Sự đớn hèn của nhà Thanh và cái chết của vị ký giả đầu tiên ở TQ

Trần Quỳnh |

Từ lúc vào cung cho tới khi nắm quyền, Từ Hy đã thanh trừng không ít kẻ thù, cũng đã giết vô số người. Nhưng có thể khẳng định giết ký giả Thẩm Tẫn là quyết định bị lên án nhất trong cuộc đời Tây Thái hậu.

“Phóng viên đầu tiên tại Trung Quốc hi sinh vì sự thật”

Thẩm Tẫn (1872 – 1903), tên chữ Khắc Thành, tự Ngu Khê là người huyện Thiên Hóa, tỉnh Hà Nam (nay là thành phố Trường Sa – Trung Quốc).

Phong trào “Bách Nhật Duy Tân” được Hoàng đế Quang Tự khởi xướng đã khơi dậy trong lòng Thẩm Tẫn lý tưởng cải cách quê hương. Ông đã cùng Đàm Tự Đồng, Đường Tài Thương đã phất lên ngọn cờ duy tân tại Hà Nam.


Thẩm Tẫn là một ký giả nhiệt tình, một trí sĩ cốt cán trong phong trào cải cách duy tân tại Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Thẩm Tẫn là một ký giả nhiệt tình, một trí sĩ cốt cán trong phong trào cải cách duy tân tại Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Nhưng chỉ chưa đầy ba tháng, “Bách Nhật Duy Tân” đã bị Từ Hy Thái hậu thẳng tay dập tắt. Những ai mang tư tưởng cải cách đều phải lẩn trốn để tránh tai họa. Khi đó Thẩm Tẫn mang theo lý tưởng của mình sang Nhật Bản du học.

Vào năm 1900, Thẩm Tẫn trở về Thượng Hải, cùng Đường Tài Thường lập nên tổ chức “Chính khí hội”, sau đổi tên thành “Tự lập hội”, phất cao lá cờ phản Thanh.

Đảm nhiệm chức vụ cốt cán của tổ chức, lại phụ trách làm phóng viên tại một số tờ báo tiến bộ, Thẩm Tẫn dốc lòng với công cuộc canh tân để vực dậy nước nhà.

Sau đó ông tới Hán Khẩu tham gia vào đội quân tự lập, được phong làm Hữu Tướng quân, hoạt động quanh khu vực đê Hồ Bắc.

Tuy nhiên sau này sự tình bại lộ, ông từ Hồ Bắc trở về Thượng Hải, sau lại lẻn tới Bắc Kinh, tiếp tục tham gia các hoạt động phản Thanh.

Vào năm 1896, nhà Thanh ký kết với Nga hoàng “Mật ước Trung Nga”, cho phép Nga được phép xây dựng đường sắt qua địa phận Trung Quốc. Trên thực tế, mật ước bất bình đẳng này chính là một đường lùi đớn hèn của triều đình, đánh mất chủ quyền của đất nước.

Nhưng phải tới năm 1903, khi bản sơ thảo “mật ước Trung – Nga” được công bố trên hàng loạt các mặt báo, người dân Trung Quốc mới biết được bộ mặt bán nước của triều đình nhà Thanh.

Ngòi nổ này đã khiến phong trào phản Thanh trong nước diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết.

Khi đó, rất nhiều người đều tin rằng phóng viên đưa sơ thảo mặt ước lên mặt báo không ai khác chính là Thẩm Tẫn. Ngay sau khi sự thật được phơi bày trên mặt báo, Từ Hy đã ra lệnh truy nã Thẩm Tẫn, sau lại bắt giết ông mà không công bố tội trạng.

Quyết định trừ khử vội vàng khiến Từ Hy hối không kịp

Thẩm Tẫn bị bắt vào ngay trước dịp sinh nhật của Hoàng đế Quang Tự. Vì lý do này, Từ Hy càng quyết tâm nhanh chóng trừ khử ông.

Vào ngày 31 tháng 7 năm 1903, Từ Hy hạ chỉ: “Sắp tới dịp Vạn tuế sinh thành (chỉ sinh nhật của Hoàng đế), không được dùng hình, nên nhanh chóng dùng trượng hình ngay hôm nay. Khâm thử!”

Bộ Hình theo lệnh Thái hậu, đặc chế một thanh trượng lớn. Thẩm Tẫn bị tra khảo liên tiếp 200 trượng. Nhưng ngay cả khi bị đánh tới da thịt lẫn lộn, xương cốt nát vụn, ông cũng không kêu than một lời.

Cho đến khi bộ Hình tưởng ông đã chết, Thẩm Tẫn mới bất ngờ lên tiếng khiến mọi người khiếp sợ. Ông nói: “Dùng cái loại này còn không chết được, mau đưa dây thừng để ta thắt cổ.” Sau đó, Thẩm Tẫn bị án treo cổ.

Cùng ngày Thẩm Tẫn bị bức tử, tờ “tin tức Thiên Tân hằng ngày” đưa tin ông bị Bộ Hình tra khảo đến chết. Tờ báo này còn chỉ ra: từ khi Thẩm Tẫn bị bắt cho tới lúc qua đời chỉ có 20 ngày.

Điều này chứng tỏ triều đình không tiến hành điều tra, không công bố tội trạng, còn cố tình bức tử phóng viên yêu nước này.

Từ Hy giết Thẩm Tẫn chẳng khác nào nã đạn vào lòng dân chúng đã vốn sôi sục. Các cuộc khởi nghĩa của đủ mọi tầng lớp liên tiếp xảy ra khiến Thanh triều điêu đứng. Các sĩ phu tiến bộ cùng tầng lớp du học sinh Trung Quốc liên tục viết bài minh oan cho Thẩm Tẫn.

Ngay tới cả người ngoại quốc tại Trung Quốc lúc bấy giờ cũng không khỏi bất bình trước cái chết của ký giả Thẩm Tẫn. Khi ấy, một phóng viên nước ngoài còn thẳng thắn phê bình Từ Hy trên mặt báo là “mụ già độc ác đáng giết.”

Vụ việc này thậm chí đã kinh động tới các đại sứ quán nước ngoài đặt tại Trung Quốc. Hàng loạt các sứ giả đã vào cung cầu kiến Từ Hy để minh oan cho Thẩm Tẫn.

Từ lúc vào cung cho tới khi nắm quyền, Từ Hy đã thanh trừng không ít kẻ thù, cũng đã giết vô số người. Nhưng có thể khẳng định giết Thẩm Tẫn là quyết định bị lên án nhất trong cuộc đời Tây Thái hậu.

Lần thanh trừng này không những không đem lại cho bà lợi ích, mà còn trở thành bàn đạp cho dân chúng quyết tâm lật đổ triều đình. Sau này, Từ Hy khi nhắc tới cái chết của Thẩm Tẫn đều thừa nhận mình “vô cùng hối hận.”

Về nguyên nhân Thẩm Tẫn bị Thái hậu trừ khử, nhiều người cho rằng đó là do ông dám công bố dự thảo của “Mật ước Nga – Trung” lên mặt báo. Số khác lại khẳng định ông bị giết vì ba năm trước thành lập tổ chức phản Thanh.

Tuy nhiên dù qua đời vì nguyên nhân nào, thì Thẩm Tẫn vẫn mãi là một tấm gương sáng trong phong trào yêu nước, là “ký giả đầu tiên hi sinh vì sự thật”, đồng thời cũng là người hiếm hoi khiến Từ Hy Thái hậu “cả đời hối hận”.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại