Vì một câu nói, nhà Tống "chết mòn" không thể phục hưng

Trần Quỳnh |

Chỉ bằng một câu nói quyết định quốc sách, Tống Thái Tông đã đẩy nhà Tống rơi vào thảm cảnh "giàu mà không mạnh" suốt ba thế kỷ.

Được xem là triều đại “xưa nay hiếm” trong lịch sử Trung Hoa, khi hình dung về nhà Bắc Tống, hậu thế thường dùng mấy chữ “giàu mà không mạnh” để hình dung.

Ngân khố giàu có, kinh tế hàng hóa phát triển, đất nước phồn vinh là những mỹ từ dùng để miêu tả về thời đại này. Thậm chí, Bắc Tống còn ghi nhận sự xuất hiện của tiền giấy sớm nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, dù sở hữu nguồn lực tài chính hùng hậu, nhưng triều đại trên lại không hề cường thịnh.

Không chỉ thất bại trong chiến lược thu phục khu Yên Vân, nhà Bắc Tống còn liên tục thất thế trong các cuộc chiến tranh với bên ngoài, còn phải dâng tiền cấp dưỡng cho Liêu, Hạ trong suốt một thời gian dài.

Bắc Tống “giàu nhưng không mạnh” là điều mà ai cũng nghe tới. Nhưng nguyên nhân sâu sa của thảm cảnh này lại là một bí mật ít người biết.

Trên thực tế, điều đã đẩy Bắc Tống vào "vết xe đổ" này lại bắt nguồn từ một câu nói của Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa.

Một câu nói trở thành quốc sách suốt ba thế kỷ

Khi mới lên ngôi, Tống Thái Tông nêu cao chủ trương kiên quyết tiến thủ, một tay thu phục Ngô Việt, diệt Bắc Hán, nhưng lại chịu thất bại trước 16 châu ở Yên Vân.

Tháng 7 năm 979, Thái Tông thân chinh dẫn đại quân giao chiến ác liệt cùng quân Liêu ở thành U Châu. Kết quả là quân Tống đại bại, Hoàng đế trúng tên bị thương, suýt chút nữa rơi vào tay giặc.

Năm 986, Tống Thái Tông tiếp tục cầm đầu 20 vạn quân tiến hành bắc phạt. Quân Tống tiếp tục chuốc lấy thất bại, còn khiến cho danh tướng Dương Nghiệp còn bị bắt, sau vì tuyệt thực mà chết.


Mặc dù có nền kinh tế vô cùng phồn thịnh, nhưng Tống triều vẫn được nhắc đến như điển hình của việc giàu nhưng không mạnh. (Tranh minh họa).

Mặc dù có nền kinh tế vô cùng phồn thịnh, nhưng Tống triều vẫn được nhắc đến như điển hình của việc "giàu nhưng không mạnh". (Tranh minh họa).

Trải qua hai lần nhận “quả đắng”, bản thân Thái Tông hoàn toàn mất đi nhuệ khí. Tới năm 991, vị vua này dùng một câu nói để đề ra “quốc sách”, đồng thời cũng đẩy nhà Bắc Tống đường cùng:

“Quốc gia nếu không có ngoại ưu (những lo lắng về bên ngoài), tất sẽ có nội mắc (khúc mắc trong nội bộ). Ngoại ưu chỉ có chuyện biên sự (việc bảo vệ lãnh thổ), đều có thể dự phòng.

Duy chỉ có loại gian tà là khó thấy. Nếu có nội mắc, quả thực đáng sợ! Bởi vậy bậc đế vương cần phải để tâm, cẩn trọng.”

Suy vong vì “thủ nội hư ngoại”

Quốc sách của nhà Tống được hậu thế tổng kết bằng bốn chữ “thủ nội hư ngoại” (quá chú trọng vào việc nội bộ khiến đất nước mất đi ưu thế với bên ngoài). Hậu quả của việc “thủ nội hư ngoại” biểu hiện qua hai vấn đề nổi bật của triều đại này.

Vấn đề thứ nhất: Nạn “nhũng binh”.

Để duy trì thể chế chính trị của mình, khi đất nước gặp phải thiên tai, các Hoàng đế Tống triều thường chiêu mộ thêm một lượng lớn binh sĩ.

Dưới thời Tống Thái Tổ, quân đội toàn quốc có 37.8 vạn người. Con số này đã tăng gấp đôi, lên tới gần 66,6 vạn người vào thời Tống Thái Tông.

Đến khi Chân Tông tại vị, lượng binh sĩ của triều đại này đã tăng lên 91,2 vạn và chính thức chạm mốc 125,9 vạn dưới thời Tống Nhân Tông. Từ đó về sau, số lượng binh sĩ của Tống triều thường duy trì ở mức 110 vạn quân.

Đội quân khổng lồ này trở thành gánh nặng lớn đối với tài chính quốc gia lúc bấy giờ. Một học sĩ thời đại này từng đánh giá: “Mười phần thì có tới chín phần cung ứng cho quân đội, vậy mà vẫn không đủ vì số lượng binh lính quá nhiều.”


Binh lính quá nhiều, nhưng võ tướng lại có địa vị thấp đã khiến cho quân đội Tống triều rơi vào tình trạng càng đông càng yếu! (Tranh minh họa).

Binh lính quá nhiều, nhưng võ tướng lại có địa vị thấp đã khiến cho quân đội Tống triều rơi vào tình trạng "càng đông càng yếu"! (Tranh minh họa).

Vấn đề thứ hai: Võ tướng địa vị thấp, quân đội thiếu khả năng chiến đấu.

Tống triều có lệ trọng dụng quan văn, việc cầm quân đôi khi còn được giao cho hoạn quan.Cũng theo đó, địa vị của võ tướng trong triều tương đối thấp và chịu nhiều thua thiệt.

Ngay cả những vị tướng kiệt xuất như Địch Thanh cũng không tránh khỏi việc bị tập đoàn quan văn đua nhau chèn ép.

Chủ tướng vô năng khiến cho vạn quân mất đi nhuệ khí. Đây là câu trả lời cho việc vì sao Tống triều sở hữu hàng chục vạn quân nhưng sức chiến đấu lại vô cùng kém cỏi.

Do đó, khi đối mặt với các vấn đề ngoại giao hay những cuộc xâm chiến từ bên ngoài, đại quân này vẫn không thể cứu vương triều thoát khỏi cảnh tận diệt.

Số phận bi thảm ứng nghiệm hai triều đại Nam Tống và Bắc Tống

Trên thực tế, chính sách “thủ nội hư ngoại” của nhà Tống vẫn có những kết quả tích cực riêng.

Hơn 3 thế kỷ trị vì, tuy số lượng khởi nghĩa nông dân tương đối nhiều, nhưng Tống triều chưa phải đối mặt với một cuộc nội loạn quá lớn nào. Nói cách khác, quốc sách trên đã giúp triều đại này tránh bị diệt vong bởi “mối họa từ trong nhà mà ra”.

Tuy nhiên, việc đề phòng “nội phản” mà thiếu sự phòng trừ đối với “ngoại xâm” đã khiến triều Tống phải chịu sự tấn công từ bên ngoài như một kết quả tất yếu.


Chủ trương chỉ củng cố nội bộ đã khiến Tống triều phải chịu sự áp bức và xâm lược từ các thế lực bên ngoài. (Tranh minh họa).

Chủ trương chỉ củng cố nội bộ đã khiến Tống triều phải chịu sự áp bức và xâm lược từ các thế lực bên ngoài. (Tranh minh họa).

Năm 1127, vương triều Bắc Tống bị nhà Kim tiêu diệt. Triều đại Nam Tống nối tiếp sau đó “an phận” tại phía nam sông Trường Giang và tiếp tục duy trì chính sách “thủ nội hư ngoại” của tiền triều.

Việc tăng mạnh khống chế quốc nội, áp dụng chính sách phòng ngự tiêu cực đã khiến Nam Tống tiếp tục đi vào vết xe đổ của Bắc Tống trước đó. Tới năm 1279, triều đại này bị quân Nguyên tiêu diệt. Nhà Tống cũng chính thức chấm dứt từ đây.

Quan điểm của các Hoàng đế khai quốc thường quyết định phương hướng phát triển của cả triều đại.

Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn là vị vua có tầm nhìn, nuôi tham vọng thu phục Yên Vân, sau đó dời đô để củng cố Hoàng quyền, thành lập một vương triều phồn vinh, giàu có bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Trong khi đó, vị vua thứ hai là Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa lại xuất thân văn nhân. Kinh nghiệm cầm quân ít ỏi đã khiến ông thất bại liên tiếp trong một số cuộc chiến tranh.

Đánh mất lòng tin thu phục vùng đất Yên Vân, vị Hoàng đế này đã đem toàn bộ tinh lực để củng cố nội bộ đất nước. Tuy nhiên, chính bước đi sai lầm này đã đẩy Tống triều rơi vào thảm cảnh phòng được “nội phản” nhưng lại chết trong tay ngoại xâm.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại