lạm dụng quá đáng, không khác gì thời Marcos vẫn còn tại nhiệm.

Hơn thế, khoảng cách giàu nghèo không những không thu hẹp mà còn ngày càng xa cách hơn. Năm 2012, Forbes châu Á cho biết, tổng tài sản của 40 gia đình giàu có nhất Philippines tăng 13 nghìn tỉ USD trong năm 2010 - 2011, tương đương 76,5% GDP đất nước giai đoạn đó.

Trong khi thu nhập bình quân đầu người tăng đều từ năm 2006 nhưng vẫn chỉ ngang bằng với Bờ Tây và Dải Gaza, khu vực bất ổn của Trung Đông.

Đấy cũng là lí do khiến người Philippines phải tìm cách xuất khẩu lao động. Chỉ riêng 2015, có tới 2,3 triệu người Philippines phải rời bỏ đất nước đi làm ăn tha hương.

Ngôi sao le lói giữa trời đêm

Thực ra, việc ông Duterte giành được nhiều sự ủng hộ không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đó cho thấy mức độ đáng báo động trong quan điểm bất mãn của dân chúng. Họ đã chịu quá nhiều tổn thương.

Trên thực tế, ngoài Duterte các ứng viên hàng đầu khác đều đến từ Manila hoặc các gia đình ưu tú có tiếng và giàu có. Grace Poe là con nuôi một ngôi sao nổi tiếng, Mar Roxas thì là ứng viên được Tổng thống Benigno Aquino III ủng hộ, còn Jejomar Binay, Phó Tổng thống đương nhiệm thì đang bị điều tra tham nhũng.

Trong số này, Duterte là người có gốc gác khiêm nhường nhất. Ông là con cháu của một gia đình tướng tá dưới thời Marcos với truyền thống 3G - gun, goon, gold (súng, tay sai và vàng). Cha ông cũng là thị trưởng của Davao từ năm 1959 - 1965.

Thân thế được ông Duterte đưa ra làm cái cớ để giải thích cho những phát ngôn thô lỗ. Ông nói rằng, đó là vì ông không phải là “con của một konyo (tầng lớp thượng lưu)”.

Đối với dân chúng, ông Duterte không khác nào ngôi sao sáng giữa trời đêm.

Rodrigo Duterte cho mình là một người theo chủ nghĩa dân túy, một kẻ ngoài cuộc sẽ sửa chữa tất cả những vấn đề nan giải của đất nước.

Tuy nhiên, khi được hỏi về các chính sách, ông Duterte thường nói: "Bí mật!".

Ông Duterte ủng hộ chế độ liên bang (chia Philippines thành nhiều vùng tự trị để tập trung phát triển kinh tế khu vực). Nhưng khi được hỏi về kế hoạch thực thi thì ông lại nói: "Nếu các anh bảo đề xuất Roxas tốt thì tôi sẽ bắt chước theo đó".

Tốt nghiệp ngành luật, Duterte trở thành thị trưởng Davao từ năm 1988. Ông nhanh chóng được biết tới là người có chính sách chống tội phạm gay gắt.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền đã ghi nhận hiện tượng "xử tử" gia tăng ở thành phố Davao. Hai chữ xử tử phải đưa vào ngoặc kép bởi đây không phải hành động hợp pháp của chính phủ. Chính quyền thành phố đã chi trả cho một số nhóm người để trừ khử các tội phạm vặt, cướp giật và buôn lậu thuốc phiện.

Theo HRW, các nhóm "xử tử" này đã giết hơn 1000 người trong suốt thời gian ông Duterte làm thị trưởng.

Rõ ràng ông ta có thể trụ vững ở vị trí đó suốt 7 nhiệm kỳ 4 năm là bởi quan điểm cứng rắn với tội phạm. Một trong những phát ngôn mà ông nhiều lần nhấn manh trong cuộc vận động bầu cử là: “Để giảm tội phạm, phải giết tội nhân”.

Sự cứng rắn ấy là đủ với các cử tri.

Đối với những người ủng hộ thì các phát biểu phản cảm về tình dục, phụ nữ lại được đánh giá là "nói thẳng nói thật" chứ không phải thảm họa. Những lời đe dọa “đốt cờ Singapore, trục xuất đại sứ Australia” được coi là quan điểm mạnh mẽ trước sự can thiệp của nước ngoài.

Nghe ông nặng lời, thậm chí chửi thề trước các sự việc, nhiều người còn thỏa mãn vì có người "nói thay lòng mình". Và họ cảm thấy tin tưởng, tin rằng rồi Duterte sẽ lập lại trật tự, hủy hoại giới giàu có và tiêu diệt tất cả những kẻ tội phạm xấu xa.

Nhưng liệu viễn cảnh đẹp đẽ này có phải là thực tế tương lai của họ. Hay một mai, khi thức dậy, người dân Philippines sẽ ngỡ ngàng nhận ra: mình đã đặt niềm tin sai chỗ? Câu hỏi này ta phải đợi tương lai trả lời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại